TOBRADEX® – Nguy hiểm gia tăng khi bệnh nhân thành bác sỹ, bác sỹ thành “nạn nhân” và dược sỹ là “tội đồ”.

Trước khi đến với bài viết, ad xin được gửi lời xin lỗi đến các bệnh nhân và đồng nghiệp nếu có chỗ nào đụng chạm nhưng đây là lời cảnh báo với mọi người về một số vấn đề liên quan đến kê đơn, bán và lạm dụng thuốc tại Việt Nam nên mong mọi người sẽ thông cảm và vẫn tiếp tục chia sẻ bài viết này.

– Câu truyện của bản thân ad sẽ mở đầu cho vấn đề được bàn luận. Vào thời điểm này năm trước, bố của ad bị bụi vào bay mắt nên lấy tay dụi theo thói quen, đến tối thì thấy một bên mắt đỏ, mi mắt bị sưng nề và rất ngứa. Bố gọi cho ad bảo: “Mày mua cho bố thuốc chữa viêm kết mạc nhé, mắt bố đỏ lắm”. Thời điểm lúc đó đang chuyển mùa nên ad nghĩ có thể đúng là bố bị viêm kết mạc thật. Kinh nghiệm của bản thân ad thường là rửa sạch mắt bằng nước muối sinh lý rồi nhỏ 1 loại kháng sinh và 1 nước mắt nhân tạo nên ad cũng mua cho bố thuốc như vậy để dùng. Bố dùng được có 2 ngày theo liều khuyến cáo nhưng triệu chứng chưa đỡ và gọi ngay cho ad trách mắng là thuốc chẳng có tác dụng gì. Sau đó, bố ad ra tiệm thuốc gần nhà mua 1 lọ thuốc, về tra xong thấy hết đỏ, hết ngứa ngay lập tức và không quên tặng ad một câu: “Thạc sỹ như mày không bằng đứa bán thuốc.”

– Ad về nhà tìm xem “thần dược” đấy là gì (mặc dù trong đầu đã đoán ngay được là thuốc nào). Và như dự đoán, TOBRADEX “hân hạnh tài trợ chương trình này” nên ad cũng “cạn lời”, chỉ nói với bố một câu: “Bố cứ tự ý dùng mà không nghe con. Một thời gian nữa mà mắt bố có bị mờ đi do đục thủy tinh thể hay tăng nhãn áp thì cứ liên hệ với đứa bán thuốc đấy nhé.”

– Chỉ là một câu truyện nho nhỏ nhưng đã nêu bật lên nhiều vấn đề bức bối:

+ Bệnh nhân tự chẩn đoán bệnh cho mình. --> bệnh nhân “hóa” thành bác sỹ ngay khi bị bệnh.

+ Dược sỹ nhà thuốc tự kê đơn thuốc cho bệnh nhân dựa vào “kinh nghiệm” bán các đơn thuốc trước đó của bác sỹ.

+ Bệnh nhân đi khám bác sỹ một lần để có đơn thuốc, lần sau bị lại thì không khám bác sỹ nữa mà tự ra nhà thuốc mua lại đơn cũ. Dược sỹ nhà thuốc có thể bán ngay lập tức theo chỉ đạo của bệnh nhân mà không một chút suy nghĩ.

--> Sau nhiều lần như thế, đến khi bệnh nhân có vấn đề gì, họ sẽ quay sang đổ lỗi ngay cho đơn thuốc trước đó của bác sỹ. Bác sỹ sẽ thành “nạn nhân” nhưng nói một cách công bằng thì dược sỹ nhà thuốc mới chính là “tội đồ” khi bán các thuốc kê đơn mà không có đơn.

– Trở lại với biệt dược TOBRADEX ở trên, đây là một loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh và kháng viêm corticoid kết hợp. Hoạt chất kháng sinh – Tobramycin dùng nhỏ mắt thì không có gì phải lo lắng nhưng hoạt chất kháng viêm corticoid – Dexamethason lại khiến các bác sỹ nhãn khoa phải cân nhắc lợi ích – nguy cơ khi sử dụng.

– Khái niệm “corticoid” được nhắc đến rất nhiều trên các loại phương tiện thông tin đại chúng, chủ yếu với mục đích cảnh báo tất cả mọi người về những tác hại nguy hiểm của nhóm thuốc này. Khi sử dụng các chế phẩm chứa corticoid theo bất kỳ đường dùng nào (uống, tiêm, bôi, nhỏ mắt, nhỏ tai…), các triệu chứng bị che lấp đi rất nhanh khiến bệnh nhân tưởng là mình đã khỏi. Đến khi ngừng thuốc đột ngột thì các triệu chứng bắt đầu quay lại, thậm chí là nặng hơn so với ban đầu.

– Cảnh báo là một chuyện, thực tế lại là một chuyện khác khi không ít người lớn và trẻ nhỏ phải vào viện điều trị các bệnh do lạm dụng corticoid. Có lẽ họ sẽ không mắc phải các bệnh mà đáng lẽ ra phải đến tuổi mới bị nếu họ chịu mở tờ rơi sản phẩm ra và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Tại sao lại như vậy? Mỗi tờ rơi của các chế phẩm có chứa corticoid đều rất dài, trong đó phần cảnh báo tác dụng phụ và chống chỉ định chiếm đa số. Nếu họ chịu đọc những lời cảnh báo này thì nhiều khả năng họ sẽ có cân nhắc việc tự ý sử dụng hơn.

– Có thể lấy ví dụ điển hình như đối với biệt dược TOBRADEX, ad xin trích dẫn một chút từ trong tờ giấy hướng dẫn sử dụng:

+ “Hỗn dịch nhỏ mắt TOBRADEX được chỉ định cho các tình trạng viêm ở mắt có đáp ứng với steroid mà có chỉ định dùng corticosteroid và khi có nhiễm khuẩn nông ở mắt do vi khuẩn hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn mắt do vi khuẩn.”

+ “Các steroid nhỏ mắt được chỉ định trong những tình trạng viêm kết mạc bờ mi và kết mạc nhãn cầu, viêm giác mạc và phần trước nhãn cầu khi chấp nhận nguy cơ vốn có của việc sử dụng steroid trong các viêm kết mạc để giảm tình trạng viêm và phù nề.”

– Được hiểu là ngay từ phần chỉ định, nhà sản xuất đã ngụ ý muốn hỏi: “Ống/bà có phải đối tượng ở trên không?”. Câu trả lời đó chỉ có thể đưa ra bởi các bác sỹ nhãn khoa chứ không phải bệnh nhân hay dược sỹ. Và rõ ràng bệnh nhân sẽ phải tự cân nhắc bản thân mình khi đọc đến dòng chữ “chấp nhận nguy cơ vốn có” trong trường hợp họ tự mua thuốc.

– Một vấn đề cần chú ý liên quan đến sử dụng corticoid nói chung và biệt dược TOBRADEX nói riêng là liều lượng và cách dùng. Nếu sử dụng liều cao và kéo dài thì nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ sẽ càng tăng. Đối với biệt dược này, liều thông thường là 1-2 giọt vào túi kết mạc mỗi 4-6 giờ (nghĩa là 3-4 lần/ ngày). Thời gian dùng tùy vào từng loại bệnh, thường từ 5-7 ngày nhưng đối với các trường hợp viêm màng bồ đào trước thì phải dùng kéo dài hơn nhiều, và phải GIẢM DẦN liều sử dụng chứ không nên dừng đột ngột. Nhà sản xuất cũng khuyến cáo: “Khi bắt đầu không nên quá 20ml (nghĩa là không dùng quá 4 lọ liên tiếp) và không nên kê đơn lại mà không có đánh giá thêm.”

– Cuối cùng, nếu bệnh nhân kiên nhẫn đọc được đến phần cảnh báo và thận trọng của biệt dược TOBRADEX này thì ad tin rằng họ sẽ gửi trả lại lọ thuốc này ngay lập tức (nếu họ tự ý mua). Điểm chú ý nhất được nhà sản xuất nêu ra:

+ “sử dụng các corticosteroid ở mắt kéo dài có thể dẫn đến tăng nhãn áp và/hoặc glôcôm, với tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực và thị trường, và gây đục thủy tinh thể dưới bao sau. Điều này đặc biệt quan trọng cho bệnh nhi vì nguy cơ tăng nhãn áp do dùng corticosteroid ở trẻ em có thể cao hơn và xảy ra sớm hơn so với người lớn. Không được sử dụng hỗn dịch nhỏ mắt TOBRADEX cho trẻ em.”

Những trường hợp MÙ vĩnh viễn do sử dụng corticoid kéo dài ở trẻ em gần đây được chia sẻ rầm rộ bởi nhiều người nhưng nếu còn thói quen “tự biến hình thành bác sỹ” thì vẫn sẽ còn rất nhiều trẻ bị MÙ do nguyên nhân này. Trong các bài tới, ad sẽ phân tích kỹ hơn hoạt lực (độ mạnh) của từng loại corticoid được sử dụng trong nhãn khoa, để trong trường hợp phải dùng kéo dài thì nên lựa chọn loại nào tốt nhất.

Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội có bán thuốc:
+ TOBRADEX hỗn dịch 5ml (chứa Tobramycin 0.3% và Dexamethason 0.1%) do hãng Alcon – Bỉ sản xuất. Thuốc này phải có đơn kê hợp lệ (trong vòng 5 ngày) của bác sỹ thì nhà thuốc mới bán. Giá bán: 50.000đ.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap