Bài viết sẽ trích lược một số phần quan trọng trong tổng quan từ bài báo ở link dưới này giúp quý khách hiểu hơn về điều trị bệnh khô mắt KHÔNG chỉ đơn thuần là “CHỈ CẦN NƯỚC MẮT NHÂN TẠO LÀ ĐỦ!”
(https://dryeyedirectory.com/dry-eye-treatment/)
Theo Hiệp Hội Màng Phim Nước Mắt và Bề Mặt Nhãn Cầu (TFOS), định nghĩa mới nhất năm 2017 về bệnh khô mắt được diễn giải như sau: “Dry eye is a multifactorial disease of the ocular surface characterized by a loss of homeostasis of the tear film, and accompanied by ocular symptoms… “
Có nghĩa là “Khô mắt là bệnh lý bề mặt nhãn cầu do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc trưng bởi tình trạng mất cân bằng áp suất thẩm thấu màng phim nước mắt, đi kèm với các triệu chứng tổn thương bề mặt nhãn cầu…”
– Định nghĩa trên chính là tiền đề để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp bằng thuốc / can thiệp cơ học / phẫu thuật, đối với từng cá thể người bệnh.
A. Nguyên nhân gây ra bệnh khô mắt?
** Có hai nguyên nhân chính:
+ Tăng bốc hơi nước mắt gây ra bởi sự thiếu hụt lớp dầu (Bệnh khô mắt do bốc hơi hoặc rối loạn chức năng tuyến Meibomius)
+ Giảm dung tích nước mắt được sản xuất ra bởi các tuyến (Bệnh khô mắt do thiếu nước).
** Như đã nêu trong định nghĩa, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng trên như:
+ Không chớp mắt thường xuyên: do cần tập trung làm một việc gì đó như xem các thiết bị điện tử, làm báo cáo chi tiết
+ Độ tuổi: chất lượng và dung tích nước mắt giảm theo tuổi. Khô mắt bắt đầu phổ biến ở lứa tuổi từ 55 trở lên.
+ Giới tính: Do sự thay đổi hormone, mang thai, sử dụng các thuốc tránh thai và điều kinh, phụ nữ có tỉ lệ cao hơn mắc khô mắt.
+ Do hóa chất trong các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm: phụ nữ thường xuyên sử dụng mascara dễ mắc các bệnh về bờ mi và khô mắt
+ Các vấn đề về mí mắt: mí mắt không được khép chặt (bẩm sinh hoặc do phẫu thuật tạo hình mi) sẽ khiến phim nước mắt nhanh bị bốc hơi.
+ Sử dụng thuốc điều trị bệnh khác: một số loại thuốc như hạ huyết áp, chống trầm cảm, thuốc ngủ, chống đau thắt ngực, thuốc trị mụn chứa Retinol, thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone, thuốc chống dị ứng, cảm cúm và bệnh Parkinson có thể làm giảm sản xuất nước mắt.
+ Điều kiện sức khỏe: Các bệnh tự miễn như viêm đa khớp dạng thấp, bệnh Sjogren, xơ cứng bì, bệnh Lupus ban đỏ, bệnh tuyến Giáp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tuyến tham gia vào việc sản xuất nước mắt, gây mất cân bằng giữa các lớp có trong nước mắt: lớp nhầy, lớp dầu và lớp nước. Thiếu hụt vitamin A cũng gây giảm sản xuất nước mắt.
+ Môi trường trong nhà và ngoài trời: nơi có khí hậu khô, gió, khói, ô nhiễm khí thải hoặc môi trường cần sử dụng điều hòa như bệnh viện, máy bay, công sở sẽ khiến màng phim nước mắt nhanh bị khô.
+ Lối sống: kính áp tròng thường gây kích thích bề mặt nhãn cầu, gây ra khô mắt nếu thường xuyên sử dụng. Các thói quen như hút thuốc, sử dụng rượu, bia và đặc biệt là thiếu ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến tình trạng khô mắt.
+ Chất bảo quản trong dung dịch nhỏ mắt: benzalkonium clorid chính là một thành phần chất bảo quản phổ biến có trong nhiều loại dạng lọ nhỏ mắt gây ra tổn thương bề mặt nhãn cầu khi dùng kéo dài. Điều này diễn giải một nghịch lý: càng dùng lọ thuốc chống khô mắt có chất bảo quản thì lại càng khô mắt nặng hơn.
B. Khô mắt được chẩn đoán như nào?
** Việc chẩn đoán bệnh khô mắt thì rất đơn giản nhưng để xác định nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh thì cần có sự trao đổi kỹ giữa bệnh nhân và bác sỹ về tình trạng sức khỏe, lối sống. Tiếp đó, các bác sỹ sẽ dựa trên các loại test, máy móc có sẵn ở cơ sở, và quan trọng nhất là xác định hình thái vỡ phim nước mắt (06 hình thái) để đưa ra mức độ khô mắt (thoáng qua, nhẹ, trung bình và nặng) cũng như nước mắt bị thiếu hụt ở lớp nào (nhầy, nước hay dầu).
** Ở đây có một vấn đề là vì phần đông các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với nước mắt nhân tạo đơn thuần nên khâu kiểm tra kỹ thường bị bỏ qua. Lời khuyên là bạn nên tìm các bác sỹ mắt chuyên sâu về khu vực kết mạc – giác mạc.
C. Tự chăm sóc để ngăn ngừa khô mắt
C.1 Chớp mắt thường xuyên hơn:
+ nguyên tắc 20-20-20 (mỗi 20 phút nhìn điện thoại, máy tính rồi nghỉ cho mắt nhìn xa một vật bất kỳ 20 giây ở khoảng cách 20 feet (tức 6m trở lên))
C.2 Chườm ấm
+ Sử dụng các phương pháp chườm ấm mắt vào thời gian nghỉ ngơi (đặc biệt hữu ích khi nghỉ trưa đối với người làm văn phòng)
+ Luộc trứng bỏ vào khăn, cho miếng gel đắp mắt vào lò vi sóng, sử dụng sản phẩm băng bịt mắt như Eyegiene, Gocozy ….
+ loại bỏ trang điểm mắt một cách kỹ lưỡng bằng các miếng chuyên biệt vệ sinh mi như Ocusoft, Blefavis, TTO… , kiểm tra kỹ thành phần có trong bộ trang điểm. [Trong bài viết gốc có link chi tiết thành phần cần chú ý]
C.3 Ngăn ngừa khô mắt vào ban đêm:
+ Sử dụng mặt nạ mắt silicon nếu mí mặt không khép hoàn toàn.
C.4 Sử dụng kính chống khô mắt và các biện pháp tạo ẩm:
+ Kính chống khô mắt có cấu tạo thêm các miếng chắn bao quanh hốc mắt, ngăn chặn gió, hơi nóng, gió lạnh, bụi bẩn tia tử ngoại UV A và UV B. Từ đó giảm quá trình bốc hơi nước mắt.
+ Sử dụng máy tạo độ ẩm tại nhà hoặc nơi làm việc
C.5 Không đeo kính áp tròng quá lâu
+ Luôn vệ sinh sạch sẽ tay và kính mỗi lần đeo. Tuyệt đối không bao giờ được quên tháo ra trước khi đi ngủ trừ loại kính áp tròng ban đêm Ortho K để điều chỉnh tật khúc xạ.
C.6 Giảm hút thuốc lá
+ Tác hại của chất độc trong khói thuốc lá khi thở ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mắt của bạn.
D. Chế độ ăn và thực phẩm bổ sung ngăn ngừa bệnh khô mắt:
D.1 Nước:
+ Bổ sung đủ lượng nước hàng ngày tối thiểu 2 Lít nước để duy trì cân bằng ẩm không chỉ cho mắt mà còn tốt cho da, thận, dạ dày.
D.2 Chất béo Omega-3:
+ Để đảm bảo cho tuyến Meibomius tiết đủ lượng dầu để ngăn không nước mắt bốc hơi quá nhanh. Các loại thực phẩm như cá, rau xanh, dầu thực vật, đâu tương, các loại hạt giàu Omega-3. Bạn cũng có thể bổ sung bằng thực phẩm chức năng chứa Omega-3 với tỉ lệ DHA/EPA tối thiểu 4:1 sẽ có tác dụng chuyên biệt hơn đối với mắt.
D.3 Vitamin D:
+ Những người làm việc thường xuyên trong nhà sẽ khó có đủ lượng Vitamin D cần thiết. Không chỉ ảnh hưởng đến xương, một số nghiên cứu mới chỉ ra, việc bổ sung Vitamin D (cholecalciferol) có thể làm tăng hiệu quả của nước mắt nhân tạo đối với mắt.
D.4 Vitamin A:
+ Giúp bảo vệ bề mặt mắt. Thiếu hụt Vitamin A có thể gây khô mắt nghiêm trọng. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, sữa công thức, các loại quả màu cam, vàng, rau xanh. Và thuốc nhỏ mắt có chứa Vitamin A cũng hiệu quả cao đối với bệnh khô mắt.
D.5 Kẽm:
– Đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mắt. Đây là một chất khoáng giúp vận chuyển vitamin A từ gan đến võng mạc và sản xuất melanin, một sắc tố giúp bảo vệ mắt. Các sản phẩm từ sữa, bột nguyên cám, các loại hạt, một số loại cây và thịt là những nguồn cung cấp kẽm dồi dào.
D.6 Lutein và Zeaxanthin:
– Là những chất chống oxy hóa giúp cho các tế bào ở mắt khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Bảo vệ mắt khỏi rất nhiều bệnh mạn tính trong đó có khô mắt. Các thực phẩm giàu chất chống oxy này bao gồm rau spina, cải xoăn, rau diếp và cải cầu vồng. Sản phẩm bổ sung Lutein và Zeaxanthin cũng là một sự lựa chọn khác. 10mg Lutein và 2mg Zeaxanthin mỗi ngày được coi là liều quy chuẩn để duy trì hàng ngày.
D.7 Hệ vi sinh vật ở ruột:
– Việc hấp thụ Omega-3 có thể bị ảnh hưởng lớn nếu hệ vi sinh vật có lợi ở ruột bị suy giảm do các bệnh lý rối loạn đường tiêu hóa. Việc bổ sung các sản phẩm giúp cân bằng lại hệ vi sinh vật này sẽ giúp tối ưu hóa việc hấp thụ Omega-3 cũng như nhiều dưỡng chất quan trọng khác.
E. Điều trị bằng thuốc đối với bệnh khô mắt:
Phần này sẽ có nhiều sản phẩm nhỏ mắt KHÔNG CÓ ở thị trường Việt Nam.
E.1 Thuốc nhỏ mắt chứa mật ong Manuka (KHÔNG CÓ):
– Sản phẩm không chỉ giúp bôi trơn mắt mà còn là một chất kháng sinh, kháng viêm tự nhiên. Mặc dù khi mới nhỏ sẽ có cảm giác châm chích, mất vài phút sẽ cảm thấy dễ chịu. Sản phẩm này có bán ở thị trường Anh và Úc với tên thương mại là Optimel Drops.
E.2 Sản phẩm vệ sinh bờ mi:
– Giúp giảm tình trạng viêm bờ mi nhờ việc loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn bám ở bờ mi. Thời gian sử dụng hiệu quả nhất là trước khi ngủ.
– Ở thị trường Việt Nam có sẵn: Blefavis, Ocusoft Plus Pad, và TTO
E.3 Phương pháp Nulids bởi Nusight Medical:
– Là hướng dẫn làm sạch mí mắt và cách mát xa các tuyến, áp dụng tại nhà.
E.4 Nước mắt nhân tạo:
– đây là phương pháp phổ biến nhất và dễ dàng tiếp cận nhất đối với bệnh khô mắt. Giúp bôi trơn mắt, loại bỏ kích ứng, khô rát và viêm. Việc bổ sung nước mắt nhân tạo để giảm tạm thời các triệu chứng chứ không điều trị nguyên nhân ra bệnh.
– Ưu tiên tìm các loại không có chất bảo quản, đặc biệt khi bạn phải dùng nhiều loại nhỏ mắt kéo dài hoặc phải sử dụng nước mắt nhân tạo hơn 4 lần / ngày.
– Thị trường Việt Nam hiện có sẵn rất rất nhiều loại không chất bảo quản cả dạng lọ và dạng tép.
+ Dạng tép phổ biến hiện nay như Ialuvit, Oftaial Plus, Vismed, Systane Ultra UD, Optive UD, Clinitas UD, Clinitas Soothe, Cationorm, Lipitear, Hyaluron, Gilan Comfort, Taurine solopharm, Laci-eye, Avizor Ocu Dry …
+ Dạng lọ không chất bảo quản: Hydrelo Dual Action, Hylo Gel, Optavid
+ Mới nhất về Việt Nam tháng 7/2021 có hai loại dạng lọ không chất bảo quản là
= HYCOB (Natri hyaluronat 0.12%, Vitamin B12 0.01%, HPMC 0.2% và chiết xuất cây hương thảo) và HYE (Natri hyaluronat 0.4%),
= dạng tép không chất bảo quản là HYE Mono (Natri hyaluronat 0.4%).
Đều xuất xứ từ nhà máy sản xuất thuốc nhỏ mắt lớn nhất châu Âu – Farmigea
E.5 Các thuốc nhỏ mắt cần kê đơn:
– đối với các trường hợp khô mắt trung bình và nặng, tình trạng viêm, đau rát ở mắt luôn thường trực nên sẽ phải sử dụng các thuốc cần kê đơn như thuốc ức chế miễn dịch chứa Cyclosporin A (Restasis có sẵn và Ikervis, Xiidra không có sẵn) hoặc các chất kháng viêm corticoid như Flumetholon 0.1%, FML, Flarex hoặc Maxidex được sử dụng ngắn ngày.
– Không giống như nước mắt nhân tạo, các loại thuốc này CẦN PHẢI CÓ ĐƠN KÊ CỦA BÁC SỸ!
E.6 Mỡ, gel tra mắt
– Nếu bạn thấy đau rát mắt khi thức dậy, nguyên nhân có thể do tình trạng mí mắt không được khép chặt hoặc bệnh bong biểu mô giác mạc tái diễn. Việc điều trị bằng các loại gel tra mắt chứa Carbomer như Liposic Gel, Clinitas Gel, mới nhất là Eyegel và Farvis Gel sẽ giúp cải thiện tình trạng khô mắt vào ban đêm.
– Ngoài ra đối với các trường hợp nặng hoặc bỏng giác mạc thì việc sử dụng dạng mỡ tra mắt chứa vitamin A thường sẽ là đầu tay duy trì. Phổ biến nhất là VitA Pos và mới nhất là HydraMed Night của Ý cũng chứa Vitamin A 250IU/g
E.7 Các miếng đặt giải phóng Hydroxypropyl cellulose (KHÔNG CÓ)
– Hoạt động tương tự như nước mắt nhân tạo nhưng cách sử dụng thì khác hoàn toàn. Miếng đặt ở giữa phần mí dưới và nhãn cầu, giải phóng từ từ và cung cấp các chất bôi trơn nhân tạo cho mắt. Phương pháp này sẽ hiệu quả duy trì lâu hơn so với dạng nhỏ.
E.8 Các thuốc kháng cholinergic (CÓ nhưng không an toàn)
– Kích thích tiết nước mắt nhưng vì quá nhiều tác dụng phụ toàn thân nên hạn chế việc sử dụng.
E.9 Dung dịch huyết thanh tự thân (Có áp dụng ở việt nam)
– Thuốc nhỏ mắt làm từ máu của chính mình? Nghe thì rất ghê sợ nhưng đây là một sự lựa chọn thông thường khi toàn bộ các loại thuốc nhỏ mắt khác đều không đáp ứng. Máu của bạn được tách lấy phần huyết thanh và trộn với dung dịch muối vô trùng, đáp ứng hiệu quả cao với một số ca khô mắt đặc biệt. Vì thành phần của huyết thanh chứa nhiều thành phần tương đồng với nước mắt tự nhiên nên có độ tương thích cao. Vấn đề lớn là Tốn nhiều thời gian, bảo quản khó và tốn Máu!
E.10 Liệu pháp thay thế hormone
– Nếu nguyên nhân gây khô mắt là do mãn kinh thì liệu pháp thay thế hormone sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng này.
E.11 Các thuốc kích thích tuyến lệ mũi (KHÔNG CÓ)
– Một thiết bị tên là iTear100 được sử dụng để kích thích thần kinh ở phía mũi bằng xung điện nhẹ, giúp tăng tiết nước mắt tự nhiên với đầy đủ thành phần. Sử dụng ngày 3 lần và hiện đang được nghiên cứu thêm về hiệu quả.
[THUỐC hay PHƯƠNG PHÁP NÀO THÌ CŨNG NÊN CÓ SỰ TƯ VẤN THEO DÕI ĐIỀU TRỊ CỦA BÁC SỸ]F. Can thiệp thủ thuật
Nếu nước mắt nhân tạo và các thuốc kê đơn đều không hiệu quả, việc sử dụng thủ thuật có thể sẽ phải cân nhắc để điều trị khô mắt. Việc điều trị sẽ cá thể hóa phụ thuộc vào nguyên nhân khô mắt và phải định kỳ theo dõi sau khi can thiệp.
F.1 Mở rộng tuyến Meibomian:
– giúp khai thông sự bít tắc tuyến Meibomius. Các tuyến ở mí mắt sẽ được làm ấm với kính đặc biệt như Blephasteam. Sau đó, các bác sỹ có thể nhẹ nhàng loại bỏ bít tắc nếu có ở các tuyến. Lipiflow là một loại thiết bị làm nóng và mở rộng tự động có thể được sử dụng ở công sở.
F.2 Liệu pháp Intense Pulsed Light (IPL):
– sử dụng ánh sáng hồng ngoại để làm lỏng hóa các chất dầu cứng và bít tắc ở tuyến Meibomius. Phương pháp IPL này giúp giảm viêm ở da mặt và quanh mí mắt và từ đó cải thiện tình trạng của tuyến Meibomius. Và phương pháp này thường làm sau khi đã thực hiện “mở rộng tuyến Meibomius”.
F.3 Nút điểm lệ:
– là một thủ thuật đóng vĩnh viễn hoặc tạm thời dòng chảy nước mắt, cho phép mắt giữ lại nước mắt lâu hơn trước khi bị bốc hơi. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ kéo theo tình trạng dễ viêm nhiễm ở mắt nên các bác sỹ cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ với bệnh nhân.
F.4 Kính áp tròng củng mạc:
– là một loại kính áp tròng đặc biệt giúp giữ ẩm cho mắt. Khoảng cách giữa giác mạc và kính bề mặt của kính củng mạc tạo thành nơi trữ nước, giúp duy trì độ ẩm. Loại kính này cũng là một trong những phương pháp thông thường cho các trường hợp khô mắt nặng. Một tiết lộ vui là Tom Cruise đã sử dụng loại kính áp tròng này trong phim “Nhiệm Vụ Bất Khả Thi – Báu Vật Quốc Gia” để giữ cho mắt mở khi đang bám vào cánh máy bay.
F.5 Màng ối:
– sử dụng như miếng băng trên bề mặt mắt. Màng ối rất giàu các chất kháng viêm và hormone tăng trưởng. Màng ối được cấy vào mắt, tương tự như kính áp tròng là giúp thúc đẩy quá trình hồi phục nhãn cầu. Sản phẩm nhỏ mắt có tên thương mại là Prokera được xây dựng với các thành phần tương tự như màng ối. Loại này có thể giảm đáng kể tình trạng viêm ở bệnh khô mắt và sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi được sử dụng phổ biến trong lâm sàng.
*** Bài viết hơi dài nhưng đầy đủ kiến thức cập nhật để kỉ niệm ngày Hà Nội chuẩn bị mở cửa lại việc tập thể dục thể thao ngoài trời vào 0h00 ngày 28.09.2021. Thông tin về sản phẩm quý khách có thể tại: https://nhathuocmathdhanoi.com/cua-hang/
Mong Quý khách luôn giữ gìn sức khỏe và tiến tới sống chung an toàn cùng Covid-19.
Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người!
Thạc sỹ Dược Sỹ Trần Hải Đông