Những thay đổi trong các loại nước mắt nhân tạo hiện đại

– Hiện nay, mỗi lĩnh vực của ngành nhãn khoa đều có rất nhiều sản phẩm thuốc điều trị từ thương hiệu (hàng biệt dược) đến bình dân (hàng generic). Trong số các lĩnh vực đó phải kể đến mảng thuốc điều trị khô mắt mà tiêu biểu là các dòng “nước mắt nhân tạo” – chiếm đa số thị phần trong doanh thu từ các sản phẩm thuốc điều trị các bệnh về mắt nói chung. Các dòng sản phẩm “nước mắt nhân tạo” này có một số loại cần phải có đơn kê của bác sỹ, nhưng cũng có rất rất nhiều loại có thể được mua tại nhà thuốc mà không cần đơn thuốc.

– Như đã đề cập trong bài “Lịch sử 3500 năm của nước mắt nhân tạo”, tính tới thời điểm này, thế giới đã có 04 thế hệ “nước mắt nhân tạo” được ra đời. Mỗi loại mang theo những ưu, nhược điểm nhất định. Về mặt lý thuyết, có thể thấy loại sau cải tiến hơn loại trước. Những cải thiện đó bao gồm:

+ Thay đổi chủng loại trong cùng một thế hệ, ví dụ như chuyển từ các loại polymer tự nhiên sang các loại polymer tổng hợp.

+ Thay đổi nồng độ của cùng một hoạt chất, điển hình nhất là Natri hyaluronat chuyển từ nồng độ 0.1% (phổ biến nhất với nhiều sản phẩm nổi tiếng tại Việt Nam như Sanlein 0.1 của Santen, TearBalance của Senju) lên 0.18% (Vismed của TRB Chemedica), tiếp đó là 0.2% (HyloGel của Ursapharm, Lacrifresh Ocu-dry của Avizor) rồi 0.3% (Sanlein 0.3 của Santen), và mới nhất là 0.5% (Ialuvit của Alfa Intes).

+ Thay đổi bào chế, cải tiến công nghệ: đơn giản nhất là từ dạng dung dịch sang dạng gel rồi dạng nhũ tương, thay đổi áp suất thẩm thấu từ đẳng trương sang loại nhược trương, hay công nghệ nhũ tương nano chuyển từ tích điện âm sang tích điện dương với mục đích tăng thời gian lưu trữ thuốc (Cationorm của Santen, Lipitear của IOPtima).

+ Thay đổi về các chất bảo quản, chuyển từ loại độc tính cao (Benzalkonium clorid) sang các loại có độc tính thấp hơn (Benzalkonium clorid cải tiến của Santen, Polyquad của Alcon rồi đến Purite của Allergan…) và đỉnh cao nhất là không sử dụng chất bảo quản trong dạng tép hoặc mới hơn là dạng lọ không chất bảo quản.

+ Thay đổi về dạng phối hợp: chuyển từ chỉ sử dụng 01 loại hoạt chất đơn độc sang phối hợp nhiều hoạt chất trong cùng một chế phẩm. Phối hợp đầu tiên là 2 loại polymer tự nhiên và polymer tổng hợp (Systane Ultra của Alcon, Optive UD của Allergan), sau đó là phối hợp Natri hyaluronat với các polymer hoặc hoạt chất khác như Taurin, Vitamin B12 với mục đích cân bằng áp suất thẩm thấu của film nước mắt, giúp làm tăng hiệu quả điều trị khô mắt, đồng thời hỗ trợ thêm cho việc giảm mỏi mắt (Ialuvit của Alfa Intes).

– Người sử dụng được lợi và hại gì từ những cải tiến đó?

+ Lợi ích điều trị: mỗi thế hệ “nước mắt nhân tạo” được dành cho từng mức độ khô mắt cũng như nhu cầu muốn được sử dụng sản phẩm cao cấp của từng bệnh nhân. Thời gian lưu trữ lâu hơn giúp duy trì tình trạng “ẩm ướt” bề mặt nhãn cầu tốt hơn, hay những trường hợp khô mắt trung bình và nặng rất cần loại có độ nhớt cao hơn để giảm triệu chứng bỏng rát tốt hơn. Cũng không cần phải bàn cãi rằng nếu phải sử dụng lâu dài thì loại không có chất bảo quản luôn luôn được khuyến cáo đầu tay, và thực sự rất có giá trị trong các trường hợp có các bệnh lý bề mặt nhãn cầu mãn tính như viêm kết mạc dị ứng, viêm giác mạc chấm nông…

+ Tăng chi phí điều trị: khi một công nghệ mới ra đời thì người sử dụng sẽ phải âm thầm “trả tiền” cho công nghệ đó (tính vào giá thành của sản phẩm). Nếu chúng ta chỉ mua dạng lọ có chất bảo quản thì thường giá sẽ rẻ hơn nhiều so với loại không có chất bảo quản. Hay đơn giản hơn là việc tăng nồng độ cũng làm giá thành sản phẩm tăng lên. Ví dụ như Sanlein loại 0.1% có giá nhập chỉ 61.530đ nhưng Sanlein 0.3% có giá nhập gấp đôi là 126.000đ.

– Vậy thì chọn loại nào ưu việt nhất?

+ Thực sự là không thể đưa ra câu trả lời vì cái “được cho là ưu việt” đó phải dựa trên sự cân bằng giữa lợi ích điều trị và chi phí bỏ ra của từng bệnh nhân. Còn về mặt bằng chứng khoa học, mỗi nghiên cứu thường chỉ so sánh một vài loại và trên một nhóm bệnh nhân nhất định. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu còn có xu hướng bị sai lệch thiết kế với mục đích để nâng giá trị của một sản phẩm nào đó lên. Trong bài tổng quan hệ thống năm 2016 của Dr. Andrew D Pucker và cộng sự đã đề cập tới 43 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng trên 3497 bệnh nhân bị khô mắt và đưa ra một số kết luận quan trọng như “không rõ liệu có sự khác biệt về lợi ích điều trị của các dòng sản phẩm nước mắt nhân tạo bán OTC (Over the counter – nghĩa là không cần đơn bác sỹ)”, hay một kết luận khác như nhiều nghiên cứu đối đầu giữa các sản phẩm cho kết quả trái ngược nhau. Thông tin thêm tại: (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5045033/ )

– Tóm lại, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, chúng ta đã may mắn có cơ hội được lựa chọn sử dụng những loại “nước mắt nhân tạo” thế hệ mới nhất thay vì phải chấp nhận “có gì dùng nấy” như trong một số lĩnh vực khác. Dù phải cân bằng giữa lợi ích điều trị và giá trị kinh tế, mỗi sự cải thiện trong điều trị khô mắt đều xứng đáng được cộng đồng chuyên gia ghi nhận và đưa ra vào sử dụng trong thực tiễn.

Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán đủ cả 04 thế hệ của “nước mắt nhân tạo”:

+ Thế hệ 1: Physiodose (hộp 12 ống 5ml chứa NaCl 0.9% – không chất bảo quản) của hãng Gilbert Laboratories, sản xuất tại Pháp. Giá bán: 52.800đ/hộp. (Đăng ký dưới dạng vật tư y tế)

+ Thế hệ 2: Systane Ultra UD (hộp 24 ống 0.5ml chứa Polyethylen Glycon 400 0.4% + Propylen Glycon 0.3% – không chất bảo quản) của hãng Alcon, sản xuất tại Pháp. Giá bán: 148.800đ/hộp.

+ Thế hệ 3: Vismed (hộp 20 ống 0.3ml chứa Natri hyaluronat 0.18% nhược trương – không chất bảo quản) của hãng TRB Chemedica, sản xuất tại Đức. Giá bán: 218.000đ/hộp.

+ Thế hệ 3: Sanlein 0.3 5ml (chứa Natri hyaluronat 0.3% có chứa bảo quản Benzalkonium clorid cải tiến) của hãng Santen, sản xuất tại Nhật. Giá bán: 132.000đ.

+ Thế hệ 3: Ialuvit (hộp 15 ống 0.6ml chứa Natri hyaluronat 0.5% +Taurin 0.5% +Vitamin B12 0.05% nhược trương – không chất bảo quản) của hãng Alfa Intes, sản xuất tại Italy. Giá bán: 345.000đ/hộp. (Đăng ký dưới dạng vật tư y tế)

+ Thế hệ 4: Cationorm (hộp 30 ống 0.4ml chứa nhũ tương nano dầu trong nước 1%, tích điện dương – không chất bảo quản) của hãng Santen, sản xuất tại Pháp. Giá bán: 246.000đ/hộp. (Đăng ký dưới dạng vật tư y tế)

Cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap