Hôm nay ad được khách hàng chất vấn về việc tại sao dùng apps QR Code nào đó mà không tra cứu được mã vạch của một sản phẩm Thực Phẩm chức năng, rồi trách mắng nhân viên và cả ad luôn vì cho rằng nhà thuốc bán sản phẩm không rõ nguồn gốc. Sau khi được cung cấp giấy tờ chứng nhận đăng ký lưu hành tại Việt Nam và cách tra cứu code trên mạng thì khách hàng đã im hơi lặng tiếng, không một lời xin lỗi. Mọi người cần biết là các apps điện thoại hay thậm chí cả Google cũng không thể biết tất cả vì các hoạt động liên quan đến lĩnh vực y tế thường sẽ bảo mật cao hơn, không phải là thứ đại trà mà dùng 1 cái apps “xịn xò” nào đó mà tra cứu được.
– Để làm rõ hơn vấn đề này, nhiều bài viết trên mạng đã có nhưng ad xin hướng dẫn cơ bản lại cách tra cứu nguồn gốc thông tin sản phẩm:
- Đối với sản phẩm đăng ký ở dạng thuốc tân dược/ đông dược (gọi chung là THUỐC):
– Tất cả các thuốc cả sản xuất trong nước và nhập khẩu muốn được lưu hành tại thị trường Việt Nam thì phải có cái gọi là SỐ ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH do Cục Quản Lý Dược cấp.
– Thông qua số đăng ký này, bạn có thể phân biệt được đó là Thuốc hay Vật tư y tế hay Thực Phẩm Chức Năng.
+ Đối với thuốc nhập khẩu, thì sẽ ghi đuôi là VN- số thứ tự đăng ký- năm đăng ký. Ví dụ như biệt dược Sanlein 0.3%® của Santen có đuôi: VN-19343-15 (Số thứ tự 19343, năm đăng ký 2015)
+ Đối với thuốc sản xuất trong nước, cả tân dược và đông dược sẽ có đuôi VD-. Ví dụ như hoạt huyết Nhất Nhất có đuôi: VD-25956-16.
+ Đặc biệt, đối với thuốc sinh học như thuốc tiêm nội nhãn Eylea® của hãng Bayer sẽ có đuôi khác: QLSP-H02-1071-17 (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/the-thao-y-te/Quyet-dinh-463-QD-QLD-2017-danh-muc-05-sinh-pham-duoc-cap-so-dang-ky-luu-hanh-tai-Viet-Nam-366438.aspx)
– Đó là cách nhận biết sản phẩm, còn cách tra cứu thì mọi người hãy vào trang web https://drugbank.vn/ của Bộ Y Tế Việt Nam, cập nhật khá đầy đủ thông tin chi tiết, có thể tìm kiếm theo cả tên hoạt chất và tên thương mại.
- Đối với sản phẩm đăng ký dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Hay còn gọi là Thực phẩm chức năng) và mỹ phẩm (gọi tắt chung là TPCN):
– Không giống như thuốc, các sản phẩm TPCN rất dễ “xách tay”, làm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên người mua thường lo lắng không biết liệu mình có mua đúng mặt hàng chuẩn không. Chất lượng của các loại TPCN thực sự như nào thì chỉ có nhà sản xuất biết, tiêu chuẩn họ công bố chỉ ở mức THỰC PHẨM, chứ không ở mức chính xác như THUỐC nên cái người dùng cần quan tâm là loại đó có xuất xứ rõ ràng hay không.
– Bỏ qua việc thích hàng “xách tay”, nếu bạn mua ở các nhà thuốc thì bạn cứ lật sản phẩm ra và tìm các dòng chữ ghi số đăng ký lưu hành. Đuôi sẽ có nhiều dạng như: TNCB (Tiếp Nhận Công bố), CBMP (Công bố mỹ phẩm), ĐKSP (Đăng ký sản phẩm) ; XNCB (xác nhận công bố) … (Ví dụ cụ thể tại web: https://viettinlaw.com/so-dang-ky-thuc-pham-chuc-nang.html).
– Nếu bạn tìm thấy các dòng chữ đó và có doanh nghiệp nhập khẩu/sản xuất (hoặc có thêm dòng thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm) thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm.
– Hiện nay, một số sản phẩm đã có thể tra cứu dữ liệu hồ sơ công bố tại website của Cục An Toàn Thực Phẩm – Bộ Y Tế Việt Nam: https://nghidinh15.vfa.gov.vn/Tracuu. Lưu ý là website này chưa hoàn thiện việc yêu cầu các doanh nghiệp phải cập nhật hồ sơ công bố sản phẩm nên nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật sản phẩm của mình lên.
- Đối với sản phẩm điều trị đăng ký dưới dạng vật tư y tế (Gọi tắt là VTYT):
– Trong ngành mắt vài năm gần đây, các sản phẩm đăng ký dạng này bắt đầu xuất hiện nhiều. Lý do dễ hiểu là thủ tục làm hồ sơ nhập khẩu và đăng ký sẽ đơn giản nhiều so với đăng ký dưới dạng thuốc. Về mặt chất lượng thì không có ảnh hưởng gì vì bên nước xuất xứ, các sản phẩm đó cũng được đăng ký dưới dạng thiết bị y tế (Medical Device) để người sử dụng có thể mua không cần đơn bác sỹ (điển hình là các nước mắt nhân tạo như Cationorm, Clinitas, Ialuvit, Gilan Comfort, HyloGel, Hydrelo, Starazolin, Vitapos…).
– Chính vì rất mới nên quy định phải xin cấp số đăng ký lưu hành đối với tất cả sản phẩm Thiết Bị Y Tế được trì hoãn đến hết năm 2021. Những sản phẩm dạng này sẽ chỉ có giấy tờ nhập khẩu và giấy phép lưu hành tự do, hiện tại chưa thể tra cứu các sản phẩm dạng này theo số đăng ký nhưng may mắn là những sản phẩm như thế thường rất nổi tiếng ở nước ngoài và có sẵn website bằng tiếng bản địa nên có thể tra cứu bằng Google. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng nếu sản phẩm đó có ghi tên doanh nghiệp nhập khẩu trên bao bì.
– Ngoài ra, một vài sản phẩm trong ngành mắt ở Việt Nam đã bắt đầu làm đăng ký. Ví dụ thị trường có sản phẩm Myo Drops (atropin sulfat 0.01%) dạng tép do công ty CPC1 Hà Nội sản xuất có số đăng ký lưu hành là 190001457/PCBA-HN. Trong các năm tới, các sản phẩm đăng ký dưới dạng vật tư y tế sẽ được kiểm soát chặt chẽ và có thể có giá kê khai công bố giống như đối với đăng ký ở dạng thuốc.
** Trên đây là cách hướng dẫn tra cứu cơ bản để mọi người có thể tự kiểm chứng, trường hợp không tìm thấy thì có thể yêu cầu phía nhà thuốc cung cấp hồ sơ sản phẩm. Nếu bạn mua thuốc trong Bệnh viện thì bạn có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ (trừ khi chính công ty nhập khẩu làm giả giấy tờ như vụ VNpharma thì chịu) vì các sản phẩm muốn vào được nhà thuốc trong khuôn viên Bệnh viện phải chịu nhiều quy định chặt chẽ cả về nguồn gốc lẫn giá cả đầu vào, (Đối với thuốc thì hiện tại bắt buộc phải thực hiện theo công văn 20297/QLD-GT (https://thuvienphapluat.vn/cong-van/tai-chinh-nha-nuoc/Cong-van-20297-QLD-GT-2017-trien-khai-quan-ly-gia-thuoc-nha-thuoc-benh-vien-theo-54-2017-ND-CP-369489.aspx).
Nhà Thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội cam kết 100% sản phẩm đều có HÓA ĐƠN GTGT đầu vào, có đầy đủ hồ sơ sản phẩm và giá bán lẻ niêm yết theo quy định của Bộ Y Tế.
Tôn chỉ: “Uy tín không thể mua được bằng tiền”
Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.
Ths. Ds. Trần Hải Đông