Cập nhật thị trường thuốc mắt cuối năm 2022 bởi Ds Trần Hải Đông

Thi Truong thuoc mat - Ths. Ds. Tran Hai Dong
Thị trường thuốc mắt tại Việt Nam trong năm 2022 có thể gói gọn trong hai từ “ thảm hại “. Khi mà đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã được đẩy lùi hoàn toàn thì các vấn đề về chính trị cả trong nước (cơ chế, tham nhũng) và ngoài nước (chiến tranh, vận chuyển) dẫn đến sự thiếu thuốc và vật tư y tế nghiêm trọng không chỉ trong năm 2022 mà còn kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023. Bài viết tổng hợp dựa trên các thông tin từ các hãng dược sẽ được ad điểm qua để nhìn lại thực trạng của từng nhóm thuốc chuyên khoa mắt tại Việt Nam trong năm 2022.
1. Nhóm thuốc chống tăng sinh tân mạch (Anti-VEGF) điều trị bệnh lý đáy mắt
– Ad xin mở đầu với nhóm thuốc này bởi ngày 17-12-2022, Cục quản lý Dược đã ra quyết định thu hồi 4 loại thuốc trong đó có hai biệt dược điều trị ung thư đại trực tràng là Avastine 100mg/4ml và Avastine 400mg/16ml [cùng chứa hoạt chất bevacizumab] của Roche. Nhưng lý do thu hồi được đưa mới khiến chúng ta ngạc nhiên, đó là phía nhà sản xuất tự xin thu hồi vì HẾT NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT… chứ không phải vì chất lượng thuốc. Ngoài các chỉ định chính thức được phê duyệt của thuốc Avastine, các bác sỹ nhãn khoa chỉ định KHÔNG CHÍNH THỐNG (Off-label) tiêm nội nhãn loại thuốc này với tỉ lệ cao nhất trong nhóm thuốc để điều trị bệnh lý đáy mắt. (Thông tin tại: https://suckhoedoisong.vn/thu-hoi-giay-dang-ky-4-loai…)
– Mặc dù hiệu quả không bằng nhưng chi phí tiêm rẻ hơn chục lần so với các thuốc khác cùng nhóm như Lucentis ® của Novartis, Eylea ® của Bayer, Beovu ® (chưa có tại Việt Nam) của Novartis. Khi mà Avastine hết hàng tại Việt Nam thì sẽ tạo áp lực rất lớn đến việc điều trị bệnh lý đáy mắt bằng thuốc vì bệnh nhân sẽ phải đổi thuốc với kinh phí lớn hơn nhiều lần và nguy cơ cao mất thị lực do không đủ kinh phí điều trị.
Ds Dong va Eylea, Lucentis
2. Nhóm thuốc điều trị tăng nhãn áp (bệnh Glaucoma góc mở)
– Liên tục bị gián đoạn nguồn cung là câu chuyện của nhóm thuốc này trong năm 2022. Ví dụ Simbrinza, Azopt, Timolol của hãng Novartis có hàng thì lại đến Azarga của hãng Novartis hết hoặc bị giới hạn cho kênh bệnh viện.
– Ngoài ra, Thuốc Alphagan P (brimonidin 0.15%) của hãng Allergan đã chính thức hết hẳn tại thị trường Việt Nam từ tháng 12.2022 do hết số đăng ký lưu hành. Có thể cuối năm 2023, hãng Allergan sẽ đưa sản phẩm Alphagan với nồng độ 0.1% về thị trường Việt Nam để thay thế.
– Mặc dù ngày 23/12/2022 Bộ Y Tế đã đề xuất tiếp tục sử dụng các giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến cuối năm 2024 để giảm tải áp lực cấp lại số đăng ký cho Cục Quản Lý Dược nhưng sự chậm trễ gia hạn từ năm 2019 do đại dịch đã gây ra cho các hãng dược lớn không có kế hoạch để sản xuất thuốc cung ứng cho thị trường Việt Nam. Ít nhất trong quý I năm 2023, các thuốc biệt dược gốc sẽ bị hết hàng hoặc giới hạn, chỉ ưu tiên phân phối cho kênh bệnh viện có thầu. (https://vnexpress.net/de-xuat-su-dung-giay-dang-ky-thuoc…)
– Các bệnh nhân bị glaucoma nên mua dự phòng thuốc đủ dùng cho tối thiểu 3 tháng đầu năm.
3. Nhóm thuốc kháng viêm corticoid và không corticoid
– Tương tự như với nhóm điều trị glaucoma, nhóm thuốc kháng viêm cũng bị gián đoạn nguồn cung liên tục. Hiện tại, thuốc Nevanac của Alcon, Bronuck của Senju, và Pred Forte của Allergan đang không có hàng hoặc bị giới hạn chỉ cung ứng cho viện.
4. Nhóm thuốc chống dị ứng
– Tuy trong năm 2022 không có thêm thuốc nào mới về Việt Nam nhưng nguồn cung tạm thời đầy đủ.
5. Nhóm thuốc kháng sinh
– Không có thêm thuốc nào mới, nguồn cung đầy đủ do hãng Santen – Nhật đã nhập dự trữ lượng lớn cho thị trường Việt Nam.
6. Nhóm thuốc kháng virus, kháng nấm
– Mặc dù thiếu nguyên liệu nhưng tin vui cuối năm 2022 là hãng dược CPC1 Hà Nội sẽ đưa ra thị trường thuốc nhỏ mắt kháng nấm “made in Vietnam” với tên gọi Natamin chứa natamycin 5%. Tuy đối tượng bệnh nhân ít, sự có mặt của thuốc Natamin hứa hẹn sẽ giúp nhiều phòng khám, cơ sở chuyên khoa mắt không phải tuyến trung ương có thể mua được thuốc để điều trị cho bệnh nhân tại cơ sở, chi phí dự kiến sẽ rẻ hơn so với thuốc nhập khẩu của hãng Senju – loại thuốc chỉ bán cho bệnh viện tuyến trung ương.
Natamin
7. Nhóm thuốc sử dụng trong chẩn đoán khúc xạ và gây tê bề mặt.
– Thuốc tê nhỏ mắt Alcaine của hãng Alcon là cái tên được tìm nhiều nhất năm 2022 vì sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung sản phẩm, thậm chí cả với bệnh viện có thầu. Tất nhiên, vì chúng ta thường quen với cái đang sử dụng nên ít chú ý sang những loại thuốc khác. Hiện tại đang có sản phẩm Tetracain 0.5% lọ 10ml sản xuất tại Việt Nam thay thế được hoàn toàn loại Alcaine kia. Nhược điểm duy nhất là lúc đầu nhỏ vào thuốc sẽ kích ứng mắt hơn so với Alcaine, còn thời gian duy trì trạng thái tê và tác dụng gây tê nhanh tương tự nhau, độc tính với giác mạc cũng tương tự. Đầu năm 2023, sản phẩm thay thế, chứa thành phần proparacain tương tự Alcaine sẽ có mặt tại Việt Nam.
– Về các thuốc gây co đồng tử (pilocarpin) hoặc liệt điều tiệt (cyclopentolat) dùng trong chẩn đoán tật khúc xạ hoặc điều trị bệnh lý, một vài công ty đã nhập các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ với tác dụng tương tự, đăng ký dưới dạng thiết bị y tế, đáp ứng được nhu cầu của các bác sỹ và kỹ thuật viên khúc xạ.
– Cái tên sáng nhất vẫn là hãng CPC1 Hà Nội với sự ra đời hai sản phẩm thương mại dùng để liệt điều tiết và hỗ trợ điều trị viêm màng bồ đào: Uni Atropin 1% dạng thuốc và gần đây nhất là Uni Atropin 0.5% dạng thiết bị y tế. Trước đây, bệnh nhân muốn mua atropin sulfat 1% hoặc 0.5% dạng nhỏ mắt đều phải vào bệnh viện lớn có phòng pha chế với thời hạn sử dụng ngắn (3 tháng), gây khó khăn trong việc đi lại để mua thuốc về điều trị. Khi có mặt của hai sản phẩm trên càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh một vài viện hiện đã ngừng pha chế do không nhập được nguyên liệu.
Cac san pham chua atropin sulfat 12.2022
8. Nhóm điều trị KHÔ MẮT
Nếu như trong năm 2021, đây là nhóm duy nhất có nhiều điểm mới thì năm 2022 lại trầm xuống đáng kể bởi tình trạng khan hiếm nguyên liệu để sản xuất từ bao bì tép, lọ không chất bảo quản cho đến nguyên liệu làm thuốc.
8.1. Dòng gel, mỡ:
– Trong năm 2022, bảy sản phẩm dạng gel, mỡ giảm khô mắt gồm Farvis Gel, Hydramed Night Sensitive, Eyegel, Liposic Gel, Clinitas Gel, Genteal Gel, Hylo Night (tên mới của VitA Pos) vẫn duy trì sự có mặt với nguồn cung đầy đủ. Ở thời điểm hiện tại thì EyeGel và Genteal Gel đang hết hàng tạm thời. Quý khách hoàn toàn có thể thay thế bằng các loại khác nếu cần sử dụng.
8.2. Dòng vật tư y tế giảm khô mắt, viêm bờ mi:
– Các loại miếng vệ sinh mi ở thị trường Việt Nam năm 2022 chứng kiến sự rút khỏi thị trường của sản phẩm Ocusoft Plus Pad. Thay thế vào đó, là sự có mặt của sản phẩm mới – Ocuvane Plus của hãng Solmed – Hungary có giá thành rẻ hơn và hiệu quả tương đương. Ngoài ra, thị trường vẫn có sẵn hai sản phẩm phổ biến khác là Blefavis Wipes và TTO.
(thông tin thêm về sản phẩm Ocuvane Plus: https://nhathuocmathdhanoi.com/product/ocuvane-plus-hungary/)
– Về chườm ấm mắt, bên cạnh các cái tên truyền thống như Gocozy và Eyegiene, băng chườm ấm có mùi hương thảo dược (phổ biến là mùi oải hương Lavender) được giới thiệu đến người sử dụng như một biện pháp vừa điều trị bệnh mắt vừa thư giãn toàn thân. Chườm ấm Cosmos (hương Lavender) và Burble (hương hoa Cúc) hoặc MGD Steam (hương Lavender) hứa hẹn sẽ là những sự lựa chọn mới đối với các chuyên gia nhãn khoa.
8.3. Dòng nước mắt nhân tạo dạng lỏng:
– Năm 2022 là sự khủng hoảng đối dòng nước mắt nhân tạo dạng lỏng khi liên tục nhiều sản phẩm bị gián đoạn cung ứng hoặc ngừng hẳn do hết nguyên liệu sản xuất. Giữa năm 2022, nước mắt nhân tạo kết hợp giảm mỏi mắt Ialuvit của hãng Alfa Intes – Ý và nhũ tương phospholipid Lipitear của hãng Optima – Ý lần lượt rời thị trường Việt Nam. Ngay cả dòng nước mắt nhân tạo thương hiệu Clinitas ™ như Clinitas UD, Clinitas Soothe vốn được coi là top 1 Việt Nam về số lượng bán và độ phủ cũng có thời gian bị gián đoạn nguồn cung.
– Dạng lọ không chất bảo quản Hycob của COC – Ý hết hàng cho đến đầu năm 2023 dự kiến có lại. Các sản phẩm Hye, Hye Mono lúc có lúc không và hiện tại là đang có hàng. Nhóm thương hiệu Avizor đặc biệt là loại Avizor Comfort lọ 15ml chuyên dụng cho kính áp tròng ban đêm Ortho K cũng gặp khó khăn trong cung ứng, hiện tại cũng không có hàng cho đến sát Tết Âm Lịch 2023.
– Mặt hàng mới mà hãng Ursapharm – Đức đưa về Việt Nam là sản phẩm Hylo COMOD với natri hyaluronat trọng lượng phân tử lớn, nồng độ 0.1%, lọ 10ml không chất bảo quản theo công nghệ COMOD có thể dùng tới 06 tháng sau khi mở nắp, phù hợp với các đối tượng bệnh nhân bị khô mắt nhẹ, người làm việc trong phòng điều hòa, sử dụng máy tính thường xuyên.
– Ngoài ra, có vẻ như do dự đoán khó khăn về mặt kinh tế, một số công ty tư nhân lựa chọn các sản phẩm nước mắt nhân tạo có chất bảo quản giá rẻ để phân phối thay vì tập trung vào phân khúc cao cấp như mọi năm.
Hylo COMOD
9. Nhóm làm chậm tốc độ tăng độ cận thị (atropine sulfat nồng độ thấp):
– Trong năm 2022, hãng Entod – Ấn Độ đã đưa về thị trường Việt Nam đa dạng các sản phẩm thương hiệu Myatro chứa atropin sulfat với nhiều nồng độ thấp và dạng bào chế. Sự khác biệt ở các nồng độ 0.1%, 0.025%, 0.05% (Myatro , Myatro L và Myatro XL) giúp các bác sỹ có thể lựa chọn cho trẻ loại phù hợp, căn cứ vào tốc độ tiến triển cận thị. Về mặt lý thuyết, tốc độ tăng càng nhanh thì nên sử dụng nồng độ cao hơn, mặc dù điều này vẫn cần thêm các nghiên cứu có quy mô để chứng minh, đồng thời cả đánh giá thực tế sử dụng trên bệnh nhân qua thời gian dài sử dụng. Một lưu ý rất quan trọng là bạn cần phải sử dụng nồng độ tuân theo chỉ định của bác sỹ.
– Các sản phẩm truyền thống như các dòng Mytropine, Myo Drops, Atropia vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện tại, Mytropine Plus lọ 10ml không chất bảo quản đang tạm hết hàng nhưng sẽ có hàng trở lại vào đầu năm 2023.
10. LỜI KẾT:
– Bài viết nhìn lại một năm khó khăn không kém gì so với những năm đại dịch khi các vấn đề chính trị can thiệp vào chuỗi cung ứng trong nước và trên thế giới. Một điều may mắn là các hoạt động hội thảo, hội nghị đã và đang được diễn ra trực tiếp trở lại giúp cho cơ hội trau đổi thông tin được chính xác, cập nhật hơn từ báo cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước. Đặc biệt, khi trở lại với cương vị là Trưởng Khoa Dược Bệnh Viện Mắt Thiên Thanh, bản thân Dược sỹ Trần Hải Đông sẽ tiếp tục mang đến những thông tin về thuốc mắt cập nhật nhất, cam kết cùng các bác sỹ điều trị TẬN TÂM – TRUNG THỰC – TRÁCH NHIỆM với bệnh nhân như tôn chỉ đề ra của Bệnh Viện Mắt Thiên Thanh.
– Lời khen có lời chê có, ad xin cảm ơn quý khách và đồng nghiệp đã tin tưởng, góp ý và đặc biệt lựa chọn nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội để cung ứng thuốc trong năm vừa qua.
Kính chúc quý khách có một kỳ nghỉ năm mới 2023 an lành, đầm ấm bên gia đình!
Trân trọng!
Fanpage Nhà Thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội
Ths. Ds. Trần Hải Đông – Trưởng Khoa Dược Bệnh Viện Mắt Thiên Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap