Làm chủ mê cung “nước mắt nhân tạo” !

Nước mắt nhân tạo tốt nhất 2022

Nước mắt nhân tạo tốt nhất với bạn là loại nào?

– Trong thời đại công nghệ phát triển, các bệnh trên bề mặt mắt gia tăng thì nhu cầu sử dụng nước mắt nhân tạo trở nên thiết yếu ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi. Không giống như các thuốc điều trị, nước mắt nhân tạo được phát triển đa dạng, được phân chia thành nhiều thế hệ hoặc phân chia theo nhóm tác dụng (chất làm dịu [Demulcents] và chất làm mềm [Emollients]). Thêm vào đó, các thành phần hay dùng trong nhóm nước mắt nhân tạo có thể kết hợp với nhau để tạo nên các sản phẩm khác biệt nhằm phục vụ được nhiều đối tượng bệnh nhân hơn.

– Do tính an toàn cao và không phải kê đơn, các nước mắt nhân tạo thường được sử dụng đầu tay ngay trên các bệnh nhân có triệu chứng khô mắt thoáng qua hoặc nhẹ, mỏi mắt, viêm ngứa nhẹ … Một thống kê bên Mỹ năm 2018 cho thấy người dân nước này bỏ ra 3.84 tỉ đô la Mỹ hàng năm để thăm khám điều trị khô mắt, và kéo theo các chi phí xã hội liên quan lên tới 55.4 tỉ đô la Mỹ. (https://www.reviewofoptometry.com/article/master-the-maze-of-artificial-tears)

– Như vậy, lựa chọn nước mắt nhân tạo không chỉ đơn thuần là về hiệu quả điều trị mà còn phải phù hợp cả về điều kiện kinh tế nữa vì có thể sẽ phải dùng liên tục và lâu dài. Một số thông tin quan trọng ở trong bài tổng quan theo link phía trên sẽ được liệt kê lại, nhằm giúp bệnh nhân có thể tự đưa ra các lựa chọn nước mắt nhân tạo tốt nhất cho bản thân.

  1. Cần hiểu về chất làm dịu [Demulcents] và chất làm mềm [Emollients]

– Chất làm dịu là các hoạt chất làm dịu lớp màng nhầy, và khi bào chế ở dạng nước mắt nhân tạo thì tạo thành lớp phim nhầy bảo vệ có tác dụng bôi trơn. Nhóm này có giúp cải thiện nhanh sự khó chịu, hỗ trợ giữ nước và làm giảm ma sát trên bề mặt nhãn cầu. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phâm Mỹ (FDA) đã thiết lập 6 phân nhóm nhỏ: dẫn xuất cellulose, dextran 70, gelatin, các polyol lỏng, polyvinyl alcohol (PVA) và povidone. Phân nhóm này có thể ở dạng đơn độc hoặc kết hợp tới 03 loại. Phổ biến ở Việt Nam là Refresh Tears và Optive lọ, Optive UD của hãng Allergan; Systane Ultra và Genteal Gel của Alcon.

– Chất làm mềm gồm các loại chất béo hoặc dầu, làm tăng độ dầy lớp lipid ở màng phim nước mắt, giúp ổn định màng phim và giảm bốc hơi. Hiện nay đã có nhiều nước mắt nhân tạo có chứa lipid hơn nhờ sự nhận thức về vai trò của sự rối loạn tuyến tiết bã nhờn Meibomian đối với bệnh khô mắt. Các chất làm mềm có thể ở dạng mỡ hoặc dạng lỏng thân lipid và thường ở dạng kết hợp dầu khoáng, dầu khoáng trọng lượng phân tử nhẹ và petrolatum trắng.

– Để chứa được thành phần lipid, các nước mắt nhân tạo cần được bào chế ở dạng nhũ tương, có thể là nhũ tương hạt lớn (> 100nm) hoặc hạt nano (10nm đến 100nm), hoặc vi nhũ tương (<10nm). Tất cả các hạt này đều gây mờ tạm thời khi nhỏ vào mắt. Ở Việt Nam có các loại phổ biến như Systane Complete của hãng Alcon, Lipitear của hãng Optima, hoặc Cationorm của hãng Santen.

Lưu ý: hiện chưa rõ nhóm nước mắt nhân tạo không chứa lipid hay nhóm có chứa lipid có tác dụng hiệu quả hơn với bệnh khô mắt kèm rối loạn tuyến Meibomius nhưng ở một vài nghiên cứu đã chỉ ra ưu thế nghiêng về nhóm chứa lipid.

  1. Để ý tới thành phần không hoạt tính

– Các thành phần không hoạt tính theo phân loại của FDA có thể giữ vai trò như chất đệm, chất điện giải, chất nhũ hóa, chất bảo vệ áp suất thẩm thấu hoặc chất tăng độ nhớt.

– Các chất đệm và chất điện giải giúp cân bằng độ pH và áp suất thẩm thấu của sản phẩm. Theo báo cáo tổng hợp về khô mắt của DEWS II 2017, sự giảm áp suất thẩm thấu bằng nước mắt nhân tạo sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh khô mắt. Ở Việt Nam, nước mắt nhân tạo nhược trương không có nhiều, phổ biến và kinh điển nhất vẫn là Vismed của hãng TRB Chemedica với áp suất thẩm thấu khoảng 150 mOsm/L (ở người khoảng 300 mOsm/L).

– Trehalose là một chất bảo vệ thẩm thấu, ổn định lớp lipid và protein ở màng tế bào, bảo vệ tế bào biểu mô giác mạc không bị phá hủy bởi sự khô hóa.

– Ngoại lệ trong nhóm này phải kể đến Natri hyaluronat, một glycosaminoglycan có tác dụng làm lành tế bào, vừa làm tăng độ bôi trơn và vừa làm tăng độ nhớt, có ở rất nhiều sản phẩm nước mắt nhân tạo hiện nay.

– Theo những nghiên cứu mới gần đây, các chất đệm gốc phosphate dùng trong các loại nước mắt nhân tạo không chất bảo quản [Sodium phosphate monobasic monohydrate, sodium phosphate dibasic dodecahydrate] có thể làm tăng nguy cơ tinh thể hóa trên bề mặt giác mạc và kết mạc do sự kết hợp giữa calci và phosphat, làm suy giảm thị lực khi dùng kéo dài. (https://www.ursapharm.de/en/products/dry-eye-syndrome/hylo-eye-care/hylo-gel/)

Sản phẩm không chứa hệ đệm phosphate ở Việt Nam có nhiều loại như Hylo Gel, Hydrelo Dual Action, Clinitas Soothe, Hye, Hye Mono …

  1. Kiểm tra xem có chất bảo quản hay không, đặc biệt là có chứa benzalkonium clorid.

– Tính từ “Tươi” (Fresh) hay được các bác sỹ nhãn khoa gọi vui để chỉ những sản phẩm không có chứa chất bảo quản. Nhưng thực tế các sản phẩm đa liều có chất bảo quản thường chiếm thị phần lớn hơn do giá thành rẻ, phù hợp với các đợt điều trị khô mắt sau viêm kết mạc ngắn ngày hoặc thỉnh thoảng mới dùng khi cảm thấy mỏi mắt. Các dạng này hay dùng phổ biến chất bảo quản benzalkonium clorid (BAK) nồng độ 0.004% đến 0.02% – đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu: làm chậm lành vết thương, làm giảm tế bào hình đài và tổn thương thần kinh giác mạc. (Xem thêm tại bài viết: https://nhathuocmathdhanoi.com/chat-bao-quan-trong-nhan-khoa-co-the-ban-chua-biet/)

– Điều đó tạo nên vòng xoắn nghịch lý “Càng nhỏ nhiều để giảm khô mắt thì lại càng gây khô mắt nặng hơn”. Do đó, ngay cả dạng lọ có chất bảo quản, các bác sỹ cũng chú trọng hơn vào các dạng có chất bảo quản “ít hoặc không độc” như hai cái tên thương mại GenAqua ® (Natri perborate) hoặc Purite ® (phức hợp oxycloro) có trong Genteal Gel, Optive, Refresh Tears …Giá thành không bị quá cao, hiệu quả điều trị giữ nguyên mà độc tính do chất bảo quản được hạn chế nhiều.

– Ngược lại, việc sử dụng các dạng không chất bảo quản sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng khô mắt ở mức độ nhẹ và trung bình, có khả năng giảm dần được số lần phải tra thuốc trong ngày khi dùng duy trì. Hạn chế lớn nhất đối với các sản phẩm nước mắt nhân tạo “TƯƠI – không chất bảo quản” là giá thành cao. Đối với các trường hợp khô mắt mạn tính mức độ trung bình hoặc nặng, các bệnh mạn tính như viêm kết mạc dị ứng, bệnh Glaucoma (tăng nhãn áp), các dạng không chất bảo quản CẦN ĐƯỢC LỰA CHỌN.

– Hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều dạng lọ đa liều 10ml không chất bảo quản, giá thành rẻ hơn so với dạng tép không chất bảo quản, giúp giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân như Hye, Hydrelo Dual, Hycob, Hylo GEL, Optavid.

  1. Bạn dùng có thấy phù hợp không?

– Dù được kê loại đạt đầy đủ 3 tiêu chí ở trên “đúng hoạt chất, không đệm phosphate, không chất bảo quản”, nhiều bệnh nhân vẫn không cảm thấy cải thiện bằng loại nào đó chỉ đạt 1-2 tiêu chí vì còn các tiêu chí phụ như độ nhớt, độ pH, mức độ bệnh, áp suất thẩm thấu…. Ngoài ra, giá thành cũng cần phải phù hợp với khả năng chi trả của bạn. Các tiêu chí phụ đó góp phần tạo nên thứ gọi là “tương thích” và sau đó là “ưa thích” khi đã thử nhiều loại nước mắt nhân tạo khác nhau.

– Một ví dụ thực tế: trên đối tượng bệnh nhân khô mắt do tuổi già,

+ sản phẩm Hylo GEL của hãng Ursapharm – Đức chứa natri hyaluronat 0.2% và đạt cả 3 tiêu chí trên, được coi là một trong những nước mắt nhân tạo tốt nhất về mặt bào chế. Tuy nhiên, do sử dụng sorbitol để tăng độ trơn và độ nhớt nên bám dính lâu hơn, gây nhòe tạm thời lâu khiến một số bệnh nhân thấy bất tiện. Dạng bào chế hiện đại giống như lọ xịt mũi của sản phẩm Hylo GEL này cũng gây khó khăn cho người lớn tuổi khi sử dụng. Mặt khác, trên cùng đối tượng, bệnh nhân chuyển sang Sanlein 0.3% của hãng Santen có chứa natri hyaluronat 0.3%, hệ đệm dinatri edetat và chất bảo quản benzalkonium clorid lại thấy ưa thích hơn vì ít bị nhòe mắt lâu hơn dù nồng độ natri hyaluronat cao hơn, thiết kế “lõm hai bên” (double dimple) dễ sử dụng, chỉ cần một lực nhẹ là có thể đẩy thuốc ra.

+ về vấn đề giá thành, lọ Sanlein 0.3% 5ml có giá khoảng 140k, còn HyloGel 10ml khoảng 290k, nghĩa là gần tương đương nhau về chi phí điều trị.

+ về hiệu quả lâu dài, dù hãng Santen đã đưa dạng benzalkonium clorid cải tiến vào các sản phẩm của mình để giảm bớt độc tính, nhưng chắc chắn độc tính trên giác mạc sẽ có, còn với Hylo Gel không có nguy cơ nào khi dùng lâu dài.

+ CUỐI CÙNG, bệnh nhân vẫn chọn Sanlein 0.3% vì hiện tại thấy PHÙ HỢP NHẤT.

– Lưu ý: Ví dụ trên đây chỉ phù hợp với vài trường hợp bệnh nhân đơn lẻ, không được coi là quy chuẩn hay khuyến cáo để áp dụng cho các bệnh nhân khác.

*** Tóm lại, “mắt tôi không giống mắt bạn”, mỗi người sẽ phù hợp với một vài loại nước mắt nhân tạo nhất định, không có loại nước mắt nhân tạo nào TỐT nhất, chỉ có loại nào PHÙ HỢP nhất. Ban đầu bác sỹ sẽ kê đơn, sau đó bạn sẽ tự tìm hiểu thêm theo tư vấn của dược sỹ để có sự phù hợp với bản thân về chi phí, hiệu quả điều trị, mức độ phù hợp và an toàn khi dùng lâu dài.

Bài viết khá dài để kỉ niệm 03 năm fanpage nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội được thành lập. Có nhiều lời khen và một số lời chê trách nhưng đó đều là nguồn động lực để nhà thuốc cải thiện về mặt chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm trong điều trị.

Xin cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng nhà thuốc và mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Hotline tư vấn: 0906 199 166

Trân trọng!

Thạc sỹ Dược sỹ TRẦN HẢI ĐÔNG

lovemama.vn/hoi-dap