Kết quả sử dụng Atropin cho trẻ bị cận thị từ nghiên cứu ATOM2 2015 của Gs. Donald Tan – Trung tâm Mắt Quốc Gia Singapore

– Ngay từ khi lần đầu tiên được báo cáo tại hội nghị nhãn khoa Mỹ năm 2015 – AAO (American Academy of Ophthalmology), chủ đề về theo dõi sử dụng Atropin nhỏ mắt trong 05 năm của Gs. Donald Tan đã mở ra một xu hướng mới cho việc làm chậm tốc độ tiến triển độ cận thị ở trẻ nhỏ. Trong bài “Atropin 0.01…” và bài “Mytropine…”, ad đã trình bày sơ lược về hiệu quả, chế độ liều sử dụng, tên sản phẩm được phép bán tại Việt Nam nhưng chưa đi chi tiết vào những điểm đáng chú ý từ nghiên cứu do chưa tìm được nghiên cứu gốc. Nhờ có sự trợ giúp của các bác sỹ tại viện, ad đã được cung cấp tài liệu này và xin chia sẻ cùng mọi người một số thông tin trong nghiên cứu.

– Hơi ngoài lề một chút, đây là nghiên cứu được công bố từ năm 2015 nhưng các chuyên gia nhãn khoa tại Việt Nam chưa công bố rộng rãi cho mọi người biết với lý do đây là chỉ định chưa chính thức được phê duyệt (Off-label) và vẫn đang trong giai đoạn cần nghiên cứu thêm.

– Nghiên cứu được tiến hành trong 05 năm trên 400 trẻ có độ tuổi từ 6-12 với độ cận ≥ -2.00 Diop, được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm, mỗi nhóm sử dụng các nồng độ Atropin khác nhau (0.5%; 0.1% và 0.01%) gồm 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: năm 1 và 2: nhỏ thuốc atropin

+ Giai đoạn 2: năm 3: dừng sử dụng thuốc

+ Giai đoạn 3: năm 4 và 5: tiếp tục sử dụng thuốc cho các trẻ có độ cận tăng > -0.5 Diop với nồng độ khả quan nhất.

  1. Kết quả sau 2 năm đầu tiên:

** Hiệu quả điều trị: Khi chưa nhỏ thuốc, độ cận trung bình là -4.70 Diop. Sau 2 năm, nhóm nhỏ Atropin 0.5% có độ cận trung bình là (-4.60D), nhóm nhỏ Atropin 0.1% có độ cận là (-4.80D) và nhóm nhỏ Atropin 0.01% có độ cận (-4.90D).

~ Các kết quả này không có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P=0.20) nghĩa là độ cận gần như không thay đổi so với lúc chưa nhỏ thuốc và dùng Atropin nồng độ 0.01% cho hiệu quả tương tự như với nồng độ 0.1%, 0.5% và thậm chí như với nồng độ 1% trong nghiên cứu ATOM1 (nghiên cứu đầu tiên).

~ Nếu chỉ nhỏ giả dược (Placebo – hiểu nôm na là nhỏ nước cất) thì độ cận trung bình sẽ tăng lên tới là -6.00D.

** Độ an toàn: Kích thước đồng tử khi sử dụng Atropin 0.01% thay đổi ít nhất so với các nồng độ khác, nghĩa là mắt trẻ sẽ ít bị mờ khi nhìn gần hoặc chói mắt (chỉ khoảng 1% trẻ bị với nồng độ này), do đó, không ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của trẻ. Các tác dụng phụ khác tại mắt và toàn thân cũng không ghi nhận trường hợp nào.

** Lý giải cho tác dụng của thuốc: do thuốc làm cho chiều dài trục nhãn cầu tăng chậm lại nên độ cận cũng sẽ tăng chậm theo. Được hiểu là nếu con bạn đã bị cận thị rồi thì dù bạn không cho con chơi máy tính hay học hành gì, độ cận vẫn sẽ tăng một cách tự nhiên theo sự phát triển của cơ thể (khi trẻ cao lên thì trục nhãn cầu cũng sẽ tăng theo).

  1. Sau khi dừng thuốc thì sao? (năm 3):

** Kích thước đồng tử, khả năng điều tiết trở về bình thường ở tất cả các nhóm.

** Nhưng điểm đáng chú ý thứ 2 trong nghiên cứu này là:

Người ta phát hiện thấy có hiện tượng Bật Lại (Rebound) sau 1 năm tính từ thời điểm ngưng sử dụng thuốc, nghĩa là ở tháng thứ 36, độ cận thị ở một số trẻ em tiến triển trở lại. Nhóm sử dụng nồng độ Atropin càng cao thì tỉ lệ trẻ có độ cận tăng hơn 0.5 Diop ở nhóm đó càng nhiều. Nhóm 0.5% là 68%, nhóm 0.1% là 59% và nhóm 0.01% là 24%.

III. Dùng thuốc trở lại cho trẻ có độ cận tiến triển hơn 0.50 Diop với Atropin 0.01% ở cả 3 nhóm ở năm thứ 4 và 5:

** Kết quả: giống như 2 năm đầu sử dụng.

– Tóm lại, nghiên cứu đã đúc kết được 4 điểm chính:

  1. Nhỏ mắt Atropin (bất kể nồng độ) đều làm chậm tiến triển độ cận thị do làm chậm lại sự phát triển của chiều dài trục nhãn cầu nhưng có hiện tượng Bật Lại (Rebound) (tăng độ cận trở lại) khi ngưng sử dụng và tỉ lệ trẻ bị hiện tượng này sẽ càng tăng nếu dùng nồng độ càng cao (1% > 0.5% > 0.1% > 0.01%). --> khuyến cáo sử dụng lâu dài đến tận 18 tuổi nhưng cần theo dõi thêm sau đó.
  2. Sử dụng Atropin để nhỏ mắt được coi là an toàn khi không thấy những tác dụng phụ nguy hiểm nhưng ở nồng độ càng cao thì sự giãn đồng tử, mất khả năng điều tiết càng mạnh khiến cho việc nhìn gần bị hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  3. Nồng độ Atropin 0.01% cho hiệu quả điều trị tối ưu nhất với ít ảnh hưởng nhất đến sự giãn đồng tử, khả năng điều tiết so với các nồng độ cao hơn. --> dùng lâu dài an toàn
  4. Sử dụng nhỏ mắt Atropin 0.01% có vẻ như làm tốc độ tăng độ cận giảm tới 50% so với sự tăng tự nhiên của cơ thể và việc tái điều trị nếu bị tăng độ vẫn cho hiệu quả tương đương như ban đầu. — > Ở bài “Atropin 0.01…” lần trước ad ghi 50% tỉ lệ trẻ có sự chậm tốc độ tăng độ cận thị là sai, mong mọi người thông cảm). Theo như nghiên cứu thì phải là ở cả 100% trẻ đều thấy có tác dụng và mức độ làm chậm so với tự nhiên được cho là 50% (ví dụ: sau 2 năm tăng tự nhiên (NẾU CÓ) là 02 Diop, thì dùng thuốc này sẽ chỉ tăng tối đa là 01 Diop).

Cho đến khi được phê duyệt chính thức và có thêm nhiều nghiên cứu được báo cáo, việc sử dụng Atropin 0.01 nhỏ mắt trong thực tế vẫn rất cần được đánh giá thêm bởi các bác sỹ nhãn khoa Việt Nam về hiệu quả điều trị cũng như độ an toàn khi sử dụng lâu dài.

Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội có BÁN LẺ vật tư y tế nhỏ mắt:

+ Mytropine 0.01% 10ml (chứa atropin sulfat 0.01%) do công ty Indiana Ophthalmics – Ấn Độ sản xuất với công dụng: “Làm chậm tốc độ tiến triển độ cận thị ở trẻ em”. Giá bán: 163.000đ.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong thông tin trên sẽ giúp ích cho mọi người ạ.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap