Một số lưu ý khi sử dụng các thuốc điều trị viêm kết mạc dị ứng

– Như đã trình bày trong bài viết “Điểm mặt các thuốc dùng trong điều trị viêm kết mạc dị ứng”, bệnh viêm kết mạc dị ứng là một dạng bệnh mạn tính, chưa có thuốc điều trị triệt để căn nguyên mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng do vậy cần phải điều trị lâu dài. Nguyên lý điều trị cơ bản đối với bệnh này là “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, được hiểu là làm sao phải ngăn không cho triệu chứng dị ứng phát ra trong thời gian bắt buộc phải tiếp xúc với tác nhân gây ra dị ứng như thời tiết, phấn hoa (viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc dị ứng do phấn hoa…). Vậy tại sao phải phòng bệnh hơn chữa bệnh? Các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc dị ứng sẽ dần dần trở nên nặng hơn đi kèm với việc giảm dần đáp ứng với các thuốc điều trị triệu chứng. Thêm vào đó, trong giai đoạn phát bệnh, các bác sỹ nhãn khoa sẽ phải điều trị rất vất vả và nhiều khi phải kết hợp gần như tất cả các nhóm thuốc thì mới đẩy lùi được các triệu chứng của bệnh này.

– Nếu vậy thì phải làm sao để bệnh nhân hiểu được nguyên tắc đó? Những điều sau đây được khuyến cáo cho bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng nói chung:

+ Việc tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nhiều nhất có thể là điều đầu tiên cần phải thực hiện, giúp ngăn ngừa các phản ứng dị ứng tốt nhất.

+ Trong trường hợp không thể tránh được các yếu tố như thời tiết, bụi phấn… hoặc không tìm ra được tác nhân thì người bệnh nên ghi lại những thời điểm khởi phát bệnh trong năm. Mục đích là để khi gần đến thời điểm đó, ta sẽ dùng các thuốc ngăn ngừa triệu chứng như nhóm ổn định tế bào mast (Alegysal® của Santen) hoặc nhóm chống dị ứng đa tác động (Pataday® của Alcon; Relestat® của Allergan) trước khoảng 2 tuần và duy trì đến sau thời điểm đó khoảng 2 tuần.

+ Vấn đề lớn nhất bệnh nhân hay gặp phải là số lần tra trong ngày của từng nhóm, dễ bị quên nhỏ thuốc. Nhóm thuốc chống dị ứng đa tác động được coi là sự lựa chọn đầu tay của các bác sỹ với số lần điều trị thấp (một lần/ngày với Pataday và hai lần/ngày với Relestat). Đấy là những chỉ định được phê duyệt của cơ quan quản lý nhưng trong nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả với những hoạt chất có thời gian tác dụng kéo dài nhất mà nồng độ chưa đủ thì cũng không thể duy trì tác dụng đủ 24 giờ với liều chỉ 1 lần/ngày. Bài viết của các tác giả người Mỹ năm 2016 tuy được tài trợ bởi hãng Alcon nhưng cũng đã kết luận rằng chính biệt dược Pataday® hiện tại của họ chỉ có nồng độ 0.2% và tác dụng kéo dài tối đa là 16 tiếng nên vẫn còn khoảng 8 tiếng nữa để bệnh nhân có nguy cơ bị tái phát triệu chứng, đặc biệt là vào thời gian ngủ. Do vậy, đó chưa phải là nồng độ tối ưu và dù được phê duyệt chỉ cần nhỏ 1 lần /ngày, sản phẩm này thực sự vẫn cần phải nhỏ 2 lần/ngày để duy trì tác dụng ngăn ngừa tốt nhất trong vòng 24 giờ. (thông tin tham khảo tại https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5010431/ ). Trong bài báo cáo này, nồng độ hoạt chất olopatadine HCl 0.77% (Pataday 0.77%) mới là nồng độ có thể duy trì tác dụng qua 24 tiếng. Điều đáng tiếc là nồng độ mới này vẫn đang chờ được phê duyệt ở Mỹ nên cho đến khi đó, quan điểm dùng Pataday 0.2% với liều 1 lần/ngày có lẽ sẽ không còn chính xác nữa. Khi đã phải dùng với liều 2 lần/ngày thì bệnh nhân ở Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn khác là biệt dược Relestat® với giá rẻ hơn gần một nửa và cùng số lần tra là 2 lần/ngày.

+ Số lần tra tối thiểu trong ngày không chỉ giúp cho bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt nhất mà còn làm giảm lượng chất bảo quản bị tích lũy vì phải sử dụng kéo dài. Tuy các loại chất bảo quản đã được nâng cấp để giảm độc tính để mức thấp nhất, nguy cơ khô mắt vẫn hiện hữu. Các bệnh nhân được khuyên là sử dụng thêm các “nước mắt nhân tạo” để giảm những tổn thương bề mặt nhãn cầu do quá trình viêm và khô mắt thứ phát gây ra. Khi đó, các loại không có chất bảo quản và có tác dụng làm lành tế bào biểu mô – kết giác mạc nên được lựa chọn đầu tay.

– Xin nhắc lại, bệnh viêm kết mạc dị ứng có nhiều thể bệnh với các triệu chứng thể hiện ở mức độ nhẹ đến rất nặng, thậm chí ảnh hưởng đến cả thị lực của bệnh nhân. Khi xuất hiện các triệu chứng, lời khuyên tốt nhất vẫn là bệnh nhân nên đi khám bác sỹ để đánh giá tình trạng viêm lúc đó ở mức nào và từ đó sẽ đưa ra lựa chọn thuốc tốt nhất. Bệnh nhân không nên thấy đơn thuốc sau giống đơn trước rồi bỏ qua việc thăm khám và tự ý mua thuốc vì rất có thể các triệu chứng đã tiến triển nặng hơn so với lần trước mà chỉ có bác sỹ mới phát hiện ra được bằng kính sinh hiển vi. Cuối cùng, dù triệu chứng đã khỏi sau khi dùng thuốc, bệnh nhân vẫn nên chú ý đến các thời điểm mình hay bị bệnh để tiếp tục duy trì sử dụng thuốc như phân tích ở trên để ngăn ngừa triệu chứng tái phát.

Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội có bán các thuốc chống dị ứng:

+ Alegysal® 5ml (Lọ chứa pemirolast 0.1%) của hãng Santen, sản xuất tại Nhật với tác dụng ổn định tế bào mast. Giá bán: 82.000đ.

+ Relestat® 5ml (Lọ chứa epinastine 0.05%) của hãng Allergan, sản xuất tại Ireland với đa tác dụng chống dị ứng. Giá bán: 80.000đ.

+ Lotemax® 5ml (Lọ chứa loteprednol 0.5%) của hãng Bausch&Lomb, sản xuất tại Mỹ với tác dụng chống viêm corticoid. Giá bán: 230.000đ.

+ Restasis® (Hộp 30 ống 0.3ml chứa cyclosporine A 0.05%) của hãng Allergan, sản xuất tại Ireland với tác dụng ức chế miễn dịch. Giá bán: 575.000đ.

+ Pataday® 2.5ml (Lọ chứa olopatadine 0.2%) của hãng Alcon-Novartis, sản xuất tại Mỹ với đa tác dụng chống dị ứng. Giá bán: 137.000đ.

Cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

lovemama.vn/hoi-dap