Natri hyaluronat – Một hoạt chất, nghìn ứng dụng và giá trị trong nhãn khoa

– Cái tên hoạt chất khó đọc này có vẻ lạ lẫm với đại đa số người được hỏi nhưng nếu nhắc đến sản phẩm làm đẹp gọi tắt là “Filler” thì đảm bảo sẽ có nhiều người trong số họ có thể nói rất cặn kẽ về nó. Quay lại một chút với các sản phẩm đầu tiên được thử nghiệm, khoảng cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, biệt dược có tên là Hylartin và Hylartin Vetused đã được sử dụng trong các thử nghiệm trên người và ngựa đua để điều trị viêm khớp dạng thấp. Năm 1980, sản phẩm thương mại đầu tiên có chứa natri hyaluronate được bán ra thị trường có tên là Healon, được tạo ra bởi nhà khoa học Endre Alexander Balazs và được sản xuất bởi hãng dược phẩm Pharmacia AB tại Thụy Điển. Đến năm 1986, natri hyaluronate được sử dụng để tiêm vào trong khớp để điều trị viêm khớp gối với biệt dược Hyalart (Hyalgan sau này) của hãng Fidia – Ý. (https://en.wikipedia.org/wiki/Sodium_hyaluronate)

– Ứng dụng ở trên xương khớp chỉ là một phần rất nhỏ trong vô vàn giá trị điều trị khác của hoạt chất này. Sở dĩ natri hyaluronat được sử dụng rộng rãi như vậy là nhờ vào tác dụng làm chất bôi trơn mô liên kết và có trọng lượng phân tử lớn giúp tạo ra độ đàn hồi để bảo vệ các cơ quan trong cơ thể. Một ứng dụng nổi tiếng khác có thể kể đến như tiêm dưới da để làm giảm nếp nhăn trên mặt. Tính đến năm 2017, cơ quan quản lý thực phẩm dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho 13 dạng bào chế chứa natri hyaluronat được gọi chung là “Chất làm đầy da”. Các sản phẩm đó cũng được sử dụng để làm dầy môi và các bộ phận khác của cơ thể mặc dù không phê duyệt. Tác dụng “làm đầy” đó chỉ là tạm thời và thông thường kéo dài khoảng hơn 06 tháng ở hầu hết người sử dụng rồi tự đào thải ra khỏi cơ thể. (Juvederm® của hãng Allergan là một trong những loại được sử dụng phổ biến tại nước ta).

– Mặt khác, bản chất hóa lý của natri hyaluronat còn được tận dụng ở dạng bôi ngoài da, hoạt động như một “chất mang”, giúp tăng hấp thu các phân tử sinh học khác vào tế bào biểu mô để tăng tác dụng điều trị tại chỗ. Tác dụng này thay đổi phụ thuộc vào sức khỏe của da và trọng lượng phân tử, nguồn gốc của natri hyaluronat được sử dụng. Cũng chính vì sự biến thiên này, natri hyaluronat được bào chế với rất nhiều dạng và nồng độ khác nhau để sử dụng trong phẫu thuật nhãn khoa như thay thủy tinh thể nhân tạo, ghép giác mạc, phẫu thuật glaucoma, bong võng mạc và đặc biệt quan trọng trong điều trị khô mắt. Trong quá trình phẫu thuật nửa phần trước nhãn cầu, việc bơm natri hyaluronat giúp duy trì độ sâu tiền phòng nhờ vào tác dụng tạo độ nhớt để hạn chế lượng nước thoát ra, làm giảm tổn thương đến tế bào biểu mô giác mạc và các mô xung quanh, đồng thời tạo ra áp lực để đẩy ngược dịch kính về phía sau, ngăn các biến chứng sau phẫu thuật. Một giá trị nữa trong nhãn khoa là tạo ra môi trường trong suốt để thuận tiện cho việc quan sát trong phẫu thuật và laser quang đông võng mạc.

– Cuối cùng, natri hyaluronat là thế hệ thứ ba của các dòng “nước mắt nhân tạo” và cũng là hoạt chất duy nhất vừa có tác dụng tạo ra độ nhớt để bôi trơn bề mặt nhãn cầu vừa có tác dụng làm tăng tốc độ hồi phục tế bào biểu mô kết – giác mạc. Các sản phẩm thế hệ ba này được cải thiện và nâng cấp về mặt bào chế theo thời gian – từ dạng lọ có chất bảo quản phổ thông (Benzalkonium clorid – Sanlein®0.1% và 0.3% của Santen) đến dạng lọ có chất bảo quản ít độc tính hơn (TearBalance® của Senju) rồi đến dạng tép không có chất bảo quản (Vismed® của TRB Chemedica) và mới nhất là dạng lọ không chất bảo quản (thời gian sử dụng sau khi mở nắp tới 03 tháng – HyloGel® của Ursapharm). Một sự nâng cấp khác là thay đổi áp suất thẩm thấu của dung dịch thuốc từ đẳng trương sang nhược trương để tăng thời gian lưu trữ tại mắt, phù hợp với quan điểm của Hiệp Hội Khô Mắt Quốc Tế DEWS II 2017 về mối liên quan giữa bệnh lý khô mắt với sự mất cân bằng áp suất thẩm thấu của màng phim nước mắt.

– Sự thay đổi về mặt nồng độ cũng đã được chứng minh là làm tăng tác dụng của hoạt chất này. Điều cần quan tâm bây giờ có lẽ là nên sử dụng nồng độ nào cho tối ưu nhất? Mỗi hãng dược đều đưa ra luận điểm để bảo vệ sản phẩm của mình nhưng nếu để ý thật kỹ là những nghiên cứu đó chỉ tiến hành trên một nhóm cá thể người bệnh nhất định, hoặc là khô mắt nhẹ, hoặc là khô mắt trung bình hay nặng. Một điều cần lưu ý khi điều trị bệnh khô mắt là bệnh nhân gần như sẽ phải gắn bó với thuốc đến hết cuộc đời, nghĩa là chi phí điều trị lâu dài sẽ rất cần được tính toán theo sau hiệu quả của thuốc điều trị. Một bệnh nhân bị khô mắt nhẹ có thể sử dụng dạng lọ có chất bảo quản và nồng độ natri hyaluronat thấp vì người này ít bị phụ thuộc nặng nề vào thuốc để cải thiện triệu chứng nóng rát và có thể “có ngày nhỏ thuốc có ngày không”, giúp làm giảm nguy cơ bị tích lũy chất bảo quản. Nếu bệnh nhân không phải lo lắng về mặt tài chính thì không phải bàn làm gì, họ thường sẽ chọn ngay các loại “nước mắt nhân tạo” cao cấp nhưng nếu tài chính là vấn đề cần được quan tâm thì việc lựa chọn thuốc phù hợp với từng cá thể sẽ giúp làm giảm gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh nhân.

– Trước đây tại Việt Nam, nồng độ 0.18% của biệt dược Vismed® được coi là nồng độ tối ưu nhất vì phù hợp với nhiều mức độ khô mắt hơn. Quan điểm đó có lẽ đã bị ảnh hưởng phần nào khi hãng Santen đưa nồng độ 0.3% (Sanlein 0.3) về thị trường Việt Nam năm 2016. Và gần đây nhất, nồng độ 0.5% của sản phẩm Ialuvit® lại thể hiện giá trị điều trị tốt hơn nữa đối với các bệnh nhân bị khô mắt trung bình và nặng khi họ phản hồi cảm thấy dễ chịu hơn so với các loại thuốc trước. Tuy nhiên, nếu sử dụng nồng độ 0.5% trên các bệnh nhân chỉ bị khô mắt nhẹ thì họ lại cảm thấy không thoải mái bằng nồng độ 0.1% hoặc 0.18% vì bám dính quá lâu. Điều này có thể được lý giải là do thuốc có độ nhớt cao và cũng có cơ chế nhược trương như Vismed®. Ở phạm vi bài viết này, ad xin phép chỉ đề cập đến tác dụng làm giảm khô mắt của hoạt chất natri hyaluronat, còn tác dụng làm lành tế bào biểu mô kết – giác mạc sẽ được bàn luận cụ thể ở các bài viết sau.

Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán một số loại “nước mắt nhân tạo” thế hệ 3:

+ Hyaluron 0.1% (Hộp 30 ống 0.88ml chứa Natri hyaluronat 0.1%, không chất bảo quản) của hãng Hanlim, sản xuất tại Hàn Quốc. Giá bán: 384.000đ/ hộp.

+ Vismed 0.18% (Hộp 20 ống 0.3ml chứa Natri hyaluronat 0.18%, nhược trương, không chất bảo quản) của hãng TRB Chemedica, sản xuất tại Đức. Giá bán: 218.000đ/hộp.

+ Gilan Comfort 0.18% (Hộp 30 ống 0.4ml chứa Natri hyaluronat 0.18%, không chất bảo quản) của hãng Solopharm, sản xuất tại Nga. Giá bán: 303.000đ/hộp. (Đăng ký dưới dạng vật tư y tế).

+ Sanlein 0.3% (Lọ 5ml chứa Natri hyaluronat 0.3% có chứa bảo quản Benzalkonium clorid cải tiến) của hãng Santen, sản xuất tại Nhật. Giá bán: 132.000đ.

+ Ialuvit 0.5% (hộp 15 ống 0.6ml chứa Natri hyaluronat 0.5% +Taurin 0.5% +Vitamin B12 0.05%, nhược trương – không chất bảo quản) của hãng Alfa Intes, sản xuất tại Italy. Giá bán: 345.000đ/hộp. (Đăng ký dưới dạng vật tư y tế)

+ Sản phẩm Hylogel 0.2% 10ml của hãng Ursapharm, sản xuất tại Đức, dạng lọ không chất bảo quản, đến cuối tháng 12 mới nhập về Việt Nam.

Cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn/hoi-dap