Thuốc nhỏ mắt kháng nấm – Khi lựa chọn điều trị duy nhất là tự pha chế

– Các bệnh liên quan đến vi nấm trên cơ thể người thường phải điều trị dai dẳng và đôi khi phải lựa chọn giữa cái được (trị được hết bệnh) và cái mất (biến chứng do dùng thuốc kéo dài). Nếu ai đã từng nhìn vào mắt của một bệnh nhân bị nhiễm nấm thì nhiều khả năng sẽ bị ám ảnh vì mức độ tổn thương trầm trọng do vi nấm gây ra trên bề mặt nhãn cầu. Về mặt di truyền, cơ thể người bình thường vốn có sức đề kháng tự nhiên mạnh mẽ với các chủng vi nấm nhưng chỉ cần một tổn thương nhỏ như lá lúa hay cành cây quẹt vào làm xước da hoặc giác mạc mắt, hoặc bị côn trùng bay vào mắt rồi dụi mắt thì vị trí xước đó hoàn toàn có thể bị lây nhiễm. Tuy nhiên, sau khi bị va chạm và thấy mắt bị đỏ ngầu, chúng ta thường chủ quan tự điều trị bằng cách chỉ nhỏ nước muối sinh lý rửa qua hoặc ra hiệu thuốc tự mua lấy lọ kháng sinh nhỏ để tra, mà thông thường các bạn bán thuốc sẽ bán loại kháng sinh + kháng viêm corticoid kết hợp như Tobradex nước. Nhiều người không biết rằng việc sử dụng corticoid đối với các trường hợp bị nhiễm nấm được coi là chống chỉ định tuyệt đối vì sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh do bản chất ức chế miễn dịch của corticoid khiến vi nấm phát triển mạnh hơn.

– Cho đến khi bệnh nhân thấy không cải thiện thì mới tìm đến các bác sỹ mắt để điều trị thì thường là quá muộn để cứu lấy thị lực của bệnh nhân. Tổn thương trên giác mạc mắt do vi nấm gây ra không “từ tốn” như tổn thương ở các vị trí khác cơ thể. Giác mạc bị viêm rồi tiến đến quá trình loét rất nhanh, nhiều chủng có độc tính cao chỉ cần 2-3 ngày đã làm thủng giác mạc của bệnh nhân khiến các bác sỹ không kịp điều trị để giữ được phần nào thị lực cho bệnh nhân. Đấy là trường hợp ác tính, còn các trường hợp tiến triển chậm hơn thì sao? Quá trình điều trị nhiễm vi nấm thường kéo dài từ tối thiểu 14 ngày đến vài tháng, thậm chí có thể phải điều trị cho đến khi phân lập không còn vi nấm trên mẫu bệnh phẩm nuôi cấy. Trong quá trình điều trị, vi nấm tiếp tục gây tổn thương giác mạc rồi để lại sẹo giác mạc ở nhiều mức độ khác nhau cho dù có điều trị hết vi nấm và kết quả là tổn hại vĩnh viễn thị lực của bệnh nhân.

– Việc điều trị vi nấm thực sự vô cùng khó khăn vì cũng như vi khuẩn, các bác sỹ chỉ có thể điều trị bằng thuốc kháng nấm phổ rộng mà chưa thể xác định được ngay do chủng vi nấm nào. Kể cả có phân lập được ra thì chưa chắc thuốc đặc hiệu đã có để sử dụng cho bệnh nhân. Cách đây một vài năm, ở Việt Nam cũng chỉ có một vài loại thuốc nhỏ mắt kháng nấm như Natacyn® (Natamycin) của Alcon và Aumnata (Natamycin)- hàng generic của Ấn Độ. Còn hiện giờ thì không có hàng thương mại nào có sẵn ở thị trường Việt Nam để sử dụng. Các bệnh viện mắt tư nhân dù được đầu tư máy móc hiện đại nhưng nhắc đến các bệnh về nấm là chỉ có auto gửi bệnh nhân đến các bệnh viện mắt công lập tuyến tỉnh, thành phố hoặc thậm chí phải gửi đến tuyến trung ương thì mới có thuốc tự pha chế để điều trị.

– Một số thuốc dạng bột pha tiêm được pha loãng nồng độ để nhỏ mắt cho bệnh nhân như amphotericin B, voriconazole… (thực ra là khoa Dược mua được thuốc kháng nấm dạng bột pha tiêm có sẵn nào thì dùng dạng đó chứ cũng không có nhiều lựa chọn cho bác sỹ). Đây là link của bài viết hướng dẫn cách pha chế thuốc nhỏ mắt voriconazole (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2630666/). Trong bài viết, các tác giả hướng dẫn rằng để pha chế dung dịch nhỏ mắt voriconazole nồng độ 1% (10mg/ml) cần bột voriconazole 200mg (chế phẩm sẵn có ở dưới tên thương mại là Vfend® của Pfizer) pha với 19ml nước cất pha tiêm (dùng bơm tiêm 20ml). Sau đó ta đẩy dung dịch này qua màng lọc vô khuẩn 0.20 micromet (dùng bầu lọc khí của hãng Millex – Millipore giá khoảng 120k/cái) vào lọ chứa thuốc vô khuẩn chuyên dụng (trong bài không mô tả là loại nào) và có thể sử dụng tới 30 ngày. Để chứng minh độ ổn định của thuốc không bị thay đổi, các tác giả bảo quản thuốc ở 3 môi trường: môi trường I là để ở nhiệt độ phòng (3-24 độ C) và không phải tránh ánh sáng mặt trời, môi trường II là để ở nhiệt độ phòng (3-24 độ C) và có tránh ánh sáng mặt trời, và môi trường III là để ở nhiệt độ tủ lạnh (2-4 độ C) và có tránh ánh sáng mặt trời. Kết quả nghiên cứu cho thấy không sự phân hủy thuốc dù ở bất kỳ điều kiện bảo quản nào cho tới 30 ngày sau khi pha chế mặc dù nhà sản xuất (thuốc Vfend) khuyến cáo là chỉ nên sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi hòa nước vào bột pha tiêm và phải bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh (2-4 độ C).

– Lợi ích điều trị được các tác giả đưa ra thông qua nghiên cứu này là để thuận tiện cho bệnh nhân có thể sử dụng ở bất kỳ thời điểm nào, giảm gánh nặng chi phí điều trị cũng như giảm áp lực đối với phòng pha chế nếu như ngày nào cũng phải pha để đảm bảo vô khuẩn (hiện nay các khoa dược ở các bệnh viện công pha chế để sử dụng trong vài ngày, thậm chí chỉ dùng trong ngày vì lo sợ môi trường và khí hậu của nước ta dễ gây nhiễm khuẩn lọ thuốc khiến bệnh nặng thêm nếu nhỏ).

Vấn đề các thuốc nhỏ mắt kháng nấm không có nhiều hàng thương mại đã phản ánh thực trạng của ngành công nghiệp dược trên thế giới hiện nay là chỉ đầu tư vào các thuốc sinh lợi nhuận cao, còn các nhóm thuốc không mang lại lợi nhuận thì các hãng sẵn sàng từ bỏ để giảm thiểu rủi ro về mặt tài chính. Người thiệt hại nhất cuối cùng vẫn chính là bệnh nhân khi phải sử dụng các dạng pha chế không được tối ưu về mặt bào chế (như độ pH, áp suất thẩm thấu, tính thấm thuốc, độ hòa tan…) khiến bệnh nhân cảm thấy đau, kích ứng mạnh, cảm giác bỏng rát mỗi lần nhỏ cộng thêm với đau do bệnh gây ra bởi vi nấm – thực sự khác hoàn toàn với độ êm dịu của hàng thương mại. Hy vọng một ngày các thuốc điều trị sẽ luôn có sẵn để các bác sỹ có thể lựa chọn loại này loại kia thay vì phải xoay sở theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” như hiện nay.

Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội hiện không có bán loại thuốc nhỏ mắt kháng nấm nào.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap