Các biệt dược nhỏ mắt dạng phối hợp có chứa hoạt chất Timolol 0.5%

Có một thực tế đáng buồn là người kê đơn cứ kê, không cần biết là thuốc đó có hàng trên thị trường hay không vì đó không phải việc của họ, để mặc bệnh nhân đi tìm khắp nơi không ra, và hoang mang lo lắng vì không tìm được thuốc. Ở bài viết gần đây nhất, ad đã thông báo với mọi người về việc hết sản phẩm nhỏ mắt chỉ chứa đơn hoạt chất Timolol Maleat 0.5%. Mọi người cần nhận thức rõ mình dùng hoạt chất này với tác dụng gì?

  1. Với tác dụng dùng để hạ nhãn áp (giảm áp lực trong mắt trong bệnh lý Glaucoma):

– Nếu dùng với mục đích này thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì có rất rất nhiều hoạt chất và biệt dược khác có thể thay thế được, nếu không muốn nói là hiệu quả và thuận tiện sử dụng hơn so với hoạt chất Timolol. Trong cùng nhóm cơ chế tác dụng chẹn beta giao cảm với Timolol, dễ dàng tìm được hoạt chất thay thế là Betaxolol 0.25% với biệt dược có tên là Betoptic S® cùng của hãng Alcon-Novartis có giá kê khai bán lẻ là 91.000đ/lọ 5ml.

– Ngoài ra, nếu thực sự phải dùng hoạt chất này thì vẫn còn những dạng phối hợp có chứa hoạt chất đó trên thị trường Việt Nam là:

+ COMBIGAN® chứa brimonidin 0.2% và timolol 0.5% của hãng Allergan, sản xuất tại Ireland. Giá kê khai bán lẻ là 192.000đ /lọ 5ml

+ AZARGA® chứa brinzolamid 1% và timolol 0.5% của hãng Alcon-Novartis, sản xuất tại Bỉ. Giá kê khai bán lẻ là 326.000đ/ lọ 5ml

+ DUOTRAV® chứa travoprost 0.004% và timolol 0.5% của hãng Alcon-Novartis, sản xuất tại Bỉ. Giá kê khai bán lẻ là 336.000đ/ lọ 2.5ml

+ TAPTIQOM® chứa tafluprost 0.0015% và timolol 0.5% của hãng Santen, sản xuất tại Pháp. Giá kê khai bán lẻ là 405.000đ/ hộp 30 ống 0.3ml.

+ GANFORT® chứa bimatoprost 0.03% và timolol 0.5% của hãng Allergan, sản xuất tại Ireland. Giá kê khai bán lẻ là 270.000đ/lọ 3ml.

– Khi tình trạng tăng nhãn áp đáp ứng kém nếu chỉ dùng một hoạt chất (ví dụ như Timolol), các bác sỹ nhãn khoa sẽ kê sang một hoạt chất khác nhóm như nhóm cơ chế tác dụng prostaglandin (nhóm này thường là chỉ định đầu tay trừ khi mắt đang có tình trạng viêm tổn thương bề mặt nhãn cầu). Nếu có một lý do khác không sử dụng nhóm prostaglandin ngay từ đầu thì chỉ có thể là do điều kiện kinh tế – giá thành cao hoặc do không có sẵn tại cơ sở điều trị.

– Nhìn danh sách ở trên đây, mọi người có thể hiểu sản phẩm đơn hoạt chất Timolol Maleat 0.5% Eye Drops® không phải là sản phẩm ưu tiên được các bác sỹ nhãn khoa lựa chọn để kê và các hãng dược luôn khuyến khích các bác sỹ sử dụng các dạng phối hợp sẵn hơn là từng chế phẩm đơn độc để tăng tuân thủ điều trị và giảm sự lắng đọng chất bảo quản.

  1. Với tác dụng (không chính thống – off-label) cho điều trị U máu đỏ trên da cho trẻ nhỏ:

– Ở mảng da liễu, ad không có kinh nghiệm nên không thể đưa ra lời khuyên về hoạt chất thay thế cho hoạt chất Timolol (kể cả hoạt chất cùng nhóm cơ chế tác dụng – Betaxolol) cũng như sự an toàn trên da nếu sử dụng các biệt dược dạng phối hợp như liệt kê ở trên để bôi da, đặc biệt là các dạng có chứa dẫn chất prostaglandin – vốn là chất trung gian gây ra phản ứng viêm nên có thể làm nặng thêm tình trạng U máu của trẻ.

– Trong phác đồ điều trị cơ bản của bệnh này (https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dieu-tri-u-mach-mau-o-tre-em/), nhóm corticoid để bôi da cũng được sử dụng phổ biến nhưng rõ ràng về mặt lâu dài thì điều trị bằng corticoid dù ở dạng bào chế nào cũng cần hết sức thận trọng. Và đó cũng có thể là lý do mà các bác sỹ da liễu thường chỉ định hoạt chất timolol đầu tay cho bệnh U máu đỏ này.

Tóm lại, nếu bác sỹ kê thuốc Timolol và bạn không tìm được, hãy quay lại gặp bác sỹ kê cho mình để xin ý kiến về một loại thuốc khác thay thế, đặc biệt với bệnh lý tăng nhãn áp Glaucoma.

Nhà Thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán một số thuốc hạ nhãn áp dạng PHỐI HỢP chứa Timolol 0.5% ở trên và hiện tại KHÔNG CÓ dạng đơn chất.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

lovemama.vn/hoi-dap