Kháng sinh nhỏ mắt và Trẻ em trong bệnh viêm kết mạc thông thường: Dùng hay không dùng?

Câu nói đùa dưới đây được chuyển đổi nguyên văn từ bệnh cảm lạnh thông thường sẽ mở màn vấn đề được bàn luận.

“Nếu bạn không điều trị viêm kết mạc, sự viêm nhiễm sẽ kéo dài một tuần. Còn nếu bạn điều trị bệnh này thì tình trạng của bạn sẽ kéo dài bảy ngày.”

(Nguyên bản: “If you don’t treat conjunctivitis, the infection will last a week. If you do treat it, it will last seven days.” –https://www.aao.org/eyenet/article/kids-conjunctivitis-when-to-treat-what-to-use)

– Đây được coi là một trong những vấn đề thường gây ra tranh cãi gay gắt nhất trong ngành nhãn khoa. Điều trị hay không điều trị viêm kết mạc thông thường bằng thuốc kháng sinh, đặc biệt khi đối tượng là trẻ em? Sự đối nghịch này có thể được bắt nguồn từ nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc thông thường. Khi bệnh nhân lần đầu tiên tìm đến với bác sỹ với các triệu chứng như đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, cộm, ngứa… , các bác sỹ thường rất khó có thể xác định được ngay nguyên nhân do vi khuẩn, vi rút hay vi nấm (trừ những dấu hiệu điển hình của chủng đó).

– Giả sử nguyên nhân do vi khuẩn thì việc sử dụng kháng sinh ngay là hợp lý. Nhưng nếu nguyên nhân do vi rút hoặc vi nấm thì rõ ràng kháng sinh sẽ không có tác dụng diệt vi rút và rất ít kháng sinh có tác dụng diệt vi nấm (hiện tại đối ngành mắt thì không có chế phẩm kháng sinh thương mại nào có khả năng này). Vậy thì dùng kháng sinh ở trường hợp này có giá trị gì không?

+ Luồng quan điểm thứ nhất: dùng kháng sinh trong trường hợp này chỉ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh, đặc biệt ở trẻ em, nguy cơ sẽ cao hơn nếu tiếp xúc nhiều và từ rất sớm. Bệnh do vi rút thì thường sẽ tự khỏi trong khoảng một đến hai tuần, chỉ cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý và ăn uống các thực phẩm giúp làm tăng sức đề kháng là ổn. Nếu do vi nấm thì phải điều trị bằng các thuốc kháng nấm mới giúp bệnh thuyên giảm.

+ Luồng quan điểm thứ hai: dùng kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn do trẻ nhỏ chưa ý thức được việc phải hạn chế dụi mắt do ngứa, cộm mắt, dẫn đến làm tổn thương nặng hơn bề mặt kết mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn cơ hội xâm nhập. Điều này rất có giá trị với các nước có môi trường sống kém vệ sinh, ô nhiễm, khí hậu ẩm thấp. Đồng thời, giúp đẩy nhanh tốc độ lành bệnh hơn khoảng nửa ngày so với việc không điều trị bằng kháng sinh (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17585426).

– Hiện nay, vấn đề tranh cãi này có xu hướng là “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” và “cả nhà cùng vui”. Vế đầu tiên có ý nghĩa là thà cứ phủ đầu tấn công bằng thuốc kháng sinh ngay để loại bỏ bớt nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn do độc tính của nguyên nhân gây bệnh lẫn tác hại của việc bội nhiễm. Ở vế thứ hai –“cả nhà cùng vui”, bệnh nhân khi đến khám luôn mong có cái gì đó để mang về, nếu bác sỹ bảo không cần phải dùng thuốc thì chẳng may mất nhiều thời gian để tự khỏi hoặc bị nặng hơn, bác sỹ sẽ mất luôn sự tin tưởng của bệnh nhân. Do vậy, trong hoàn cảnh đó bác sỹ thường sẽ kê kháng sinh để người nhà và bệnh nhân yên tâm, đặc biệt là với trẻ nhỏ thì người nhà lại càng sốt ruột. Bác sỹ kê đơn thì các hãng thuốc cũng “vui” vì bán được nhiều thuốc. “Cả nhà cùng vui” là như vậy.

– Sự thật là nếu bác sỹ nào cũng có quan điểm như vậy thì “vui ở hiện tại, thiệt hại về sau”. Mức độ kháng kháng sinh có lẽ không cần phải nói nhiều vì được nhắc đến thường xuyên ở tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Bạn đã bao giờ hình dung đến một ngày mà một chủng vi khuẩn “ất ơ” nào đó mà đáng lẽ ra phải diệt được rất dễ dàng sẽ làm hỏng mắt con bạn vì không còn loại thuốc kháng sinh nào có hiệu quả nữa? Chính vì thế, đối với bệnh viêm kết mạc thông thường này, một số bác sỹ dũng cảm, lựa chọn cách chỉ cho bệnh nhân rửa mắt bằng nước muối sinh lý rồi để bệnh nhân tự theo dõi tình trạng của mình trong vòng vài ngày (ba ngày), nếu tình trạng không cải thiện thì mới cân nhắc đến việc sử dụng kháng sinh.

– Phần kết bài ad xin đưa ra câu trả lời về loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt nào dùng được cho trẻ em? Về mặt lý thuyết, nồng độ của các thuốc kháng sinh khi bào chế ở dạng nhỏ mắt đều thấp hơn rất nhiều (khoảng vài trăm lần) so với đường uống toàn thân nên lượng thuốc nếu thấm được vào toàn thân sẽ không đáng kể và thực sự rất khó có thể gây ra tác dụng nguy hiểm gì đối với trẻ nhỏ. Dựa trên lý thuyết như vậy, có thể nói thuốc kháng sinh nhỏ mắt nào cũng có thể nhỏ an toàn được cho trẻ nhỏ (trừ loại kết hợp sẵn corticoid). Nhưng khi một thuốc ra thị trường, để được công nhận là sử dụng an toàn trên trẻ em thường rất khó, và nhiều khi các bạn sẽ gặp cùng một hoạt chất nhưng chế phẩm này cho phép sử dụng cho trẻ em, chế phẩm kia lại không. Ví dụ như biệt dược Vigamox® của hãng Novartis có nghiên cứu an toàn cho trẻ em trên 1 tuổi nhưng một số sản phẩm bình dân (hàng generic) khác phải ghi là thận trọng hoặc chống chỉ định cho trẻ em. Biệt dược Tobrex® của Novartis hay Cravit 0.5® của Santen thậm chí còn được phê duyệt ở một số nước là sử dụng an toàn trên cả trẻ sơ sinh. Nhưng dù là ở bất cứ đâu thì người quyết định chọn kháng sinh nào cho con bạn luôn luôn phải là BÁC SỸ, do vậy mọi người làm ơn đừng đọc trên mạng rồi tự mua thuốc điều trị cho con vì lợi ích của chính con bạn sau này.

Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội có bán một số loại kháng sinh nhỏ mắt:

+ Cravit® 0.5% (Lọ 5ml chứa Levofloxacin 0.5%) của hãng Santen, sản xuất tại Nhật. Giá bán: 94.000đ

+ CRAVIT® 1.5% (Lọ 5ml chứa Levofloxacin 1.5%) của hãng Saten, sản xuất tại Nhật. Giá bán: 121.000đ

+ Vigamox® (Lọ 5ml chứa Moxifloxacin 0.5%) của hãng Alcon-Novartis, sản xuất tại Mỹ. Giá bán: 96.000đ

+ Oflovid® nước (Lọ 5ml chứa Ofloxacin 0.3%) của hãng Santen, sản xuất tại Nhật. Giá bán: 59.000đ

+ Oflovid® mỡ (Tuýp 3.5g chứa Ofloxacin 0.3%) của hãng Santen, sản xuất tại Nhật. Giá bán: 79.000đ

+ Tobrex® nước (Lọ 5ml chứa Tobramycin 0.3%) của hãng Alcon-Novartis, sản xuất tại Bỉ. Giá bán: 42.000đ

+ Besivance® (Lọ 5ml chứa Besifloxacin 0.6%) của hãng Bausch&Lomb, sản xuất tại Mỹ. Giá bán: 172.000đ

Cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

One thought on “Kháng sinh nhỏ mắt và Trẻ em trong bệnh viêm kết mạc thông thường: Dùng hay không dùng?

  1. Pingback: Vài lời khuyên cho dịch đau mắt đỏ căng thẳng tại Hà Nội - Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap