Kiểm soát cận thị [Cập nhật lần 2 ngày 03.04.2021] Giải đáp các câu hỏi thường gặp liên quan đến thuốc làm chậm tăng độ cận thị Atropin 0.01%

Kiểm soát cận thị

Đây là bài viết cập nhật lại một số câu hỏi và những điểm mới liên quan đến hoạt chất atropin sulfat 0.01% với mục đích làm chậm tốc độ tăng độ cận thị.

(Một số nội dung cũ sẽ được thay đổi theo thông tin mới ở thị trường thuốc mắt ở Việt Nam cũng như các bài báo cáo mới cập nhật đến thời điểm bài viết này)

– Bài viết “Sử dụng Atropin 0.01% như thế nào cho đúng cách? – Báo cáo từ Viện Hàn Lâm Nhãn Khoa Hoa Kỳ” (link: https://nhathuocmathdhanoi.com/su-dung-atropin-0-01-nhu-the-nao-cho-dung-cach-bao-cao-tu-vien-han-lam-nhan-khoa-hoa-ky/) đã trình bày rất cụ thể quan điểm của 3 bác sỹ nhãn khoa nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc muốn vắn tắt lại nên dưới đây sẽ là phần giải đáp một số câu hỏi thường gặp liên quan đến sản phẩm này.

  1. Atropine 0.01% có làm chậm tốc độ tăng độ cận thị thật không?

– Trả lời: Có. Độ cận thị ở trẻ em từ 6-12 tuổi tăng chậm lại 50% so với tăng tự nhiên sau 2 năm điều trị, 100% trẻ trong nghiên cứu ghi nhận tác dụng (Nghiên cứu ATOM1 và ATOM2 của Gs. Donald Tan).

  1. Atropine 0.01% dùng liều như nào?

– Trả lời: Nhỏ vào mỗi mắt bị cận thị liều 1 giọt 1 lần / ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.

  1. Atropine 0.01% bao lâu thì có tác dụng?

– Trả lời: Các chuyên gia khuyến cáo tra mắt hàng ngày và liên tục trong tối thiểu 6 tháng rồi theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ. Sau đó tra duy trì tới 2 năm hoặc tới tận năm 18 tuổi (khi chiều cao đã tăng chậm lại).

  1. Dùng Atropine 0.01% có tác hại gì không?

– Trả lời:

+ Tác dụng toàn thân: Chưa ghi nhận

+ Tác dụng tại mắt: Nhìn gần mờ vào buổi sáng do giãn đồng tử, tác dụng thay đổi theo màu mắt của bệnh nhân. Tác dụng này thay đổi tùy theo từng trẻ, theo độ tuổi và từng sản phẩm thương mại sử dụng.

+ Phản ứng dị ứng: rất hiếm.

  1. Trẻ bao nhiêu tuổi thì sử dụng được?

– Trả lời: độ tuổi khuyến cáo trong các nghiên cứu là từ 6 tuổi trở lên có độ cận tăng ít nhất -0.5 Diop trong vòng 6 tháng trước đó. Trẻ 5 tuổi đang được nghiên cứu và sẽ có báo cáo mới nhất vào hội nghị ngành nhãn khoa châu Á năm 2021. Trẻ dưới 5 tuổi chưa có nghiên cứu.

  1. Dùng Atropine 0.01% là phương pháp duy nhất hạn chế tăng độ cận?

– Trả lời: không đúng. Có nhiều phương pháp hạn chế tăng độ cận ở trẻ em như Kính áp tròng ban đêm OrthoK, kính gọng hai tròng và đa tròng, kính tiếp xúc đa tròng, tăng thời gian hoạt động ở không gian rộng.

  1. Atropine 0.01% có tác dụng nguy hiểm như khi dùng toàn thân không?

– Trả lời: Không. Tác dụng nguy hiểm trên tim mạch, hô hấp (kháng hệ thần kinh phó giao cảm) chỉ xảy ra khi dùng đường tiêm tĩnh mạch.

  1. Trên thị trường Việt Nam có sản phẩm thương mại nào được lưu hành hợp pháp chứa hoạt chất Atropin 0.01% không?

– Trả lời: Có. Tính đến thời điểm hiện tại của bài viết này, ở Việt Nam đã có 05 sản phẩm đăng ký dưới dạng vật tư y tế chứa hoạt chất Atropin sulfat 0.01% dùng để nhỏ mắt là:

+ Mytropine® lọ 5,10ml có chất bảo quản và Mytropine Plus lọ 10ml không chất bảo quản của Indiana Ophthalmics – Ấn Độ

+ Myo Drops® dạng tép không chất bảo quản, hộp 20 ống x 0.4ml của Công ty CP Dược Phẩm CPC1 Hà Nội – Việt Nam

+ Myopil® lọ 10ml có chất bảo quản của Ấn Độ.

+ Mới nhất: Atropia® lọ 5ml có chất bảo quản của Choroid – Ấn Độ.

(Chưa có sản phẩm nào được đăng ký ở dạng thuốc)

  1. Ở tại Nhật, Mỹ và tại Việt Nam, chỉ định làm giảm tốc độ tăng độ cận thị của atropin 0.01% vẫn không được phê duyệt chính thức có đúng không?

– Trả lời: Chính xác. Chỉ định này được đưa ra dựa trên nghiên cứu mở đầu của Gs. Donald Tan (ATOM1 và ATOM2), các chuyên gia đang dựa vào đó để tiến hành đánh giá tác dụng điều trị và tác dụng phụ khi dùng kéo dài. Về mặt lý thuyết, đến khi có nhiều nghiên cứu có kết quả tương đồng và chứng minh được độ an toàn khi sử dụng kéo dài thì chỉ định này mới được phê duyệt chính thức ở trên thế giới.

+ Ở Việt Nam, cho đến nay chỉ định này vẫn không được Bộ Y Tế Việt Nam phê duyệt dù một số nghiên cứu đã được tiến hành và cho kết quả tương đồng về tác dụng làm chậm tốc độ tăng độ cận thị của Atropine 0.01% bởi các chuyên gia nhãn nhi hàng đầu ở Việt Nam. (Sản phẩm Myo Drops của công ty CPC1 Hà Nội đến nay vẫn đăng ký ở dạng vật tư y tế).

  1. Lọ Mytropine® có chứa tận 10ml thì có thể dùng tới 3 tháng, tại sao nhà sản xuất lại khuyến cáo bỏ lọ thuốc sau 1 tháng? Cùng câu hỏi là Myo Drops® dung tích một tép 0.4ml có thể nhỏ tới 04 lần mới hết tép thì liệu có thể để sang ngày hôm sau nhỏ tiếp được không?

– Trả lời: Với mức liều khuyến cáo, đúng là lọ Mytropine có thể dùng tới 3 tháng mới hết lọ nhưng quá trình mở nắp càng kéo dài thì nguy cơ lây nhiễm bẩn lọ thuốc (do chạm đầu lọ thuốc vào mắt mỗi lần nhỏ) càng cao, đặc biệt có thể sinh ra các vi khuẩn kỵ khí (kể cả trong lọ đã có chất bảo quản) gây nguy hại cho mắt.

+ Ở khía cạnh khác, Myo Drops đóng gói ở dạng tép nên về mặt sản xuất, dung tích tối thiểu để bơm vào ống phải là 0.3ml (tép thực tế là 0.4ml) để phòng trường hợp nhỏ trượt thuốc (với trẻ con thì rất dễ bị nhỏ thuốc trượt) hoặc lượng thuốc quá ít bị kẹt lại ở trong ống không đủ áp lực để đẩy ra khi bóp. Khi bạn đã nhỏ đúng và lượng thuốc còn thừa, nhà sản xuất vẫn khuyến cáo là chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi mở nắp, bỏ phần còn lại của thuốc sau khi nhỏ.

+ Để giải quyết vấn đề này, sản phẩm thế hệ sau – lọ không chất bảo quản 10ml (theo cơ chế màng lọc vô khuẩn 0.22µm ở đầu lọ thuốc) – Mytropine Plus có thể sử dụng tới 60 ngày sau khi mở nắp.

+ Ngoài ra, các sản phẩm thương mại khác đóng gói dạng lọ có chất bảo quản với dung tích ít hơn 5ml (Atropia, Mytropine 5, Myopil) cũng có thể được sử dụng thay thế, tuy nhiên, kết quả điều trị có vẻ như cũng thay đổi theo từng sản phẩm thương mại nên cần hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ trước khi đổi thuốc.

  1. Chất bảo quản trong lọ Mytropine là Oxychloro 0.05mg có gây độc giác mạc như benzalkonium clorid không?

– Trả lời: oxychloro chính là chất bảo quản mà hãng Allergan tự hào phát minh ra có tên thương mại là PURITE (https://iovs.arvojournals.org/article.aspx?articleid=2413193), được cho là có độ an toàn cao nhất, khi nhỏ vào mắt sẽ phân hủy thành CO2 và nước, không tích lũy lại như benzalkonium clorid. Tuy nhiên cũng không nên chủ quan, nếu sau này có dạng không chất bảo quản thì sử dụng dạng đó là tối ưu nhất.

  1. Tôi có thể mua các sản phẩm thương mại chứa Atropin 0.01% ở đâu?

– Trả lời: hiện các sản phẩm này đã được bán rộng rãi trên nhiều phòng khám khắp cả nước, các nhà thuốc bệnh viện mắt tư nhân và công lập đều đã cho phép nhập các sản phẩm này để điều trị cho trẻ bị mắc tật cận thị.

  1. Tôi đọc trên mạng hoặc nghe bạn bè về các sản phẩm này. Tôi có nên tự mua thuốc này về tra cho bé để phòng ngừa tăng độ cận thị không?

– Trả lời: Tuyệt đối không nên. Gia đình nên cho bé đi khám thị lực tại các cơ sở uy tín, đặc biệt là những nơi có hệ thống lưu trữ hồ sơ y tế điện tử để khi đến kiểm tra lại, các bác sỹ sẽ theo dõi được tình trạng mắt của bé một cách chính xác nhất. Ngoài ra còn để theo dõi được tác dụng phụ của thuốc khi phải dùng kéo dài.

  1. Con tôi không bị cận thị nhưng tôi muốn phòng ngừa thì có nên mua atropine 0.01% để tra cho bé không?

– Trả lời: Không nên. Thuốc không có tác dụng phòng ngừa cận thị mà chỉ làm giảm tốc độ tăng độ cận thị.

  1. Atropin 0.01% chỉ hiệu quả đối với cận thị thôi đúng không?

– Trả lời: Đúng. Thuốc chỉ hiệu quả đối với trẻ có độ cận thị tiến triển (có hoặc không kèm loạn thị). Tuyệt đối không dùng cho trẻ bị viễn thị vì atropine 0.01% ức chế sự phát triển chiều dài của trục nhãn cầu trong khi chiều dài trục nhãn cầu tăng sẽ giúp mắt bé giảm dần độ viễn thị.

+ Còn các bé bị nhược thị thì phải thận trọng vì có thể làm giảm kết quả điều trị nhược thị.

+ Đối với trẻ bị loạn thị đơn thuần, Atropin 0.01% không có ảnh hưởng vì độ loạn thị sinh ra do cấu trúc giác mạc bẩm sinh của trẻ.

  1. Atropine 0.01% chỉ làm giảm tốc độ tăng độ cận thị chứ không phải làm hết hẳn độ cận thị đúng không?

– Trả lời: Đúng. Phương pháp làm hết hẳn độ cận thị chỉ có thể can thiệp bằng phẫu thuật Lasik hoặc Phakic khi đủ các điều kiện phẫu thuật (không nên dùng phương pháp thay thủy tinh thể để loại bỏ cận thị trừ khi bị đục thủy tinh thể).

+ Một số trang web quảng cáo phóng đại các sản phẩm là thuốc chữa hết hẳn cận thị thì 100% là sai sự thật.

  1. Con tôi dùng sản phẩm trên bị mờ mắt khi nhìn gần vào buổi sáng, có cách nào khắc phục tình trạng này không?

– Trả lời: Có. Tác dụng phụ gây nhìn gần mờ vào buổi sáng (hoặc kéo dài đến buổi trưa) ở trẻ nhỏ do sự giãn đồng tử gây ra bởi hoạt chất atropin sulfat 0.01%. Ở nồng độ thấp, tác dụng này đã được giảm thiểu nhưng vẫn gây bất tiện lớn trong sinh hoạt và học tập cho bé. Tại hội thảo “Cập nhật về điều trị kiểm soát tăng độ cận thị trẻ em” tổ chức tại Viện Nghiên Cứu và Đào Tạo Thị Giác Hải Yến tháng 1 năm 2020, các chuyên gia đã trình bày một số phương pháp để kiểm soát tăng độ cận thị ở trẻ em và có đề cập phương pháp việc sử dụng kính gọng đa tròng cho trẻ em. Bản thân loại kính gọng đa tròng này đã giúp giảm đáng kể việc phải điều tiết mắt nhiều ở trẻ em bị cận thị khi nhìn gần so với loại kính gọng đơn tròng (loại dùng phổ thông hiện nay), từ đó giúp trẻ giảm mỏi mắt và mức độ tăng độ cận thị cũng giảm theo. Nếu có thể kết hợp được với dùng sản phẩm chứa atropin sulfat 0.01%, mức độ kiểm soát tăng độ cận thị sẽ được tăng cường, đồng thời loại bỏ việc bất tiện vì bị nhìn gần mờ do thuốc. Nhược điểm lớn của loại kính trên là giá thành rất cao và trẻ phải học cách thích nghi với kính như đối với người lớn tuổi có hiện tượng lão thị (nhìn xa bình thường nhưng khó nhìn gần). (Link bài viết chi tiết: https://nhathuocmathdhanoi.com/mot-so-luan-diem-tu-hoi-thao-cap-nhat-ve-dieu-tri-kiem-soat-tang-do-can-thi-tre-em-to-chuc-tai-vien-nghien-cuu-va-dao-tao-thi-giac-hai-yen-thang-1-nam-2020/)

  1. Con tôi tăng độ cận rất nhanh, bác sỹ khuyên nên dùng Atropine 0.01% kết hợp với các phương pháp kiểm soát cận thị khác thì mức độ kiểm soát liệu có tăng cường thêm không?

– Trả lời: Có. Đây chính là điểm mới nhất trong các nghiên cứu về việc kiểm soát cận thị. Tác giả Trần Đình Minh Huy (trung tâm Thị Giác Hải Yến) và Cộng sự đã xuất bản bài báo cáo mới nhất trên trang Review of Myopia Management ngày 1.4.2021 với các số liệu thống kê từ nhiều kết quả nghiên cứu. Bài báo chỉ ra: việc sử dụng kết hợp sử dụng Atropin 0.01% với các phương pháp như đeo kính gọng hai tròng, đa tròng, kính áp tròng ban đêm Ortho-K, sinh hoạt không gian rộng sẽ ức chế tốt hơn việc phát triển chiều dài trục nhãn cầu, từ đó giúp giảm tốc độ tăng cận thị tốt hơn so với chỉ dùng một loại phương pháp (chỉ thuốc hoặc chỉ đeo kính).

+ Cơ chế để giải thích cho việc này vẫn chưa được làm rõ nhưng theo tác giả, việc kết hợp nhiều phương pháp để kiểm soát cận thị tốt hơn mà vẫn đem lại thị lực tốt để sinh hoạt cho trẻ nên được các bác sỹ nhãn khoa trẻ em ứng dụng nhiều hơn trong thực hành lâm sàng.

(Link bài viết gốc: https://reviewofmm.com/combination-strategies-for-myopia-management/?fbclid=IwAR1jCsNHcNKLxE-JgTh-xBHJUxo2LTH84eqDtTonibLk99TUDqBgqSwWcVg)

  1. Tôi năm nay trên 18 tuổi và muốn dùng thuốc atropin sulfat 0.01% thì liệu tác dụng điều trị có giống như khi dùng cho trẻ từ 6-12 tuổi không?

– Trả lời: Khả năng cao là không. Tác dụng giảm tốc độ tăng độ cận thị của hoạt chất atropin sulfat nói chung (bất kể nồng độ) là dựa vào việc ức chế phát triển chiều dài trục nhãn cầu. Quá trình này về mặt lý thuyết quang học tại mắt sẽ giúp độ cận thị tăng chậm hơn. Ở người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), chiều dài trục nhãn cầu (kích thước của mắt) có thể coi như đã hoàn thiện. Do vậy, thuốc khả năng cao sẽ không có tác dụng với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, các điều kiện ngoại cảnh vẫn ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng như sử dụng các thiết bị điện tử nhiều, đọc sách, ít vận động ngoài không gian rộng…, đó là lý do tại sao khi qua đã 18 tuổi mà độ cận vẫn có thể tăng dù mức tăng chậm hơn nhiều so với giai đoạn dậy thì (chiều cao tăng lên thì độ cận cũng tăng theo).

+ Với nhóm người trên 18 tuổi, hoạt chất atropin sulfat 0.01% có thể được các bác sỹ sử dụng với mục đích thư giãn điều tiết mắt sau quá trình làm việc cần nhìn gần trong thời gian dài và đặc biệt hiệu quả khi có hiện tượng “co quắp điều tiết”. Ở đây cần lưu ý là tuổi càng tăng thì mức độ giãn đồng tử sẽ càng kéo dài hơn chứ không giống như ở trẻ nhỏ và thay đổi tùy theo từng người sử dụng. Hãy phản ánh điều này với bác sỹ để họ có thể chuyển sang loại thuốc có thời gian tác dụng ngắn hơn như Mydrin-P.

+ Người trưởng thành không nên tự ý mua về để sử dụng để tránh gặp phải các bất tiện trong sinh hoạt vì không nhìn gần được.

——————————————-

Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán ba trong năm sản phẩm vật tư y tế nhỏ mắt:

+ Mytropine (Lọ 10ml có chất bảo quản PURITE) của Indiana Ophthalmics, sản xuất tại Ấn Độ . Giá bán: 165.000đ/lọ.

+ Mytropine PLUS (Lọ 10ml không chứa chất bảo quản) của Indiana Ophthalmics, sản xuất tại Ấn Độ. Giá bán: 235.000đ/ lọ.

+ Myo Drops (Hộp 20 ống 0.4ml) của Công ty CPC1 Hà Nội, sản xuất tại Việt Nam. Giá 140.000đ/hộp.

Quý khách có thể đến mua trực tiếp hoặc nghe tư vấn kỹ về các sản phẩm tại Nhà Thuốc Trúc Lạc ở 30B ngõ Trúc Lạc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hotline tư vấn: 0906.199.166

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

lovemama.vn/hoi-dap