Sử dụng Atropin 0.01% như thế nào cho đúng cách? – Báo cáo từ Viện Hàn Lâm Nhãn Khoa Hoa Kỳ

Bài viết dưới đây sẽ diễn giải lại phần tác dụng phụ và phần tư vấn điều trị trong bài báo cáo chia sẻ kinh nghiệm điều trị từ ba bác sỹ nhãn khoa nổi tiếng về “Sử dụng Atropin nồng độ thấp như thế nào để làm giảm tốc độ tiến triển độ cận thị ở trẻ em?”, được đăng trên tạp chí của Viện Hàn Lâm Nhãn Khoa Hoa Kỳ cuối tháng 12 năm 2016 (Link tham khảo: https://www.aao.org/eyenet/article/how-to-use-low-dose-atropine-to-slow-myopic-progre). Do việc sử dụng atropin 0.01% cho chỉ định này vẫn chưa được phê duyệt chính thức (Off-label use) nên nếu mọi người có ý định sử dụng thuốc này cho bé nhà mình thì cần được sự tư vấn của các bác sỹ trước khi dùng.

  1. Tác dụng phụ:

* Tại mắt:

– Atropin nồng độ thấp ảnh hưởng ít nhất trên kích thước đồng tử, khả năng điều tiết và nhìn gần. Theo Gs. Donald Tan, mức độ giãn đồng tử trung bình trong nghiên cứu ATOM2 là 1mm, có nghĩa là hầu hết người sử dụng không cần phải dùng đến kính hai tròng hoặc kính râm để nhìn gần và giảm chói mắt. Thêm vào đó, khả năng điều tiết giảm khi sử dụng atropin 0.01% chỉ khoảng 4.0 Diop (trẻ con có thể điều tiết tới 14.0 Diop).

– Liên quan đến kích thước đồng tử: Vì nghiên cứu ATOM chỉ sử dụng trên đối tượng người châu Á nên các nhà nhãn khoa Mỹ vẫn còn lo ngại các tác dụng phụ khác của thuốc này trên nhóm dân số khác. Theo kinh nghiệm của Dr. Epley, atropin có vẻ như đáp ứng tốt hơn với người có màu mống mắt nhạt. Bác sỹ chia sẻ: “Theo thực hành lâm sàng của tôi, ở nhóm bệnh nhân có màu mắt xanh da trời, độ giãn đồng tử xảy ra ở mức độ nhẹ, khoảng ≤ 2mm, thấp hơn 1mm so với nhóm có màu mắt nâu. Chỉ có một trường hợp người da trắng với mắt màu xanh da trời phải dừng thuốc do nhìn gần mờ trong khi thuốc nhỏ mắt này không gây ra vấn đề nghiêm trọng nào trên đa số bệnh nhân. Còn đối với người có màu mắt xanh lá cây hoặc màu hạt dẻ, mức độ giãn đồng tử nằm ở khoảng giữa của hai màu mắt xanh da trời và nâu”.

* Toàn thân: Gs. Tan cũng cho rằng các bác sỹ nhãn khoa sẽ quan tâm nhiều đến các tác dụng phụ trên toàn thân khi sử dụng atropin.

– Tác dụng phụ cấp tính: Mặc dù luôn luôn có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ toàn thân đối với bất kỳ thuốc nào, tần suất gặp phải khi sử dụng atropin 0.01% là cực kỳ hiếm. Dr. Epley bày tỏ: “Các tác dụng phụ như mạch nhanh, thay đổi tính khí, khô miệng, bí tiểu, táo bón, hoặc ban đỏ da luôn luôn được báo cáo với atropin nồng độ cao nhưng với nồng độ thấp 0.01 thì không gặp phải trường hợp nào ở tất cả trẻ em trong các nghiên cứu.”

– Tác dụng phụ xảy ra muộn: Liên quan đến khả năng gặp phải tác dụng phụ sau khi dùng kéo dài, bác sỹ chú ý đến vấn đề dị ứng sẽ có khả năng xảy ra cao nhất. Trong khi một vài bệnh nhân ở nghiên cứu ATOM2 gặp phải viêm da dị ứng (<1%) và viêm kết mạc dị ứng (3%), không có phản ứng dị ứng nào diễn ra ở nhóm bệnh nhân dùng atropin 0.01%. Bác sỹ Epley bình luận thêm: “Vẫn có khả năng gặp phải các tác dụng phụ điển hình của atropin khi dùng kéo dài nhưng trong vòng 5 năm theo dõi ở nghiên cứu ATOM2 không ghi nhận trường hợp trẻ nào phải ngừng thuốc vì tác dụng phụ.”

– Bác sỹ Epley có khoảng 120 trẻ đang sử dụng atropin nồng độ thấp và có ghi nhận 1 trường hợp hình thành vấn đề dị ứng. Bác sỹ khuyên bệnh nhân dừng thuốc nếu xảy ra vấn đề về dị ứng do sử dụng atropin vì đó là cách xử lý duy nhất.

  1. Tư vấn sử dụng:

* Đối tượng và khi nào điều trị: Gs. Tan sử dụng atropin 0.01% ở trẻ em từ 6-12 tuổi, có độ cận tối thiểu -0.50 Diop, với độ cận gia tăng tối thiểu -0.50 Diop trong vòng 6 tháng trước đó. Mặc dù việc điều trị vẫn chưa được tiến hành ở trẻ em trên 12 tuổi, giáo sư cho rằng việc sử dụng ở trẻ vị thành niên không có gì là không hợp lý vì độ cận vẫn đang tiến triển.

– Tương tự, bác sỹ Epley khuyến cáo sử dụng atropin nồng độ thấp ở trẻ em có độ tuổi từ 5-15 tuổi. Bác sỹ cho rằng: “Trẻ nhỏ tuổi hơn có khả năng tăng cận nhanh hơn các trẻ lớn vì vậy các bé là đối tượng cần quan tâm” và đặc biệt khuyến cáo đối với các trẻ có độ cận tiến triển nhanh. Bác sỹ cũng chia sẻ thêm: “Tôi thảo luận vấn đề này với bất kỳ bệnh nhân nhi hoặc gia đình của họ mà có độ cận lớn hơn -1.00 Diop hoặc có mức độ tăng độ cận thị trong 1 năm là hơn 1.00 Diop.

– Bác sỹ Siatkowski theo quan điểm tương tự khi bắt đầu điều trị: “Chắc chắn rằng, mức độ tiến triển 1.00 Diop trong một năm là dấu hiệu đỏ đối với tôi”.

* Đối tượng rất trẻ: Cả hai bác sỹ Epley và Siatkowski đều cho rằng cận thị do chiều dài trục nhãn cầu hiếm gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và “Không rõ liệu những trẻ rất nhỏ có cùng cơ chế dẫn đến cận thị như đối với các trẻ lớn hơn hay không”. Bác sỹ Epley nói: “Tôi hiện đang không điều trị cho các trẻ rất nhỏ”. Bác sỹ Siatkowski đồng ý với quan điểm này và bổ sung thêm là việc có độ khúc xạ -1.00 Diop hoặc hơn ở trẻ dưới 5 tuổi thường không phổ biến và lý do dẫn đến tình trạng đó phải nghĩ đến ngay là do bệnh lý (ví dụ như dị tật góc tiền phòng bẩm sinh). Gs. Tan có đề cập đến một nghiên cứu mới về việc sử dụng atropin nồng độ thấp trên nhóm trẻ rất nhỏ sẽ sớm được tiến hành và nguyên văn là “Chúng tôi dự định sẽ tiến hành thử nghiệm trên nhóm trẻ 5 tuổi có độ cận thị tiến triển”.

* Điều trị như nào: Chế độ liều khuyến cáo là bệnh nhân sẽ nhỏ 1 giọt atropin 0.01% hàng ngày vào mỗi mắt. Tuy nhiên, cả hai bác sỹ Epley và Siatkowski đều đồng ý rằng thời điểm nhỏ thuốc trong ngày không quá quan trọng. Nhỏ thuốc vào ban đêm vốn được coi là tiêu chuẩn đối với các dạng nồng độ cao hơn của hoạt chất này bởi vì các tác dụng phụ (giãn đồng tử, giảm khả năng điều tiết) sẽ ít ảnh hưởng đến bệnh nhân hơn khi ngủ. Tuy nhiên, bác sỹ Siatkowski nhấn mạnh rằng việc này sẽ không phù hợp với một số gia đình – “Một số người thường nhớ để nhỏ thuốc hơn vào buổi sáng hoặc vào buổi trưa khi mở hộp cơm ra”.

* Thời gian điều trị: Theo Gs. Tan, “Để thận trọng, chúng ta nên sử dụng atropin trong tối thiếu 6 tháng để xem thuốc có tác dụng hay không, và nếu có tác dụng tốt (độ cận thị tăng chậm lại) thì nên tiếp tục tới ít nhất tổng cộng 1 năm trong giai đoạn đầu tiên. Sau đó có thể dừng điều trị, nhưng nếu độ cận lại tăng trở lại thì hãy bắt đầu sử dụng lại atropin trong vòng 6 tháng đến 1 tháng tiếp theo.”

– Bác sỹ Epley sử dụng atropin 0.01% để làm chậm độ tăng cận thị trong vòng 2 năm hoặc cho tới khi 15 tuổi. Bác sỹ cho rằng: “Nếu độ cận thị của trẻ tăng khi chúng ta dừng thuốc, tôi sẽ cho sử dụng lại một năm nữa cho đến khi mắt trẻ ngừng phát triển – ngừng tăng chiều dài trục nhãn cầu” và bổ sung thêm: “việc điều trị ảnh hưởng rất ít tới chất lượng cuộc sống của trẻ ngoài việc khó chịu do phải nhỏ dung dịch thuốc vì trẻ vốn rất ghét nước vào mắt”. Còn bác sỹ Siatkowski nói với gia đình bệnh nhân tiếp tục cho trẻ sử dụng tới khi 18 tuổi và sau đó mới ngừng thuốc hoặc phải dừng sớm hơn nếu trẻ gặp phải vấn đề nào đó.

* Kết quả hướng tới: Bác sỹ Epley chỉ ra: “Trong vòng 6 tháng đầu, độ cận vẫn có thể gia tăng, kết quả này được ghi nhận ở nghiên cứu ATOM2. Sau 6 tháng, độ cận thị sẽ tiến triển chậm lại một cách đáng kể, chỉ thay đổi khoảng -0.5 Diop hoặc ít hơn mỗi năm.” Theo bác sỹ Siatkowski, atropin nồng độ thấp làm chậm tốc độ tiến triển độ cận thị khoảng 30-50% so với không dùng và có 2 bệnh nhân ngừng hoàn toàn việc tăng độ cận thị. Bác sỹ khuyến cáo: “Tất cả những người châu Á với màu mắt đen có độ cận thị trung bình nên bắt đầu điều trị.”

* Theo dõi trong điều trị: Sau khi bắt đầu sử dụng atropin liều thấp ở trẻ em, Gs. Tan đã nhấn mạnh rằng việc theo dõi sau 6 tháng là thời điểm sớm nhất để đánh giá hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, giáo sư thường đánh giá trẻ 3 tháng sau khi bắt đầu điều trị để đảm bảo không có tác dụng phụ nguy hại nào và nói thêm: “Việc đánh giá sau mỗi sáu tháng là hợp lý để kiểm tra độ khúc xạ sau liệt điều tiết.”

– Bác sỹ Epley cũng theo dõi bệnh nhân của mình sau mỗi 6 tháng để đảm bảo việc tuân thủ, theo dõi tác dụng phụ và xác nhận rằng thuốc đang có hiệu quả tốt.

– Bác sỹ Siatkowski thông thường cũng theo dõi bệnh nhân từ 6-12 tháng (hoặc sớm hơn nếu bệnh nhân có vấn đề), phụ thuộc vào độ sai lệch khúc xạ của trẻ, cũng như tốc độ tăng độ cận thị của trẻ. Bác sỹ chia sẻ: “Nếu độ cận tăng từ -1.00 D hoặc hơn trong vòng 1 năm, hãy theo dõi 6 tháng một lần để xem việc điều trị có làm chậm tốc độ tăng đó không” và “Nếu độ cận tiến triển chậm hơn, khoảng -0.50 Diop một năm, thời gian tái khám có thể lên tới 1 năm.”

* Theo dõi sau khi điều trị: Bác sỹ Epley khuyên: “Khi trẻ dừng thuốc, cần theo dõi ở 6 tháng đầu tiên và một lần nữa ở thời điểm 12 tháng tính từ khi ngừng thuốc. Nếu không có thay đổi trong giai đoạn này, hãy theo dõi trẻ thêm 1 năm nữa. Nếu có thay đổi, chúng ta hãy bắt đầu sử dụng lại và tái khám sau 6 tháng.” Tại nơi bác sỹ Epley làm việc, chỉ ghi nhận những trường hợp trẻ có độ cận tăng nhanh trở lại chính là những trẻ đã ngừng thuốc sớm hơn trước khi hoàn thành tối thiểu 2 năm điều trị bằng atropin nồng độ thấp.

Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán vật tư y tế nhỏ mắt:

+ Mytropine (Lọ 10ml chứa Atropin 0.01%) với công dụng làm chậm tốc độ tăng độ cận thị ở trẻ nhỏ. Giá bán: 163.000đ

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap