Chất bảo quản trong nhãn khoa – Có thể bạn chưa biết?

– Trong các quảng cáo liên quan đến thực phẩm, người ta thường nhắc đến thuật ngữ “Không chất bảo quản” để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng mà không phải lo ngại về những tác dụng có hại lâu dài gây ra từ việc tích lũy chất bảo quản trong cơ thể. Đối với ngành mắt hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm không chứa chất bảo quản đã trở thành phổ biến trong điều trị các bệnh mãn tính tại mắt như khô mắt, bệnh Glaucoma góc mở (hay gọi là bệnh tăng nhãn áp), viêm kết mạc dị ứng… Câu hỏi mà nhiều bệnh nhân đặt ra ở đây là có thực sự cần thiết phải tốn thêm tiền để mua các dạng bào chế không chất bảo quản về dùng không?

– Bài viết này sẽ tóm lược một số điểm chính trong bài giảng của phẫu thuật viên nhãn khoa Manu Mathew từ Bệnh Viện Hoàng Gia Chesterfield, Calow, Chesterfield, Anh Quốc nhằm giúp quý bạn đọc hình dung được câu trả lời. (Link bài giảng: https://psnc.org.uk/nottinghamshire-lpc/wp-content/uploads/sites/21/2014/07/MM-PRESERVATIVES-AND-TOXICITY-HANDOUT-v1-20150319.pdf)

** Trước hết, mọi người có thể nhìn vào bảng dưới đây để nhận biết các loại chất bảo quản thường được dùng:

+ Phổ biến nhất phải kể đến kể đến nhóm Ammonium bậc 4 gồm Benzalkonium clorid (BAK), Cetrimide và Polyquaternium-1 (tên thương mại là Polyquad™ của hãng Alcon). Các phân tử ammonium bậc 4 này có tính chất tẩy rửa và dễ dàng kết hợp với màng tế bào biểu mô. Chúng phá vỡ kết cấu giữa các tế bào, giải phóng nước và các chất điện giải dẫn đến thay đổi màng film nước mắt gây ra sự khô mắt và khó chịu cho bệnh nhân. Có một nghiên cứu từ tận năm 1975 bởi Wilson WS và cộng sự đã chỉ ra rằng chỉ cần nhỏ 1 giọt dung dịch có chứa 0,01% Benzalkonium clorid (BAK) đã làm giảm một nửa thời gian thời gian vỡ film nước mắt (TBUT) ở người tình nguyện khỏe mạnh (Wilson WS, Duncan AJ, Jay JL.. Br J Ophthalmol 1975; 59: 667-9). Tuy nhiên, dù có độc tính cao đối với bề mặt nhãn cầu, chất bảo quản này có mặt ở vô vàn các sản phẩm nhỏ mắt nhờ nhiều ưu điểm trong quá trình sản xuất thuốc như giúp tăng khả năng hòa tan và phân tán đều của thuốc vào dung dịch, bảo quản thuốc được lâu hơn, chi phí nguyên liệu thấp… Hiện nay đã có một số dòng chất bảo quản benzalkonium clorid cải tiến (các sản phẩm của hãng Santen-Nhật) giúp làm giảm độc tính hơn so với nguyên bản hoặc nhà sản xuất giảm nồng độ chất bảo quản này xuống nhưng nguy cơ gây độc tế bào vẫn hiện hữu vì sự tích lũy lại khi dùng kéo dài.

+ Bước tiến trong nghiên cứu về chất bảo quản là việc phát hiện ra nhóm phức hợp Oxy hóa (The Oxidative Complexes) với khả năng tự phân giải thành nước và các chất không có độc tính khi tra vào mắt. Đó là hoạt chất Sodium Perborate (tên thương mại là GenAqua™ có trong bộ sản phẩm GenTeal™ của hãng Novartis; hoặc phức hợp ổn định Oxycloro – S.O.C (Stabilized Oxychloro Complex) (tên thương mại là Purite™ có trong hầu hết các dòng sản phẩm của hãng Allergan). Ngoài ra còn có phức hợp ổn định Clorit – S.C.P (Stabilized Chlorite Complex) cũng có cơ chế tương tự. Bên cạnh sự an toàn, nhóm chất bảo quản này giúp sản phẩm có giá thành vừa phải, mà vẫn bảo quản được thuốc an toàn trong vòng 01 tháng nếu chẳng may đầu lọ thuốc có nguy cơ bị nhiễm vi sinh vật do tiếp xúc với mắt. Một số chuyên gia gọi nhóm này là “Không chất bảo quản trong mắt – No preservatives in the eyes”.

+ Điểm đáng chú ý nữa trong bài giảng này là một số chất bảo quản có thể gây độc với tế bào kể cả ở nồng độ thấp và nếu ở nồng độ cao, việc gây độc có thể xảy ra ngay sau vài phút nhỏ mắt. Quá trình biến đổi tế bào này không thể phục hồi lại và ngay cả khi đã dừng việc tiếp xúc với các chất bảo quản, các tế bào cũng không thể hồi phục. Bảng dưới đây sẽ giúp hình dung cụ thể hơn mức độ độc tế bào của các nhóm chất bảo quản và không chất bảo quản. Ví dụ như trong bảng: nếu sử dụng chất bảo quản BAK 0,01% tra mắt thì sau 48h, tế bào giác mạc người trong phòng thí nghiệm sẽ chỉ còn 43% sống sót và sau 72h thì sẽ chết toàn bộ. Các chất bảo quản an toàn như Perborate hay Polyquad cũng gây độc với tế bào giác mạc sau 72h với lần lượt là 75% và 70% tế bào còn sống.

+ Các dạng bào chế đa liều không chất bảo quản theo Công nghệ COMOD® (của hãng Ursapharm – Đức với dòng sản phẩm HYLO™) hoặc công nghệ màng lọc ABAK® sẽ giúp tế bào không bị gây độc và được coi là bước tiến mới nhất trong công nghệ bào chế, giúp thuận tiện sử dụng, chi phí hợp lý, và bảo vệ môi trường (giúp giảm lượng chất thải nhựa ra môi trường hơn so khi với dạng tép đơn liều). (Video giới thiệu về công nghệ ABAK: https://www.youtube.com/watch?v=rGW84S0LTUQ)

– Như vậy có thể nói, việc sử dụng các sản phẩm không chất bảo quản đối với ngành mắt có vai trò cực kỳ quan trọng giúp ngăn ngừa các tác hại gây ra từ chất bảo quản, đặc biệt giá trị đối với người bị các bệnh mãn tính về mắt phải sử dụng thuốc lâu dài. Những gì bạn đầu tư cho đôi mắt hôm nay sẽ mang lại lợi ích to lớn về sau cho mắt của bạn.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap