Kinh nghiệm cá nhân trong sử dụng nước mắt nhân tạo sau 05 năm phẫu thuật Lasik

– Thời điểm mùa hè hàng năm ở nước ta được coi là “mùa phẫu thuật cận thị” đối với ngành mắt bởi vì đây là khoảng thời gian các sĩ tử đã thi xong tốt nghiệp trung học phổ thông và một số trường công an, quân đội hoặc thể thao yêu cầu thị lực không kính phải đạt 10/10 thì mới được nhận vào trường. Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật điều chỉnh tật khúc xạ hiện đại như Femtosecond Lasik, Relex SMILE, hay Phakic ICL (Intra contact lens – kính áp tròng đặt trong mắt) … nhưng đều ảnh hưởng ít nhiều đến giác mạc (kể cả phẫu thuật đắt tiền và ít tổn thương giác mạc nhất như Phakic ICL cũng phải tạo một số đường rạch ở rìa giác mạc để đưa thấu kính vào trong mắt), khiến bệnh nhân cảm thấy bị khô mắt sau phẫu thuật ở các mức độ khác nhau.

– Những lúc như thế này thì chỉ có “nước mắt nhân tạo” mới giảm được sự khó chịu ngay lập tức của triệu chứng khô mắt. Vấn đề là phải sử dụng trong bao lâu và dùng loại nào là tốt nhất? Bài viết này sẽ tường thuật lại quá trình sử dụng “nước mắt nhân tạo” sau 05 năm phẫu thuật cận thị bằng phương pháp Relex SMILE của chính bản thân ad tại nơi ad đang làm việc (cận thị 2M: -5.00D, độ dày giác mạc 526nm, độ cong bình thường).

– Ngay thời điểm mới mổ xong, ad luôn cảm thấy nước mắt trào ra ầm ầm trong vòng 2 tiếng đầu nhưng vẫn thấy cộm xốn, nóng rát, đặc biệt là khi hết thuốc tê. Sau 2 tiếng đầu thì nước mắt tự nhiên bớt chảy nhiều, nhưng triệu chứng bỏng rát tăng lên và chỉ giảm khi nhỏ 1 giọt nước mắt nhân tạo. Hồi đầu năm 2014, viện ad mới thành lập, các dòng nước mắt nhân tạo cao cấp cũng chưa có sẵn nên sản phẩm ad dùng khi đó là lọ Sanlein 0.1% 5ml (chứa natri hyaluronat) của Santen, nhưng không hiểu sao ngay lúc nhỏ vào thì cảm giác nóng rát không giảm mà lại còn tăng lên, kèm thêm cảm giác như bị kim châm. Ad cũng ngạc nhiên vì thấy nhiều bệnh nhân khác dùng rất ổn mà mình dùng lại khó chịu thế này. Hóa ra là ad hơi bị kích ứng với hoạt chất natri hyaluronat nên ad phải chuyển sang loại lọ Systane Ultra 5ml (chứa Polyethylen Glycol 400 0.4%+Propylen Glycol 0.3%) của Alcon thì triệu chứng giảm hẳn, rất dễ chịu, chỉ bất tiện một cái là độ nhớt cao nên mắt lúc nào cũng có nhử, phải lấy tay gạt đi không thì nhìn hơi mất thẩm mỹ.

– Ad dùng liên tục với liều 8 lần/ ngày trong 1 tuần đầu tiên vì rất khó chịu, sau đó mới giảm xuống 6 lần đến khi hết tháng đầu tiên rồi giảm xuống 4 lần đến khi hết 6 tháng. Bác sỹ phẫu thuật đều dặn bệnh nhân là sau 06 tháng các triệu chứng khô mắt sẽ đỡ đi nhiều nên mình thử giảm tiếp xuống 2 lần thì thực sự thấy mắt vẫn rất khô rát và cảm thấy cần phải tra tăng lên 4 lần mới đáp ứng đầy đủ, với cả hình như là “càng nhỏ nhiều càng thấy khô hơn”. Trong các buổi hội thảo về nước mắt nhân tạo mà ad được mời tham dự đều nói đến tác dụng phụ của chất bảo quản nhưng quả thực khi đó ad nghĩ đó chỉ là chiêu trò để nâng giá trị của một sản phẩm nào đó lên chứ cũng không có ảnh hưởng gì to tát.

– Đến tháng thứ 9, sản phẩm Systane Ultra UD dạng tép 0.5ml không chất bảo quản ra mắt ở thị trường Việt Nam, ad được tặng hai hộp để dùng thử. Ad vẫn tra với liều 4 lần/ngày trong hai tháng tiếp theo và sau đó thử giảm liều xuống còn 2 lần/ngày. Triệu chứng nóng rát giảm hẳn mặc dù số lần tra ít hơn. Điều này có thể được giải thích bởi hai lý do: một là cấu trúc phim nước mắt của cơ thể đã được cân bằng và hai là không bị sự tích tụ chất bảo quản gây khô mắt ngược trở lại.

– Và đến hết năm đầu tiên sau khi phẫu thuật Lasik, ad đã có thể lựa chọn tra hay không tra vì mắt không bị nóng rát nữa. Tuy nhiên lúc nào làm việc nhiều hoặc vào thời điểm nắng nóng hay khô hanh thì ad vẫn phải tra khoảng 1-2 lần / ngày để mắt cảm thấy thư giãn nhiều hơn là để giảm khô mắt. Đến thời điểm này thì loại nào ad cũng dùng được hết miễn là phải “KHÔNG CÓ CHẤT BẢO QUẢN”. Ad khuyên những bạn đã phẫu thuật Lasik luôn mang “nước mắt nhân tạo” theo người để nhiều khi mắt cảm thấy hơi nóng rát là phải tra ngay chứ đừng cố chịu đựng để tránh gây tổn thương cho bề mặt nhãn cầu, dễ dẫn đến các bệnh lý nặng hơn khi có tuổi.

– Cho đến nay, nhà thuốc của ad đã có đầy đủ các loại “nước mắt nhân tạo” dạng tép không chất bảo quản cao cấp hơn (như Cationorm® của Santen; Optive UD® của Allergan, Vismed® của TRB Chemedica; Ialuvit® của Alfa Intes; Taurine® nhỏ mắt của Solopharm) để bệnh nhân có thể lựa chọn loại thích hợp với mình cả về mặt điều trị lẫn kinh tế mặc dù khi cấp phát cho bệnh nhân thì loại đắt tiền nhất luôn được lựa chọn.

– Hiện viện ad đang cấp cho bệnh nhân sản phẩm Ialuvit 0.6ml của Alfa Intes dạng tép gồm 3 thành phần natri hyaluronat 0.5%, taurine 0.5% và Vitamin B12 0.05%. Sản phẩm này được thiết kế để có cơ chế thẩm thấu nhược trương giúp tăng thời gian lưu trữ tại mắt, đồng thời với độ nhớt cao (nồng độ natri hyaluronat 0.5% cao hơn tất cả các loại đang có tại thị trường Việt Nam) làm giảm triệu chứng khô mắt tốt hơn với các trường hợp trung bình và nặng, và kết hợp thêm cả giảm mỏi mắt nhờ có chứa Vitamin B12 (mắt bệnh nhân sau phẫu thuật Lasik sẽ phải mất thời gian để làm quen với việc điều tiết khi nhìn gần nên sẽ nhanh bị mỏi mắt). Nhược điểm lớn của sản phẩm này là giá rất cao và dung dịch có màu đỏ của Vitamin B12, nếu không vệ sinh sẽ bám dính ở quanh mắt thành viền màu đỏ, gây mất thẩm mỹ.

– Cuối cùng là, đã có một vài báo cáo trong Bản tổng kết của Hội nghị Khô mắt Quốc Tế lần II năm 2017 (DEWS II 2017) cho rằng khô mắt có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tái cận trở lại do vậy, việc sử dụng các sản phẩm “nước mắt nhân tạo” có chất bảo quản ít độc tính hoặc tối ưu nhất là không chất bảo quản rất cần thiết cho các bệnh nhân đã từng phẫu thuật tật khúc xạ để ngăn ngừa những biến chứng do khô mắt gây ra.

Cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap