Tái phát đau mắt đỏ, nguyên nhân do đâu?

Tai phat dau mat do

– Ở thời điểm hiện tại, dịch đau mắt đỏ đã dần hạ nhiệt, nhường sự quan tâm cho sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị tái phát đau mắt đỏ trở lại sau khi ngừng thuốc. Vậy nguyên nhân có thể là gì?

1. Tái phát đỏ do dùng thuốc kháng sinh kết hợp kháng viêm corticoid SAI CÁCH.

– Đau mắt đỏ có tên gọi chuẩn là viêm kết mạc do virus (nhiều chủng, chủng gây bệnh phổ biến hiện nay được xác lập là coxsackie virus A24). Chủng này được mô tả có khả năng lây lan mạnh nhưng độc lực được đánh giá là yếu hơn so với các chủng gây viêm kết mạc phổ biến trước đây, ít gây biến chứng, có thể hình dung nôm na như chủng Omicron COVID-19. Bản chất viêm kết mạc do virus từng được các chuyên gia ví von: “Nếu bạn dùng thuốc cho viêm kết mạc, bệnh sẽ khỏi trong 1 tuần. Còn nếu bạn không dùng thuốc, bệnh sẽ khỏi trong 7 ngày”. Tức là kiểu gì thì bệnh cũng sẽ tự khỏi vì virus không có thuốc diệt trừ toàn bộ, chỉ có thuốc ức chế phát triển thêm rồi theo thời gian cơ thể tự sinh ra kháng thể để tiêu diệt lượng virus có trong cơ thể.

– Người ta sử dụng kháng viêm corticoid với mục đích là kháng viêm, che lấp tạm thời triệu chứng viêm, đỏ, sưng nề mắt [CHE LẤP chứ không phải DẬP TẮT] nhưng nguy hại rất lớn của các thuốc này là ức chế miễn dịch khiến virus có cơ hội phát triển mạnh thêm, ức chế sự làm lành biểu mô kết mạc và cả giác mạc khiến bệnh lâu khỏi, thậm chí là biến chứng sang viêm giác mạc. Việc sử dụng kháng viêm corticoid trong viêm kết mạc do virus (nếu cần thiết) khuyến cáo nên dùng loại có dược lực nhẹ và ít tác dụng phụ trên hệ miễn dịch như Fluorometholon 0.1% hoặc 0.02% hoặc Loteprednol 0.5% (Lotemax). Tiếp đó là phải sự GIẢM LIỀU theo cơ chế chia đôi dần sau 1 khoảng thời gian nhất định, ví dụ cần sử dụng trong 15 ngày với liều khởi phát là 4 lần thì 5 ngày đầu là 4 lần/ngày, 5 ngày sau là 2 lần/ngày, 5 ngày cuối là 1 lần/ngày. Việc giảm liều có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn ngừa tái phát trở lại.

– Ngoài ra, KHÔNG NHẤT THIẾT muốn giảm viêm thì phải sử dụng kháng viêm bản chất corticoid mà có thể dùng kháng viêm không corticoid như ketorolac (Acular, Acuvail) hoặc indomethacin (Indocollyre). Nếu bệnh nhân bị ngứa khó chịu quá thì có thể dùng các chất chống dị ứng tra mắt an toàn như Olopatadine (Pataday) hoặc Epinastine (Relestat) hoặc Ketotifen (Ketofen). Nguyên lý cơ bản giống như điều trị sốt do virus là tập trung vào điều trị triệu chứng, bị triệu chứng gì thì dùng thuốc đó và tăng cường hệ miễn dịch.

2. Tái phát đau mắt đỏ do không sử dụng nước mắt nhân tạo

– Có thể hiệu ứng tâm lý đám đông, mọi người chỉ nhăm nhăm tìm mua kháng sinh tobramycin, ofloxacin … loạn hết cả lên rồi dễ mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng (có nguồn tin còn pha corticoid chứ không phải kháng sinh…) trong khi với trường hợp đau mắt đỏ kiểu này kháng sinh được dùng chỉ với mục đích ngăn ngừa bội nhiễm thêm vi khuẩn do dụi mắt vì ngứa, khó chịu. Ở nồng độ cao, thậm chí kháng sinh dòng fluoroquinolone như ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin thậm chí còn gây độc với biểu mô kết mạc, giác mạc, khiến chậm lành chỗ bị tổn thương [đã có nghiên cứu độc tính kháng sinh Levofloxacin 1.5% so với nồng độ 0.5% trên tế bào biểu mô giác mạc]

– Kết mạc, thậm chí cả giác mạc bị tổn thương không chỉ do độc lực của virus mà còn có thể do cả thuốc điều trị đi kèm gây ra tình trạng khô mắt sau viêm kết mạc. Mắt khô, khó chịu lại lấy tay dụi mắt và thế là tổn thương biểu mô, virus xâm nhập trở lại, cái kết là tái phát lại. Do vậy, việc sử dụng nước mắt nhân tạo (ưu tiên loại chứa natri hyaluronat, nồng độ nào cũng được, không chất bảo quản thì tốt nhất) ngay từ khi khởi phát bệnh có thể coi là quan trọng nhất bên cạnh việc vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý hoặc gạc vệ sinh mắt chuyên dụng như Ocuvane Plus, Blefavis Wipes …

– Không chỉ nước mắt nhân tạo dạng lỏng tra ban ngày mà cả dạng gel, dạng mỡ đều rất quan trọng trong giảm triệu chứng khô mắt vào ban đêm, khiến bạn không bị đau khi mở mắt vào buổi sáng.

– Lưu ý là kể cả khi bạn đã hết toàn bộ triệu chứng thì vẫn nên sử dụng nước mắt nhân tạo kéo dài tiếp 1-2 tháng sau đó để mắt luôn ở trạng thái được cấp ẩm, giúp tế bào biểu mô kết, giác mạc hồi phục hoàn toàn. Và đặc biệt nước muối sinh lý (natri clorid 0.9%) không phải là chất bôi trơn, nếu chỉ vệ sinh đơn thuần mà không thêm tra nước mắt nhân tạo nào khác thì có thể sẽ phản tác dụng, gây khô mắt hơn.

3. Tái phát đau mắt đỏ do tái nhiễm từ các thành viên trong gia đình, cơ quan làm việc

– Vòng lặp bố mẹ khỏi thì lại đến con cái bị, con khỏi thì bố mẹ lại bị là câu chuyện gặp phổ biến hiện nay trong quá trình điều trị đau mắt đỏ. Hoặc lây chéo từ cơ quan làm việc, điều này không phải là không tránh được. Vệ sinh tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với đối tượng bệnh, đeo khẩu trang khi nói chuyện, giữ khoảng cách là việc mà chúng ta làm suốt trong thời kỳ đại dịch COVID-19, và rõ ràng nguyên tắc đó áp dụng được với cả chủng virus gây viêm kết mạc hiện nay.

*** Tóm lại, mặc dù việc kê đơn hoàn toàn do bác sỹ nhãn khoa quyết định dựa trên mức độ cấp tính của từng cá thể người bệnh, dựa trên kinh nghiệm của bản thân và tổng hợp chia sẻ của nhiều chuyên gia nhãn khoa, mọi người có thể cân nhắc tham khảo các bước trong quá trình điều trị như sau:

+ Thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng cá nhân, không sử dụng chung trong thời gian nhiễm bệnh.

+ Vệ sinh mắt liên tục bằng nước muối sinh lý hoặc gạc lau mi chuyên dụng

+ Tra nước mắt nhân tạo liều từ 4-8 lần/ ngày liên tục trong thời gian điều trị và tra duy trì liều 3-4 lần/ngày cả hai mắt sau đó 1-2 tháng, ưu tiên loại có chứa natri hyaluronat và không chất bảo quản. Sử dụng cả nước mắt nhân tạo dạng gel/ mỡ nếu bệnh nhân có tiền sử khô mắt. [Nên tra cả 2 mắt đối với nước mắt nhân tạo]

+ Sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng virus … theo đơn bác sỹ kê và có sự giảm liều dần đối với kháng sinh, kháng viêm corticoid [Không nên sử dụng kháng sinh đường uống vì ít có tác dụng đối với vùng mắt]

+ Tái khám sau 5-7 ngày và 14 ngày nếu bệnh thuyên giảm, nếu thấy triệu chứng nặng hơn thì phải tái khám sớm hơn.

+ Không nghe các bài thuốc không có cơ sở khoa học hoặc những thông tin không phải từ các chuyên gia nhãn khoa.

Tài liệu tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355

Bài viết liên quan: https://nhathuocmathdhanoi.com/vai-loi-khuyen-cho-dich-dau-mat-do-cang-thang-tai-ha-noi/

Kính chúc quý khách có sức khỏe tốt để phòng, tránh được các dịch bệnh.

Xin cảm ơn!

Nhà Thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap