Vitamin B12 – Mức độ tác động đến sự mỏi mắt do điều tiết đến đâu?

– Vitamin B12 là một hoạt chất được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành chăn nuôi và ngành y tế. Thuật ngữ Vitamin B12 dùng để chỉ một nhóm hợp chất chứa coban hay còn được gọi là nhóm cobalamin (gồm Cyanocobalamin, Methylcobalamin, Adenosylcobalamin và Hydroxocobalamin). Trong ngành y tế, Vitamin B12 dạng dùng đường uống hoặc tiêm bắp được phê duyệt cho rất nhiều chỉ định và một trong các chỉ định đáng chú ý liên quan đến mắt là “Điều trị giảm thị lực do thuốc lá và bệnh teo dây thần kinh thị giác có di truyền Leber” dành cho hoạt chất Hydroxocobalamin (nhưng chống chỉ định với hoạt chất Cyanocobalamin trên bệnh Leber do đây là một dạng bệnh rối loạn chuyển hóa cyanid).

– Khi dùng đường uống hoặc tiêm bắp, Vitamin B12 có nhiều tác dụng phụ nên một số nhà khoa học đã nghĩ đến việc thử nghiệm sử dụng Vitamin B12 dạng nhỏ mắt trực tiếp để đánh giá tác động lên mắt người. Năm 1987, hai nhà khoa học người Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của Methylcobalamin lên sự rối loạn điều tiết của mắt do nhìn gần quá nhiều, dựa trên việc đánh giá dao động nhỏ của sự điều tiết. Nghiên cứu của họ đã chỉ ra 2 điểm đáng chú ý:

+ Khó phát hiện được sự cải thiện cho tình trạng suy giảm khả năng điều tiết do nhìn gần nhiều trên nhóm bệnh nhân dùng chế phẩm chứa Methylcobalamin. (Hiểu nôm na là không rõ tác dụng chống mỏi mắt đến đâu khi nhỏ mắt chế phẩm chứa Methylcobalamin)

+ Biên độ dao động nhỏ của sự điều tiết cao hơn ở nhóm dùng giả dược (Placebo – dịch cho dễ hiểu là đưa bệnh nhân 1 lọ không chứa Methylcobalamin nhưng vẫn bảo đây là lọ có chứa hoạt chất này) so với nhóm không dùng gì. (Hiểu tạm là dùng thuốc “ảo” hay thuốc thật vẫn đỡ hơn là không dùng gì).

–  Vậy tác động của nhóm Vitamin B12 này trong thực tế sử dụng thì sao? Chúng ta phải thừa nhận rằng với tần suất làm việc với máy tính hay học tập kéo dài thì việc dùng đơn độc thuốc chứa Vitamin B12 để nhỏ mắt không cải thiện nhiều, tình trạng mỏi mắt vẫn diễn ra nhưng đa số người sử dụng đều cảm thấy có “đỡ hơn một chút”. Sau khi đã sử dụng thì bệnh nhân tại viện của ad thường bồi thêm một câu: “chẳng khác gì nhỏ nước muối sinh lý”. Quay lại, nghiên cứu của hai tác giả trên cũng có đề cập hiệu ứng “giả dược” của hoạt chất Methylcobalamin, hiểu đơn giản là kể cả có cho bệnh nhân nhỏ nước cất mà bảo bệnh nhân đây là thuốc “xịn” thì bệnh nhân cũng cảm thấy “có tác dụng”.

– Việc không có nhiều nghiên cứu dành cho vitamin B12 với tác dụng chống mỏi mắt đã hạn chế việc đánh giá một cách toàn diện hoạt chất này. Do vậy, tác dụng của Vitamin B12 lên sự cải thiện chức năng điều tiết mắt cho đến nay có thể tạm nói là chưa thực sự rõ ràng nhưng tâm lý người bệnh khi đến khám đều mong có 1 loại thuốc gì đó để cải thiện tình trạng của mình, chính tâm lý đó cũng đã góp phần khiến thuốc “có tác dụng”. Chỉ có điều, để có tác động hiệu quả lên việc giảm tình trạng mỏi mắt thì cần phải làm nhiều việc kết hợp chứ không thể chỉ dùng thuốc đơn thuần, mà lại còn chỉ dùng đơn độc 1 loại thuốc.

– Trong các bài sau, sự kết hợp của Vitamin B12 cùng với các thuốc khác sẽ được bàn luận sâu hơn. Để kết thúc bài viết, ad xin liệt ra một số lưu ý khi sử dụng chế phẩm nhỏ mắt có chứa Vitamin B12:

+ Vitamin B12 có độ bền kể cả với nhiệt độ cao khi được bào chế ở pH 4-6 (môi trường acid). Nhưng khi chuyển sang môi trường pH cao (môi trường kiềm hay còn gọi là môi trường “xà phòng”) hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, Vitamin B12 rất dễ bị phân hủy và trở nên mất tác dụng. Dù các hãng đã bào chế để hoạt chất khó bị phân hủy hơn nhưng chúng ta vẫn nên cất lọ thuốc ở các chỗ tránh ánh sáng.

+ Không nhỏ đồng thời với các chế phẩm có chứa Vitamin C do sự tương tác hóa học làm ảnh hưởng đến độ bền của Vitamin B12.

+ Dạng Vitamin B12 hay dùng trong nhãn khoa là Cyanocobalamin, có màu đỏ đặc trưng nên các bạn đừng lo thuốc bị hỏng. Nếu thuốc bị hỏng thì màu đỏ sẽ giảm đi nhiều hoặc biến mất.

Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội có bán thuốc:

+ Sancoba 0.02% 5ml (chứa Cyanocobalamin 0.02%) do hãng Santen của Nhật sản xuất với chỉ định: “Cải thiện sự dao động về điều tiết trong chứng mỏi mắt do điều tiết”. Giá bán: 50.000đ.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap