Thị trường thuốc mắt cuối năm 2020

– Như thường lệ, thời điểm cuối năm nhà thuốc sẽ tổng quan lại thị trường thuốc mắt tại Việt Nam. Trước khi đi vào từng nhóm thuốc, mọi người nên biết đến thông tư 15 năm 2020 của Bộ Y Tế về việc “ban hành danh mục thuốc đầu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá”. Ad được tham dự hai buổi thảo dược chuyên đề tập huấn về thông tư này do các chuyên gia của Bộ Y Tế hướng dẫn. Ngoài các quy định về đấu thầu thuốc, điểm mà mọi người cần biết là việc phải đàm phán giá thuốc biệt dược gốc (hiểu nôm na là thuốc “thương hiệu”) giữa trung tâm mua sắm thuốc quốc gia và các hãng dược để giảm giá các biệt dược này xuống tới mức nào đó (10-65%), theo chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam từ đầu năm.

– Điều gì sẽ xảy ra khi không đàm phán thành công, đặc biệt khi các hãng dược đều khẳng định giá thuốc của họ tại Việt Nam hầu hết đều thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới? Liệu các hãng có chịu giảm giá xuống hay là họ sẽ rút sản phẩm của mình khỏi thị trường Việt Nam? Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là người bệnh không có thuốc “xịn” để dùng trong những trường hợp cấp bách và các thuốc generic (nôm na là thuốc thay thế) không đáp ứng được về mặt điều trị. May mắn là, ngành mắt hiện tại chưa bị ảnh hưởng nhiều do đa số các thuốc tra mắt đều có rất ít hàng thay thế generic nhóm I (nhóm có tiêu chuẩn chất lượng gần nhất với biệt dược gốc). Tuy nhiên, với những thay đổi liên tục về mặt quản lý nhà nước đối với thuốc biệt dược gốc, ngành mắt cũng khó tránh khỏi xu hướng bị thoái lui dần dần các thuốc “xịn” khỏi thị trường Việt Nam trong tương lai gần. Khi đó, chúng ta chỉ có thể kỳ vọng vào việc sản xuất thuốc trong nước phát triển hơn và/hoặc có được nhiều hàng thay thế chất lượng gần tương đương.

– Tạm bỏ qua những thông tin còn phải chờ “tương lai mới biết kết quả”, ad xin trở lại với điểm nhấn của các nhóm thuốc chuyên khoa mắt:

  1. Nhóm thuốc điều trị khô mắt:

– Kể từ khi sản phẩm nhỏ mắt đầu tiên được đăng ký dưới dạng vật tư y tế (Cationorm® của Santen-Nhật) xuất hiện trên thị trường, các công ty dược tư nhân đã tìm thấy cơ hội kinh doanh lớn khi liên tục đưa các sản phẩm nước mắt nhân tạo chất lượng cao về mặt bào chế về Việt Nam. Bên cạnh các sản phẩm của các năm trước như Gilan Comfort®, Taurine Solopharm®, Ialuvit®, Oftaial Plus®, Sanlein®, Optive UD®, Restasis®, Systane Ultra UD®, Vismed®, Laci-Eye®…, năm 2020 có thêm bốn dòng sản phẩm điều trị khô mắt nổi bật về mặt bào chế:

+ Hylo Gel® 0.2% và mỡ Vitamin A tra mắt VitA Pos® của Ursapharm – Đức

+ Clinitas Gel và Clinitas UD 0.2%, Clinitas Soothe 0.4% của Altacor – Anh

+ Hydrelo Dual Action 0.2% (chứa natri hyaluronat 0.2% và ectoin 0.5%) của Santen – Đức.

+ Lipitear (vi nhũ tương phospholipid) của Optima-Ý

– Câu hỏi quen thuộc: Dòng loại nào tốt nhất? Câu trả lời: Rất khó trả lời vì loại nào cũng tốt cả, bạn hãy dùng thử từng loại và tự bản thân bạn đánh giá là phù hợp nhất.

– Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm dạng lọ có chất bảo quản, phân khúc giá thấp vẫn đang diễn ra trên gian hàng của các nhà thuốc bên ngoài khuôn viên bệnh viện. Starazolin®, Aquamax®, Visiloton®, TearBalance®, Refresh Tear®, Optive®, Systane Ultra lọ®, Sanlein 0.1®, Unihy®, Samil-Vidone®… là những cái tên mà ad biết được, còn thực tế có lẽ có đến hàng trăm sản phẩm thương mại khác nhau. Và trong năm 2021, ad được tiết lộ sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới đến từ nhiều hãng khác nhau, với chất lượng cao sẽ được đưa về thị trường Việt Nam.

Liposic Eye Gel® vẫn đứt hàng như mọi năm!

  1. Nhóm điều trị bệnh lý tăng nhãn áp (Glaucoma):

– Trong năm 2020, dấu ấn duy nhất liên quan đến mảng điều trị bệnh lý Glaucoma là sự có mặt của dạng phối hợp giữa brinzolamid 1% và brimonidin 0.2% với tên thương mại là Simbrinza® của hãng Novartis – Bỉ. Tuy sự phối hợp này có thể thay thế bằng nhiều cách khác nhau như đã trình bày ở bài viết tại link: “https://nhathuocmathdhanoi.com/alphagan-p-simbrinza-combigan-cac-che-pham-ha-nhan-ap-co-thanh-phan-brimonidin/” ,việc tránh sử dụng các hoạt chất thuộc nhóm chẹn beta giao cảm trên các đối tượng có bệnh lý tim mạch, cao huyết áp… như Timolol, Betaxolol sẽ giảm thiểu các biến cố bất lợi toàn thân có thể gặp phải khi dùng lâu dài để duy trì nhãn áp đích ổn định.

– Đầu năm 2020 là sự hết hàng kéo dài của thuốc Timolol Maleat® 0.5% (giờ đã có ổn định), còn đến cuối năm lại là sự hết hàng của thuốc Alphagan P® (Brimonidin 0.15%), hiện tại vẫn chưa thông tin hàng về.

– Ngoài lề một chút, nếu bạn quan tâm đến các hoạt chất mới, trên thế giới đã có thêm một hoạt chất mới có cơ chế tác dụng khá đặc biệt – hiểu đơn giản là tác dụng chính giống như nhóm prostaglandin (Lumigan®, Travatan®, Taflotan®, Xalatan®) nhưng tác dụng phụ thì lại không giống. Hoạt chất đó có tên là Omidenepag Isopropyl với tên thương mại đã được phê duyệt trên toàn cầu và lần đầu tiên tại Nhật vào cuối năm 2018 là Omidenepag Isopropyl Ophthalmic Solution® 0.002% (thông tin thêm tại: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30465134/). Còn để về đến thị trường Việt Nam có lẽ sẽ phải chờ thêm 3-4 năm nữa.

  1. Nhóm tra mắt chống dị ứng:

– Sản phẩm Hydrelo Dual Action® của hãng Santen – Đức đúng như tên gọi là có hai tác động chính: giảm khô mắt nhờ natri hyaluronat 0.2% và chống viêm, ngứa thông qua hoạt chất Ectoin 0.5%. Việc tra duy trì sản phẩm này để ngăn ngừa nguy cơ tái phát viêm kết mạc dị ứng sẽ không gây ra bất lợi gì tại mắt và toàn thân nhờ sự an toàn của hoạt chất cũng như sự độc đáo ở dạng bào chế lọ không chứa chất bảo quản. Tuy nhiên, nếu bạn đã chuyển qua giai đoạn nặng, việc dùng thuốc ức chế miễn dịch Restasis® (Cyclosporin A 0.05%) của hãng Allergan – Ireland gần như sẽ là đầu tay điều trị dưới sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các bác sỹ.

  1. Nhóm thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus:

– Năm 2020 không có thêm sản phẩm nào của nhóm kháng vi sinh vật, ngoại trừ hãng Senju-Nhật ưu tiên nhập theo dạng thuốc hiếm cho các bệnh viện mắt tuyến cuối sản phẩm kháng nấm chứa natamycin 5% với số lượng hạn chế.

  1. Nhóm điều trị bệnh lý đáy mắt:

– Cuộc đối đầu giữa Lucentis® (Ranibizumab) của Novartis-Thụy Sỹ và Eylea® (Aflibercept) của Bayer- Đức vài năm nay tại Việt Nam vẫn theo hướng: Lucentis® thắng “áp đảo” về mặt số lượng bán được, Eylea® thắng về mặt hiệu quả điều trị trên thực tế điều trị cũng như trong nhiều nghiên cứu đối đầu. Nguyên nhân là do giá cả chênh lệch, và một thuốc đã được bảo hiểm chi trả, còn một thuốc thì vẫn chưa được. Ozurdex® (Dexamethason implant tiêm nội nhãn) của hãng Allergan-Ireland sau một thời gian bị “bay” khỏi danh mục được bảo hiểm chi trả, nay đã trở lại danh sách. Tuy nhiên, chỉ định mà các bác sỹ có xu hướng ưu tiên dành cho Ozurdex® là Viêm màng bồ đào sau (không có nhiễm khuẩn) chứ không phải phù hoàng điểm do đái tháo đường hay phù do tắc tĩnh mạch nhánh hoặc trung tâm võng mạc, dẫn tới số lượng dùng bị hạn chế.

– Trong năm 2022, hãng Novartis dự kiến sẽ đưa đối thủ “nặng ký” của sản phẩm Eylea® về mặt điều trị là Beovu® (Brolucizumab) về thị trường Việt Nam và có thể thoái lui dần sản phẩm Lucentis®.

– Thuốc Avastine 100mg/4ml mặt khác vẫn chiếm vị thế số 1 về số mũi tiêm nhưng hiện tại đang bị hết hàng, dự kiến sang tháng 1 mới có trở lại.

  1. Nhóm thuốc dùng trong chẩn đoán và cấp cứu:

– Nhiều nhân viên y tế trong ngành nhãn khoa đang muốn tìm mua các sản phẩm dùng trong chẩn đoán:

+ Cyclogyl 1% (Liệt điều tiết, dùng trong thăm khám khúc xạ cho trẻ em) – Hiện tại chỉ nhập về Việt Nam theo số lượng nhất định thông qua dự trù của các bệnh viện gửi lên bệnh viện tuyến trung ương, hiện tại vẫn không có thông tin về kế hoạch mua sắm cho năm mới từ hãng Alcon nên không có hàng cho các khoa dược bệnh viện khác dùng.

#Lưu ý: hãng ALCON đã chính thức rút văn phòng đại diện khỏi thị trường Việt Nam trong tháng 11 năm 2020, tất cả nhân viên (bao gồm mảng thuốc và thủy tinh thể) sẽ được chuyển về làm việc tại công ty phân phối thuốc nhập khẩu lớn có tên là DKSH Việt Nam.

+ Isotocarpine 2% (Hạ nhãn áp cấp cứu): Đứt hẳn số đăng ký từ năm 2018, chưa có kế hoạch nhập.

+ Atropine 0.5% hoặc 1% (Liệt điều tiết, dùng trong thăm khám khúc xạ cho trẻ em hoặc chấn thương mắt): hiện tại sự cung ứng vẫn từ việc pha chế trong Khoa Dược của các bệnh viện tuyến cuối, công ty Dược Phẩm CPC1 Hà Nội đến nay vẫn chưa đưa ra thị trường chế phẩm thương mại này.

  1. Nhóm thuốc làm giảm tốc độ tăng độ cận thị (atropin 0.01%):

– Nhiều bài viết đã được đăng về chủ đề này. Điển hình là bài giải đáp khá đầy đủ các câu hỏi thường gặp cập nhật vào tháng 6 năm 2020 (Link: https://nhathuocmathdhanoi.com/giai-dap-cac-cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-thuoc-lam-cham-tang-do-can-thi-atropin-0-01-cap-nhat-lan-1-06-06-2020/). Mọi người cần lưu ý hai điểm:

+ Ở Việt Nam hiện tại có 03 sản phẩm chứa hoạt chất này được lưu hành hợp pháp: Mytropine® (xanh lá cây); Mytropine Plus® (xanh da trời) của hãng Indiana Ophthalmics và Myo Drops® của hãng CPC1 Hà Nội.

+ Không tự ý mua về để sử dụng.

– Theo quan sát của các bác sỹ tại viện ad thì có vẻ như các sản phẩm mà không chứa chất bảo quản cho thời gian giãn đồng tử lâu hơn so với sản phẩm có chất bảo quản (nghĩa là buổi sáng bị nhìn gần mờ lâu hơn). Tuy nhiên, đó chỉ là đánh giá theo từng ca, chưa phải thống kê thực sự từ các nghiên cứu tại Việt Nam.

– Ngoài ra, bác sỹ Trần Đình Minh Huy (trung tâm thị giác Hải Yến ở Hồ Chí Minh) có bài viết rất hay về cơ chế tác dụng sâu xa của hoạt chất atropin 0.01% trong việc kiểm soát cận thị, được đăng trên tạp chí quốc tế bằng tiếng Anh (Link: http://reviewofmm.com/mechanism-of-action-of-atropine-in-controlling-myopia-progression/?fbclid=IwAR0hIY5p1W1_iIGHXFhenNcU9Z4W2Y9cUQFuxVEpVfjEdqc915G_P5QFY4A). Có thời gian, ad sẽ diễn giải lại bài viết này hoặc xin tác giả bài viết tiếng việt gốc.

  1. Vật tư y tế hỗ trợ giảm khô mắt, viêm bờ mi:

– Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua nhóm sản phẩm này, hiệu quả rất cao trong điều trị dù giá thành cũng rất… cao. Riêng về nhóm miếng lau vệ sinh bờ mi, trước đây chúng ta có Ocusoft Plus Pad (tổng hợp, không mùi) của Mỹ và TTO (tinh dầu chàm) của Thổ Nhĩ Kỳ, năm nay có thêm Blefavis (tinh dầu bưởi) của Oftalpharma-Ý.

– Đối với nhóm chườm ấm, bạn đi ra siêu thị sẽ thấy có rất nhiều loại được bày bán trên kệ với giá mềm nhưng có một đặc điểm chung là thiếu sự kiểm soát nhiệt độ, ai có da mặt nhạy cảm thì dùng xong sẽ thấy bị phù nề hoặc ban đỏ do nhiệt độ nóng hơn quy định. Cho đến nay, dòng sản phẩm chứa chườm ấm Eyegiene của hãng Eyedetec-Mỹ luôn được khách hàng đánh giá cao về hiệu quả điều trị đối với việc giảm khô mắt, thư giãn mắt sau khi làm việc và đồng thời thay thế cho các phương pháp làm ấm thủ công như trứng luộc, đồng xu, gel chườm… khi điều trị chắp.

** Cuối cùng, một năm đầy sóng gió đối với toàn thế giới sắp trôi qua, mọi kiến thức, công nghệ nhãn khoa như bị ngưng đọng lại trong năm 2020, và làn sóng kiến thức có thể sẽ bùng nổ trở lại trong năm 2021 khi vaccine điều trị Covid phát huy hiệu quả và đẩy lùi được đại dịch. Hãy sẵn sàng để đón nhận công nghệ, kiến thức mới và LUÔN LUÔN thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch 5K của Bộ Y Tế Việt Nam.

Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội xin chân thành cảm ơn quý khách và các hãng, các công ty dược đã ủng hộ trong năm vừa qua và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông – Trưởng khoa Dược Bệnh Viện Mắt Quốc Tế Nhật Bản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap