Ship thuốc – Nên hay không nên?

– Trong thời buổi “chỉ cần ngồi nhà đặt ship là có ngay mọi thứ mình cần”, dường như nhiều người đã quên hết cái gọi là “Điều kiện bảo quản” mà đánh đồng tất cả mọi thứ với nhau để vận chuyển. Đơn giản như đối với máy móc, dòng chữ “Nhẹ tay, dễ vỡ” là bắt buộc để máy móc không bị va đập, hư hỏng, đặc biệt đối với các loại kích thước nhỏ như điện thoại, máy tính. Thông thường, đối với các loại hàng hóa không cần bảo quản đặc biệt (bảo quản lạnh, độ ẩm thấp…), nhà sản xuất vẫn khuyến cáo tốt nhất là:

+ bảo quản ở nhiệt độ phòng (25-30 độ C),

+ độ ẩm dưới 70-75%

+ để nơi khô ráo, thoáng mát,

+ tránh ánh sáng mặt trời.

– Những điều kiện trên đặc biệt quan trọng đối với thuốc. Trước khi bán vào một thị trường nào đó, các hãng dược uy tín sẽ nghiên cứu khí hậu ở khu vực đó để có những bước đánh giá tốc độ phân rã của thuốc rồi từ đó đưa ra hạn sử dụng thích hợp với thị trường đó. Một ví dụ về việc này là cách đây khoảng 02 năm, thuốc mỡ tra mắt Tobrex® của Alcon- Tây Ban Nha đã bị chính hãng này thu hồi để rút ngắn thời hạn sử dụng trên bao bì từ 36 tháng xuống 24 tháng do có báo cáo ghi nhận mỡ bị phân hủy nhanh hơn so với thời hạn ban đầu khi để ở nhiệt độ phòng.

– Một ví dụ khác là vấn đề bảo quản lạnh. Cũng cách đây 02 năm, theo thông tư 36/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc và nguyên liệu làm thuốc, một loạt thuốc bị buộc phải thay đổi từ bảo quản ở nhiệt độ phòng chuyển sang bảo quản lạnh (2-8 độ C) để đảm bảo thuốc không bị phân hủy nhanh hơn do điều kiện khí hậu ở Việt Nam khác với nơi sản xuất (các thuốc biệt dược đa số nhập khẩu từ châu Âu, nơi có khí hậu lạnh và khô, trong khi Việt Nam có khí hậu nóng và ẩm).

– Quay lại với các thuốc nhỏ mắt, điều dễ nhận thấy là các thuốc hầu hết ở dạng dung dịch – môi trường dễ hòa tan thuốc, có nhiều ưu điểm trong việc phân tán thuốc vào mắt nhưng cũng dễ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nhiễm vi sinh vật hoặc bị phân hủy, biến đổi. Tất nhiên, khi ra thị trường, các nhà bào chế đã phải bổ sung thêm các chất cần thiết như chất bảo quản, chất hoạt động bề mặt, chất đệm… để ngăn chặn các quá trình này. Tuy nhiên, dù có làm gì đi nữa thì điều kiện bảo quản phải tuân thủ triệt để là TRÁNH ÁNH SÁNG MẶT TRỜI. Ví dụ về việc dễ bị phân hủy là hoạt chất Vitamin B12 trong biệt dược Sancoba® nổi tiếng của hãng Santen- Nhật. Ai đã từng học ngành Dược thì sẽ biết cấu trúc hóa học của hoạt chất này có thể nói là một trong công thức phức tạp bậc nhất, dễ ảnh hưởng bởi môi trường, nhiệt độ.

+ Trích dẫn từ wikipedia: (https://vi.wikipedia.org/wiki/Vitamin_B12)

Vitamin B12 có dạng tinh thể màu đỏ, không mùi vị, bền trong tối, bền ở nhiệt độ thường, bền ở pH acid; dễ phân hủy ngoài ánh sáng….

– Độ bền của vitamin B12 phụ thuộc vào yếu tố: Vitamin này tương đối bền ở pH 4 – {\displaystyle \div }0-6, thậm chí ở nhiệt độ cao. Trong môi trường kiềm hay khi có mặt các chất khử như acid ascorbic hay SO2, vitamin B12 bị phân hủy nhanh. Khi có sự hiện diện của vitamin C (acid ascorbic), vitamin B12 trở nên ít bền vững với nhiệt độ hơn và có thể bị phá hủy lượng đáng kể. Trong chế biến, vitamin B12 khá bền vững với nhiệt độ, trừ khi trong môi trường kiềm hoặc nhiệt độ quá 100oC.” – Nhiều người sử dụng không biết việc này nên vẫn thường đặt ship thuốc online hoặc hàng “xách tay” thay vì đến mua tại các hiệu thuốc.

– Để vận chuyển thuốc từ nơi phân phối đến các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc), các công ty phải có xe chuyên dụng và các thiết bị hỗ trợ bảo quản như tủ lạnh di động, thùng xốp… và giao theo lộ trình ngắn nhất có thể để hạn chế thời gian thuốc được vận chuyển trên đường phố. Đó là đối với cơ sở bán buôn, còn đối với bán lẻ thì câu truyện hoàn toàn khác. Dịch vụ đặt ship đơn giản đủ mọi hình thức nhưng ship cái gì và có cần chú ý bảo quản gì không thì cả người đặt và người giao hàng chắc cũng ít để ý. Ở những thời điểm mát mẻ hoặc lạnh trong năm, việc ship thuốc nội thành hoặc đi tỉnh lân cận có thể diễn ra suôn sẻ vì người gửi đã phải bọc tránh ánh sáng và nhiệt độ, độ ẩm bên ngoài phù hợp để có thể lưu kho vài ngày trước khi giao đến nơi. Nhưng đối với những ngày hè nắng nóng đến “chín cả trứng”, nhu cầu ship lại càng tăng cao do tâm lý “ngại” ra đường, bận công việc hoặc do dịch bệnh. Một lọ thuốc mắt để ngoài nắng 1 giờ hoàn toàn có thể biến màu, phân lớp, biến đổi thành một cái gì đó “mất tác dụng” hoặc “độc tính”.

+ Ví dụ như hoạt chất kháng viêm không steroid – Nepafenac trong biệt dược Nevanac® 0.1% của Novartis-Bỉ vốn là dạng tiền chất của hoạt chất có tác dụng Amfenac. Người ta phải bào chế ở dạng tiền chất để thuốc có thể thấm sâu vào trong khu vực đáy mắt – đích đến để điều trị một số bệnh lý hoàng điểm (phù hoàng điểm dạng nang sau phẫu thuật thay thủy tinh thể). Nepafenac khi nhỏ vào mắt và đến đúng thời điểm + vị trí thì thuốc mới bị phân giải thành Amfenac. Nếu như bạn để thuốc bị phân hủy thành Amfenac ngay trong lọ thì hiển nhiên, tác dụng kháng viêm của thuốc sẽ giảm mạnh và không còn giá trị điều trị.

– Và cuối cùng, nhiều thuốc mắt hiện nay có xu hướng chuyển sang dạng không chất bảo quản để không phải lo ngại độc tính do chất bảo quản tích lũy nhưng cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ hỏng thuốc từ bên trong cũng cao hơn. Đó là lý do tại sao nhà sản xuất khuyến cáo nên bỏ phần còn lại của thuốc trong vòng 12-24 giờ sau khi mở nắp đối với dạng tép, thậm chí có hãng khuyến cáo nhỏ 1 lần rồi vứt đi luôn. Việc vận chuyển thuốc mà không có những điều kiện cần thiết để bảo quản thì có khả năng bạn đang mua thuốc về để tự hại mình chứ không phải để điều trị nữa.

Nhà thuốc cảm ơn sự quan tâm của quý khách đối với các sản phẩm tại cửa hàng nhưng trong thời điểm từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm, mọi yêu cầu ship thuốc nhà thuốc sẽ không nhận trừ những trường hợp đặc biệt. Quý khách có nhu cầu mua sản phẩm nào vui lòng đến mua trực tiếp tại địa chỉ 32 Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Thành phố. Hà Nội.

Kính mong quý khách thông cảm.

Xin cảm ơn quý khách,

Ths. Ds. Trần Hải Đông

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap