Vài lời khuyên cho một số bệnh về mắt thường gặp dịp Lễ Tết

Thời điểm Tết âm lịch hàng năm ở nước ta thường là thời điểm đẹp nhất trong năm để cho các chủng vi sinh vật gia tăng khả năng gây bệnh cho người. Và với thói quen tự làm bác sỹ của dân ta, ad xin đưa ra vài lời khuyên về cách dùng thuốc nếu bạn tự ý mua thuốc:

  1. Về bệnh viêm kết mạc do vi sinh vật (virus, vi khuẩn, vi nấm):

– Thuốc nhỏ mắt kháng sinh kết hợp kháng viêm corticoid Tobradex™ chắc chắn sẽ là lựa chọn đầu tay để các bạn nhân viên nhà thuốc đưa cho bạn. Bạn cần lưu ý về cách dùng GIẢM LIỀU TỪ TỪ đối với loại thuốc này để giảm nguy cơ tái phát trở lại khi ngừng nhỏ thuốc. Ví dụ như bạn cần nhỏ 9 ngày thì 3 ngày đầu nhỏ (3 hoặc 4 lần), 3 ngày sau nhỏ 2 lần và 3 ngày cuối 1 lần rồi mới dừng thuốc và theo dõi. Nếu triệu chứng trở lại thì cũng là lúc bạn có thể đi gặp bác sỹ chuyên khoa mắt vì bác sỹ đã đi làm.

– Nếu nhân viên nhà thuốc có trình độ hơn và đưa cho bạn loại thuốc chỉ chứa kháng sinh phổ biến như Oflovid™, Cravit™, Tobrex™, Vigamox™ thì bạn nên nhớ thuốc này chỉ diệt vi khuẩn để tránh bội nhiễm trong trường hợp viêm kết mạc do virus. Chính vì thế, các triệu chứng sẽ bị đẩy lùi chậm hơn nhiều (khoảng 3-5 ngày) so với thuốc Tobradex™ ở trên (chỉ 1-2 ngày) nên các bạn đừng sốt ruột khi chưa dùng thuốc đủ tối thiểu 1 tuần.

– Nếu bị viêm kết giác mạc do vi nấm gây ra, chủ yếu bị cành cây quẹt vào (các triệu chứng rất rầm rộ và đau không mở nổi mắt) thì bạn phải đến cấp cứu càng sớm càng tốt tại các bệnh viện chuyên khoa mắt còn mở cửa hoặc phải chuyển lên tuyến trung ương. Bạn nên nhớ là dù điều trị hết vi nấm thì thị lực của bạn cũng không thể lấy lại được nên phải điều trị tích cực càng sớm càng tốt.

  1. Về bệnh viêm kết mạc dị ứng:

– Với hình thái thời tiết thay đổi trong ngày như hiện tại thì các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh viêm kết mạc dị ứng nên giữ các thuốc chống dị ứng trong túi khi đi ra đường và phải dùng thường xuyên theo chỉ định của từng loại thuốc kể cả khi KHÔNG CÓ TRIỆU CHỨNG GÌ cho đến khi các tác nhân gây dị ứng qua đi (phấn hoa, bụi ẩm, mưa, lông vật nuôi rụng…).

– Tránh mọi tác nhân có thể gây dị ứng là phương pháp tốt nhất phòng bệnh tái phát. Nếu bệnh phát ra thì việc điều trị sẽ rất mất thời gian và phải dùng nhiều loại thuốc để đẩy lùi triệu chứng. Bạn sẽ không muốn ăn tết với đôi mắt đỏ lòe, mí mắt sưng húp, nước mắt dàn dụa đâu cho nên hãy nhớ mua và dùng dự phòng. Các thuốc phổ biến hay được dùng và an toàn thường là Pataday™, Relestat™, Alegysal™; Hydrelo Dual Action™ còn Lotemax™ nhớ dùng khi có chỉ định của bác sỹ vì đây là một corticoid dù ít độc tính nhất nhưng vẫn nên thận trọng.

  1. Về bệnh khô mắt:

– Nước mắt nhân tạo không chất bảo quản dạng lọ hay dạng tép luôn luôn là sự lựa chọn đầu tay, đặc biệt đối với những người bị các bệnh lý gây khô mắt thứ phát như Sjogren, hay là những người đã can thiệp phẫu thuật lasik, phaco, phakic. Một tép thuốc để trong túi sẽ mang lại sự yên tâm cho bạn khi đi ra đường bằng xe máy để vãn cảnh xuân tết.

– Trong trường hợp mắt bạn chưa cảm thấy khô thì cũng nên tra duy trì, liều có thể chỉ 1-2 lần /ngày nhưng sẽ đảm bảo mắt của bạn luôn trong tình trạng được “bảo dưỡng”. Nhưng sẽ không có thuốc nào cải thiện được triệu chứng khô rát mắt nếu như bạn không ngủ đủ giấc 7-8 tiếng/ngày.

  1. Về bệnh tăng nhãn áp (glaucoma):

– Luôn luôn tuân thủ việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa mắt, tái khám để lấy thuốc theo đơn, định kỳ kiểm tra nhãn áp tại cơ sở gần nhất. Nếu bạn có điều kiện thì hãy mua 02 lọ cùng loại, để 1 lọ thuốc ở nhà và 1 lọ thuốc ở cơ quan làm việc. Hạn chế việc quên dùng thuốc vì mỗi lần nhãn áp tăng lên đồng nghĩa với việc các tế bào thị thần kinh bị chết và thị trường bị mất theo. Những cái mất này không tái tạo được nên PHẢI TUÂN THỦ VIỆC TRA THUỐC ĐÚNG NHƯ CHỈ ĐỊNH về THỜI GIAN, LIỀU DÙNG.

  1. Về các bệnh lý đáy mắt:

– Tuân thủ thời điểm đến tái khám và lịch tiêm thuốc nội nhãn dựa theo phác đồ điều trị mà các bác sỹ đã bàn bạc với bạn ngay từ đầu. Các bệnh lý đáy mắt rất phức tạp, điều trị cần phải đủ số liều tiêm (hoặc laser quang đông) ngay cả khi thị lực đã được cải thiện. Nếu bạn chủ quan nghĩ rằng thị lực đã tốt, không cần tái khám hoặc chỉ đến khám lại khi thị lực sụt giảm trở lại thì bạn đã lãng phí số tiền mình bỏ ra vì các bác sỹ sẽ phải tiêm lại cho bạn từ đầu theo phác đồ. Thuốc tiêm đáy mắt như Eylea™, Lucentis™, Ozurdex™ giá toàn vài chục triệu một mũi tiêm và phải tiêm nhiều mũi nên vấn đề kinh tế rất cần được chú trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Cuối cùng, thời điểm tết là thời điểm nghỉ ngơi. Các liệu pháp mát xa mắt bằng cách chườm ấm (máy chườm ấm, luộc quả trứng bọc vào khăn, dùng miếng chườm ấm Eyegiene™, gel chườm) sẽ có thời gian để bạn tận hưởng. Và vệ sinh mắt sau khi đi ra đường bằng bông tẩm nước muối sinh lý (dạng lọ nhỏ hoặc ống không chất bảo quản Physidose™) hoặc xịn xò hơn, bằng miếng vệ sinh mi mắt Ocusoft Plus Pad™, Blephavis™ sẽ giúp bạn loại bỏ hữu hiệu nhất nguy cơ mắc các bệnh bề mặt nhãn cầu.

Nhà Thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội xin cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong một năm vừa qua và kính chúc quý khách một năm mới nhiều sức khỏe, với đôi mắt sáng, thành công và vạn sự như ý.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap