Xử lý khi dùng thuốc nhỏ mắt sai cách

xử lý khi dùng thuốc nhỏ mắt sai cách

** Việc nhầm lẫn cách dùng, đường dùng, liều dùng đối với dạng nhỏ mắt không phải là hiếm nhưng may mắn là hầu hết các thuốc nhỏ mắt đều có nồng độ thuốc thấp và khá an toàn. Do vậy, nếu chẳng may gặp sự cố nhầm lẫn thì mọi người nên bình tĩnh, không phải lo lắng quá mức. Dưới đây sẽ là một vài tình huống hay gặp phải và cách xử lý khi dùng thuốc nhỏ mắt sai cách:

1. Uống nhầm thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là dạng tép nhỏ mắt.

– Một vài dạng tép đóng dung tích lớn từ 0.88ml đến hơn 1ml nên có thể bị nhầm với các dạng ống thuốc bổ đường uống. Dạng tép hiện nay chủ yếu là nước mắt nhân tạo nên các thành phần trong đó thường không gây hại với cơ thể.

– Tuy nhiên, cần lưu ý với dạng tép chứa các thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị bệnh Glaucoma (tăng nhãn áp) có thể gây kích ứng niêm mạc họng – thực quản nên cần uống nhiều nước ngay để rửa trôi thuốc khỏi niêm mạc họng – thực quản.

– Đặc biệt lưu ý, nếu trẻ bị nuốt nhầm các dạng nhỏ mắt chứa atropine sulfat, nguy hiểm tăng lên nhiều với nồng độ cao 0.5% đến 1% với các tác dụng toàn thân trên tim mạch, hô hấp và nhiều cơ quan khác. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi điều trị.

2. Nhỏ hết cả tép thuốc, hoặc nhiều hơn số giọt quy định trong một lần.

– Một số người có thói quen nhỏ phải “đẫm mắt” nên thường nhỏ mắt > 1-2 giọt trong 1 lần nhỏ thuốc. Điều này rất ít hoặc không ảnh hưởng đến tác dụng điều trị do bề mặt mắt chỉ chứa được một lượng thuốc nhất định chỉ khoảng hơn 1 giọt thuốc (0.05ml). Nếu nhỏ từ giọt thứ 2 trở đi (đúng vào giữa mắt hoặc túi kết mạc – kéo mi dưới ra phía trước để tạo thành túi) thì thuốc sẽ bị trào ra ngoài bề mặt mắt, gây lãng phí thuốc và tất nhiên là lãng phí tiền để mua thêm thuốc.

– Với những người sử dụng dạng tép lần đầu nếu không được hướng dẫn sử dụng thì có thể nhỏ hết dung dịch thuốc trong tép. Người bệnh không phải xử trí gì vì thuốc sẽ bị trào hết ra ngoài mắt, hầu như không gây hại.

– Chỉ lưu ý với dạng nhỏ có chứa hoạt chất thuộc nhóm prostaglandin để hạ nhãn áp như Travatan, Taptiqom, Lumigan, Ganfort, Taflotan, Duotrav, Taflotan S … thì phải rửa và lau sạch vùng dung dịch bị trào ra khỏi mắt do có thể gây kích thích phát triển lông ở vùng đó.

3. Nhỏ hai loại thuốc ngay gần nhau.

– Do chỉ chứa được một lượng thuốc nhất định ở một thời điểm nên nếu bạn nhỏ một loại thuốc khác ngay sau khi nhỏ loại đầu tiên thì thuốc có thể bị rửa trôi hoặc pha loãng, giảm tác dụng điều trị.

– Nên nhỏ cách nhau tối thiểu 5-10 phút giữa các loại thuốc nhỏ. Nếu có loại Gel hoặc Mỡ tra mắt thì phải tra sau cùng.

4. Nhỏ quá số liều quy định hoặc quên nhỏ thuốc trong ngày.

– Đối với những người bị bệnh mạn tính về mắt như Glaucoma hoặc viêm kết mạc dị ứng, phải sử dụng nhiều loại thuốc nhỏ thì việc nhầm lẫn số lần sử dụng trong ngày là hoàn toàn có thể xảy ra. Tác dụng điều trị thường đã đạt đỉnh với liều chuẩn nên nếu tăng số lần sử dụng lên thì chỉ có tác dụng phụ tăng lên.

– Cài đặt chuông điện thoại nhắc nhở thời điểm tra thuốc. Nếu có thể thì nên để một lọ thuốc ở cơ quan và một lọ ở nhà.

– Trong trường hợp quên nhỏ thuốc thì:

+ Nếu gần thời điểm nhỏ liều kế tiếp thì bỏ qua liều đó.

+ Nếu gần thời điểm nhỏ liều bị quên thì nhỏ sớm nhất có thể.

5. Tra nhầm mắt

– Các loại thuốc nhỏ điều trị như thuốc kháng sinh, kháng viêm, điều trị glaucoma thì chỉ sử dụng ở mắt bị bệnh nhưng do không được hướng dẫn kỹ hoặc sai sót do gõ đơn từ phía nhân viên y tế (dễ gặp) nên bệnh nhân có thể sử dụng cho cả hai mắt. Do vậy, cần ngưng sử dụng cho mắt còn lại nếu phát hiện sai sót.

– Chỉ các loại nước mắt nhân tạo mới có thể tra được cả hai mắt.

6. Bảo quản thuốc không đúng như nhiệt độ quy định.

– Ở thị trường Việt Nam có một số loại thuốc phải chuyển sang dạng bảo quản lạnh như Tobradex mỡ, Maxitrol mỡ, Taptiqom, Lipitear … Dù không được ghi rõ trên bao bì nhưng nhà sản xuất cũng khuyến cáo cho nhân viên y tế nói với bệnh nhân trong trường hợp chưa mở sản phẩm:

+ Nếu để liên tục ở nhiệt độ phòng thì để được một tháng.

+ Nếu để liên tục ở nhiệt độ lạnh 2-8 độ C thì để được đến hết hạn sử dụng.

– Thuốc tê Alcaine 0.5% cần được bảo quản lạnh trước khi sử dụng để tăng tác dụng gây tê bề mặt mắt.

https://nhathuocmathdhanoi.com/vai-luu-y-khi-su-dung-thuoc-nho-mat-gay-te-alcaine-0-5/

** Hướng dẫn nhỏ mắt đúng cách bởi Hiệp Hội Nhãn Khoa Hoa Kỳ:

https://www.aao.org/eye-health/treatments/how-to-put-in-eye-drops

** Trên đây là một số sai sót thường gặp và cách xử lý khi dùng thuốc nhỏ mắt sai cách, nếu quý khách cần tư vấn thêm có thể liên hệ bác sỹ điều trị hoặc liên hệ với dược sỹ Trần Hải Đông qua fanpage hoặc số Hotline: 0906199166.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap