Điểm mặt các thuốc dùng trong điều trị viêm kết mạc dị ứng

Bài viết dưới đây được tham khảo từ phần “phương pháp điều trị” từ bài tổng quan về viêm kết mạc dị ứng của các tác giả người Ý năm 2013. (Thông tin tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3640929/ )

– Các bệnh viêm kết mạc dị ứng nói chung được sinh ra bởi phản ứng quá mẫn của cơ thể với một tác nhân nào đó như phấn hoa, nước mưa, thức ăn, thời tiết … mà trong đó vùng mi mắt và kết mạc chịu ảnh hưởng lớn nhất với các triệu chứng như ngứa, sung huyết, cộm, viêm đỏ, thậm chí phù nề rất nặng. Điều đáng buồn nhất với những người bị bệnh này là cho đến nay vẫn không có thuốc điều trị triệt để căn nguyên, các thuốc điều trị hiện tại chỉ có tác dụng đẩy lùi triệu chứng và phòng ngừa tái phát. Bệnh nhân thường “có bệnh thì vái tứ phương” để tìm ra nơi điều trị được dứt điểm cho mình nhưng luôn nhận về sự buồn phiền vì triệu chứng luôn luôn trở lại nếu tiếp xúc phải căn nguyên gây ra bệnh. Khoa học tiến bộ được đến đâu thì chúng ta đành chấp nhận phương pháp điều trị được đến đó và học cách làm sao để kéo dài khoảng thời gian để bệnh tái phát trở lại càng lâu càng tốt.

– Tránh tiếp xúc với dị nguyên: Đây được coi là biện pháp hữu ích nhất để phòng ngừa tất cả các dạng bệnh viêm kết mạc dị ứng tái phát trở lại, tuy nhiên, mắt chúng ta có diện tích tiếp xúc bề mặt lớn nên không thể tránh khỏi việc tiếp xúc của nhãn cầu với các chất bụi bẩn trong không khí. Các thành phần trong nước mắt nhân tạo tạo ra hàng rào bảo vệ và giúp tăng cường tác dụng cho lớp nhầy bảo vệ ngay trước kết mạc. Những chất này giúp làm giảm mật độ các tác nhân gây bệnh và các chất trung gian gây viêm có mặt ở bề mặt nhãn cầu bằng cách rửa trôi chúng. Khi các biện pháp không sử dụng thuốc không làm giảm được các triệu chứng, các thuốc tra tại chỗ hoặc theo đường toàn thân sẽ được sử dụng để làm loại bỏ các phản ứng dị ứng.

– Trọng tâm của việc kiểm soát bệnh dị ứng bề mặt nhãn cầu là sử dụng các thuốc chống dị ứng như các thuốc kháng histamine, các thuốc chống dị ứng đa tác động và các chất ổn định tế bào mast.

+ Ví dụ: thuốc kháng histamine H1 levocabastine có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng viêm bề mặt nhãn cầu sau khi nhỏ mắt, nhưng chỉ duy trì được thời gian ngắn, phải sử dụng tới 4 lần/ngày và gây kích ứng mắt ngược trở lại khi dùng kéo dài. Những thuốc kháng histamin này không có tác dụng đối với các tiền chất gây viêm như prostaglandin hay leucotrien nên quá trình viêm vẫn có thể tiềm ẩn sau đó. Để tăng cường hiệu quả điều trị và giảm phù nề, các chất chống sung huyết mà chủ yếu là các chất có tác dụng co mạch thường được sử dụng phối hợp với liều 4 lần/ngày. Tuy nhiên, các tác dụng phụ như có cảm giác nóng rát, kim châm khi nhỏ thuốc, giãn đồng tử và gây ra tình trạng sung huyết bật ngược trở lại hoặc viêm kết mạc do thuốc khi sử dụng kéo dài đã hạn chế thời gian sử dụng của sự phối hợp này (không nên quá 07 ngày) và chống chỉ định trong các trường hợp bị glaucoma góc hẹp. Các sản phẩm có chứa kết hợp này gồm các anh em nhà Vrohto (trừ loại Dry Eye không có và loại Vitamin chỉ có kháng histamin), Daigaku® của hãng Santen, Opcon-A® của hãng Bausch&Lomb.

+ Các chất ổn định tế bào mast có cơ chế chưa rõ và không có tác dụng làm giảm triệu chứng đang hiện hữu nên thường được sử dụng làm thuốc phòng ngừa sự phá vỡ tế bào mast khi có nguy cơ tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh. Nhóm thuốc này có thể nhỏ trực tiếp vào mắt và thích hợp với các thể bệnh nặng. Nhược điểm lớn nhất là cần phải có liều tải khoảng 2 tuần trước khi tiếp xúc với dị nguyên thì mới có tác dụng ngăn ngừa triệu chứng. Vì vậy, bệnh nhân thường bỏ thuốc và chuyển sang các loại có đáp ứng ngay. Sản phẩm hay được sử dụng của nhóm này là Alegysal® của hãng Santen chứa pemirolast kali 0.1%.

+ Trong những năm gần đây, các thuốc đa tác động đã được giới thiệu như olopatadine (Pataday® của Alcon), ketotifen (Zaditen® của Novartis), azelastine, epinastine (Relestat® của Allergan), và bepostatine với các tác dụng như đối kháng thụ thể histamine, ổn định tế bào mast, và giảm hóa ứng động bạch cầu ưa eosin. Ví dụ cụ thể với epinastine là hoạt chất này có tác dụng trên cả thụ thể H1 và H2, có thể có lợi cho việc giảm phù nề đồng thời cũng có tác dụng ổn định tế bào mast và chống viêm. Những thuốc này đã trở thành sự lựa chọn đầu tay để dập ngay lập tức những triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng.

– Khi những tác nhân kể trên vẫn không đáp ứng đủ đối với việc kiểm soát quá trình viêm do dị ứng, những chất kháng viêm sẽ được sử dụng. Những chất kháng viêm không corticoid (NSAIDs) có thể được sử dụng kết hợp để làm giảm sung huyết kết mạc và ngứa, do có tác dụng đặc hiệu với các chất trung gian gây viêm prostaglandin D2 và E2. Các sản phẩm chống viêm không corticoid nhỏ mắt thường được dùng tại Việt Nam là Indocollyre® của Bausch&Lomb; Bronuck® của Senju; Nevanac® của Alcon; Acuvail® của Allergan.

– Các chất kháng viêm corticoid nhỏ mắt có tác dụng mạnh đối với nhiều thể bệnh nặng của bệnh dị ứng bề mặt nhãn cầu trong cả các trường hợp cấp tính và mãn tính nhờ tác dụng ức chế miễn dịch và ức chế tăng trưởng. Những chất này có rất nhiều tác dụng phụ như chậm lành vết thương, nhiễm trùng thứ phát, tăng nhãn áp và gây ra đục thủy tinh thể. Do vậy, chúng chỉ nên được sử dụng thời gian ngắn (tối đa 2 tuần); tuy nhiên nếu phải sử dụng dài hơn thì bệnh nhân được khuyên nên kiểm tra mắt thường xuyên để đánh giá nguy cơ đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Các corticoid dạng xịt mũi có hiệu quả cao đối với bệnh viêm mũi dị ứng nhưng hiệu quả đối với viêm kết mạc dị ứng thì vẫn còn không thống nhất. Một số chế phẩm chứa corticoid đơn độc thường được sử dụng cho viêm kết mạc dị ứng là Lotemax® của Bausch&Lomb, Flumetholon® 0.02 và 0.1% của Santen, Pred-Forte® của Allergan và Maxidex® của Alcon.

– Các liệu pháp can thiệp vào quá trình miễn dịch cũng đã được bàn luận đến từ những năm 1911 và được xem xét đối với việc kiểm soát lâu dài bệnh viêm kết mạc dị ứng. Mặc dù nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá liệu pháp này được dành chủ yếu đối với mũi hơn là mắt, hiệu quả đối với mắt cũng đã được chứng minh bởi một số nghiên cứu khác. Mặt khác, đáp ứng miễn dịch đối với việc kiểm soát kháng nguyên thường rất khó đoán và chính bản thân liệu pháp lại gây ra tác động đối với toàn thân, mức độ và tần suất sẽ tùy vào loại kháng nguyên được kiểm soát. Thông thường, các thuốc này được tiêm dưới da nhưng gần đây dạng uống đang có xu thế được sử dụng nhiều hơn. Giá trị của dạng uống đối với bệnh dị ứng bề mặt nhãn cầu cần phải đánh giá thêm vì chúng thường có tác dụng tốt hơn với vị trí mũi hơn là mắt.

– Cuối cùng, các thuốc kháng histamine đường uống cũng thường được dùng để giảm triệu chứng dị ứng của mũi và mắt. Những thuốc thế hệ hai được khuyến khích hơn thế hệ một do ít tác dụng gây buồn ngủ nhưng lại có thể gây ra khô mắt nhiều hơn, dễ làm tổn thương hàng rào bảo vệ từ phim nước mắt khiến triệu chứng dị ứng bị nặng hơn. Do vậy, nhiều chuyên gia khuyến khích việc sử dụng kết hợp thêm một nước mắt nhân tạo sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội có bán các thuốc chống dị ứng:

+ Alegysal® 5ml (Lọ chứa pemirolast 0.1%) của hãng Santen, sản xuất tại Nhật với tác dụng ổn định tế bào mast. Giá bán: 82.000đ.

+ Relestat® 5ml (Lọ chứa epinastine 0.05%) của hãng Allergan, sản xuất tại Ireland với đa tác dụng chống dị ứng. Giá bán: 80.000đ.

+ Lotemax® 5ml (Lọ chứa loteprednol 0.5%) của hãng Bausch&Lomb, sản xuất tại Mỹ với tác dụng chống viêm corticoid. Giá bán: 230.000đ.

+ Restasis® (Hộp 30 ống 0.3ml chứa cyclosporine A 0.05%) của hãng Allergan, sản xuất tại Ireland với tác dụng ức chế miễn dịch. Giá bán: 575.000đ.

+ Pataday® 2.5ml (Lọ chứa olopatadine 0.2%) của hãng Alcon-Novartis, sản xuất tại Mỹ với đa tác dụng chống dị ứng. Giá bán: 137.000đ.

Cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap