Nhìn lại thị trường thuốc mắt năm 2021

Thuốc mắt 2021

– Như thường lệ, thời điểm cuối năm sẽ có bài viết để nhìn lại tình hình các sản phẩm thuốc mắt tại Việt Nam. Năm 2021 được coi là một năm đầy sóng gió với toàn thể ngành dược nói chung và ngành nhãn khoa nói riêng khi việc cung ứng thuốc bị đứt gẫy trong thời gian dài do các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt nhằm hạn chế sự lây lan của biến chủng Covid-19 Delta. Thuốc trong các kho có nhiều nhưng lại rất khó cung ứng đến tay người bệnh, kể cả là kênh online vì khu vực nhận thuốc bị phong tỏa, cấm đi lại. Phải đến tận khi có quyết định của Chính Phủ về 04 cấp độ thích ứng an toàn với đại dịch, người dân mới không bị hạn chế đi lại nhưng tâm lý lo lắng mang dịch bệnh về nhà từ bệnh viện khiến nhiều người rất ngại đến thăm khám tại bệnh viện. Chính vì vậy, kênh online về cung ứng thuốc trong năm 2021 trở thành điểm sáng lớn nhất và vô cùng hữu ích cho người bệnh ở các vùng sâu, miền núi và xa về địa lý vì có thể đưa thuốc về đến tận nhà thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh với chi phí hợp lý.

– Vậy trong năm 2021, thị trường thuốc chuyên khoa mắt có gì đáng chú ý không? Hãy cùng điểm qua các nhóm thuốc dưới đây

I. Nhóm thuốc điều trị Glaucoma (tăng nhãn áp):

– Không có gì thay đổi và cũng không có thêm thuốc điều trị nào mới. Thậm chí vì quy định thực hiện việc công bố điều kiện bảo quản thuốc ở nhiệt độ thấp sẽ khiến cho hai thuốc Alphagan P 0.15% của Allergan và Taptiqom dạng tép của Santen gặp nhiều khó khăn trong cung ứng vào năm 2022.

II. Nhóm thuốc chống dị ứng (viêm kết mạc dị ứng):

– Không có gì thay đổi với những cái tên quen thuộc: Pataday của Alcon, Relestat và Restasis của Allergan, Alegysal của Santen, Ketofen của CPC1 Hà Nội.

III. Nhóm thuốc kháng viêm (steroid và không steroid):

– Không có gì thay đổi.

IV. Nhóm làm chậm tốc độ tăng độ cận thị (atropine sulfat 0.01%):

– Bên cạnh hai nhóm sản phẩm truyền thống Mytropine của Indiana Ophthalmics và Myo Drops của CPC1 Hà Nội, thị trường Việt Nam có thêm Atropia lọ 5ml của Choroid – Ấn Độ trong năm 2021.

V. Nhóm làm chậm tốc độ đục thủy tinh thể:

– Không có thay đổi với hai cái tên Kary Uni của Santen và Eyaren của Samil.

VI. Nhóm thuốc kháng sinh:

– Không có gì thay đổi ngoại trừ việc một số sản phẩm dang mỡ tra mắt kết hợp corticoid của Alcon như Tobradex mỡ và Maxitrol mỡ bị gián đoạn việc phân phối do quy định về phân phối thuốc cần bảo quản lạnh.

VII. Nhóm thuốc kháng virus:

– Mỡ tra mắt Herpacy của Samil vẫn là loại thuốc kháng virus Herpes nhập khẩu duy nhất còn sót lại.

VIII. Nhóm thuốc kháng nấm:

– Không có thuốc mà dùng. Các cơ sở chuyên khoa mắt tuyến trung ương là nơi duy nhất có thể mua được Natamycin 5% của Senju nhưng cũng rất khó khăn vì thuộc nhóm thuốc hiếm.

IX. Nhóm dùng trong chẩn đoán (Cyclogyl và Isoptocarpine):

– Không có thuốc mà dùng. Hai loại thuốc này thuộc danh mục thuốc hiếm nên việc mua bán chỉ diễn ra một năm một lần, gửi kèm theo dự trù tổng hợp của bệnh viện tuyến trung ương, năm 2021 do sự thay đổi về cơ cấu của các công ty nhập khẩu nên việc cung ứng bị gián đoạn khá lâu.

X. Nhóm giảm mỏi mắt:

– Minndrop của Unimed – Hàn Quốc hết số đăng ký lưu hành và không được gia hạn tiếp để lại sự tiếc nuối của nhiều người sử dụng. Trong nhóm lọ có chất bảo quản thì thị trường còn Sancoba của Santen, các dòng Vrohto và Visiloton của Farmak. Taurine Solopharm 4% dạng tép của Nga vẫn là cái tên thường được kê cùng với các sản phẩm trên để tăng cường hiệu quả giảm mỏi mắt.

XI. Nhóm thuốc điều trị bệnh đáy mắt:

– Không có gì thay đổi với 04 biệt dược: Lucentis của Novartis; Eylea của Bayer; Ozurdex của Allergan và Avastine của Roche.

XII. Nhóm điều trị KHÔ MẮT

Đây là nhóm duy nhất có nhiều điểm mới trong năm 2021 và có lẽ cần chia thành các phân nhóm nhỏ.

XII. 1. Dòng gel, mỡ:

– Nếu như trước năm 2021, thị trường chỉ có mỡ Vitapos của Ursapharm và gel Clinitas của Altacor [Liposic Gel khi đó đang đứt hàng] thì trong năm 2021, thị trường đã có thêm 04 loại gel, mỡ mới đăng ký dưới dạng thiết bị y tế phân loại B:

+ Farvis Gel của Farmigea chứa dexpanthenol 5% (thay thế cho Cornere Gel đã bị đứt hàng).
+ Hydramed Night của Farmigea chứa vitamin A 250 IU/g dạng mỡ (tương tự như Vitapos).
+ Eye Gel của Farmigea chứa carbomer 0.2% (tương tự như Clinitas Gel và Liposic Gel).

+ Genteal Gel chứa hypromellose 0.3% và carbomer 0.22% (chất bảo quản GenAqua ™ – natri perborate không độc tính).

– Việc xuất hiện đa dạng chủng loại gel, mỡ tra mắt sẽ tăng độ phủ thuốc điều trị đến các vùng sâu, vùng xa hơn, giúp người bệnh có cơ hội được sử dụng các sản phẩm tốt.

XII. 2. Dòng vật tư y tế giảm khô mắt, viêm bờ mi:

– Các loại miếng vệ sinh mi ở thị trường Việt Nam vẫn giữ nguyên với Ocusoft Plus Pad, Blefavis Wipes và TTO.

– Về chườm ấm mắt, sản phẩm Gocozy là cái tên mới được đưa về năm nay với sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí nếu chỉ điều trị ngắn hạn so với “đàn anh” Eyegiene, nhờ việc có thể sử dụng luôn từng miếng như đeo khẩu trang thay vì phải có băng đeo như Eyegiene. Thị trường cũng xuất hiện thêm một số loại máy mát xa chườm ấm đa chức năng như iHeat Massager và miếng chườm ấm loại có mùi hương khá dễ chịu.

– Điểm mới nhất là việc sử dụng thiết bị có công nghệ Lipiflow ™ trong điều trị viêm bờ mi, rối loạn tuyến Meibomius nhờ phá vỡ sự bít tắc các tuyến tiết lipid Meibomius bằng nhiệt và mát xa trong vòng 15 phút, không xâm lấn nên không cảm giác đau. Thiết bị này đã có tại một số phòng khám và một số bệnh viện mắt tư nhân.

(Mô tả về thiết bị: https://visionsource-silverlake.com/vision-care-products/dry-eye-treatment/dry-eye-lipiflow-treatment/https://visionsource-silverlake.com/vision-care-products/dry-eye-treatment/dry-eye-lipiflow-treatment/)

XII. 3. Dòng nước mắt nhân tạo dạng lỏng:

– Năm 2021 chào đón nhiều loại nước mắt nhân tạo dạng lọ không chất bảo quản, và có kết hợp thêm những thành phần chống viêm, hỗ trợ giảm mỏi mắt.

+ Hycob của COC – Ý: chứa 06 thành phần giúp giảm khô mắt và hỗ trợ giảm viêm
+ Hye của Farmigea – Ý: chứa natri hyaluronat trọng lượng phân tử cao nồng độ 0.4 %.

+ Optavid của Apipharma – Croatia: chứa natri hyaluronat 0.1% với dịch chưng cất cúc la mã và hoa thanh cúc 15% giúp hỗ trợ giảm kích ứng mắt.

– Hydrelo Dual Action của Santen và Hylo Gel của Ursapharm tuy đã ra mắt từ cuối năm 2019 nhưng phải đến năm 2021, sản phẩm này mới được dùng phổ biến tại nhiều viện chủ yếu là sau phẫu thuật cận thị.

– Đối với dạng lọ có chất bảo quản, OMK – 1 của hãng Omikron – Ý là điểm nổi bật nhất với sự kết hợp của natri hyaluronat 0.2% và Citicoline 2%, được chứng minh có hiệu quả trong bảo vệ thần kinh thị giác khi điều trị bệnh lý đáy mắt và Glaucoma. Cái tên hãng Omikron cũng sẽ khiến mọi người phải chú ý đến vì sự giống với tên gọi biến chủng mới nhất của virus Covid-19 – Omikron.

– Systane Ultra UD dạng tép của Alcon cũng chính thức rời thị trường Việt Nam cuối năm 2021 do hết số đăng ký lưu hành. Thay thế vào đó là sự góp mặt của thế hệ mới và hoàn hảo “gần nhất” của dòng sản phẩm Systane ™ với tên gọi là Systane COMPLETE lọ 5ml với chất bảo quản Polyquad ™ (Polyquarternium-1). Sản phẩm này được bào chế ở dạng nhũ tương phospholipid, tương tự như Lipitear dạng tép của Optima – Ý.

(Thông tin về các sản phẩm có thể tham khảo tại: https://nhathuocmathdhanoi.com/cua-hang/ )

*** Bài viết nhìn lại một năm quá khó khăn với tất cả mọi người khi 11 trên 12 nhóm thuốc không có gì thay đổi, thậm chí còn sụt giảm đi. Mọi hội thảo, hội nghị chỉ được diễn ra theo hình thức trực tuyến qua ứng dụng Zoom, sự trao đổi thông tin trực tiếp với nhau cũng sẽ giảm hiệu quả đi nhưng có thể kỳ vọng sang năm 2022, lượng kiến thức và công nghệ mới sẽ được bù đắp lại và cập nhật đến các chuyên gia nhãn khoa để phục vụ công tác chăm sóc đôi mắt của người bệnh được tốt hơn.

Xin cảm ơn quý khách và đồng nghiệp đã tin tưởng, lựa chọn nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội để cung ứng thuốc trong năm khó khăn vừa qua. Dược sỹ Trần Hải Đông và các bác sỹ nhãn khoa cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tận tâm trong điều trị bệnh mắt cùng quý khách trong năm 2022.

Kính chúc quý khách có đêm Giáng Sinh an lành, đầm ấm bên gia đình!

Trân trọng!

Ths. Ds. Trần Hải Đông

lovemama.vn/hoi-dap