– Các thuốc chống tăng sinh tế bào nội mô mạch máu (anti-VEGF) được sử dụng như một “vũ khí lợi hại” để điều trị nhiều bệnh liên quan đến võng mạc những biến chứng cấp tính nguy hiểm – viêm nội nhãn do vi khuẩn sau khi tiêm dù hiếm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn. Vô số các nghiên cứu đã đánh giá những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng viêm nội nhãn sau tiêm. Trong đó, việc đeo khẩu trang được cho là không những giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus COVID-19 qua giọt bắn từ hơi thở mà còn có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng nội nhãn sau tiêm.
– Cụ thể, một số nghiên cứu cho rằng việc đeo khẩu trang bởi các bác sỹ trong quá trình tiêm nội nhãn có thể giảm nguy cơ phát tán vi khuẩn thông qua việc nói chuyện với bệnh nhân. Mặt khác, một nghiên cứu trên 483.622 mũi tiêm nội nhãn đã phát hiện ra việc đeo khẩu trang của các bác sỹ không ảnh hưởng đến tỉ lệ chung bị viêm nội nhãn sau tiêm so với phương pháp “KHÔNG NÓI CHUYỆN” mặc dù việc đeo khẩu trang có thể làm giảm viêm nội nhãn do các vi khuẩn cư trú ở khoang miệng gây ra. Đến nay vẫn không rõ là chỉ bệnh nhân đeo khẩu trang hay cả nhân viên y tế và bệnh nhân cùng đeo khẩu trang thì có thể thay đổi nguy cơ bị viêm nội nhãn sau tiêm.
– Gần đây, một vài nghiên cứu đã gợi ý rằng việc bệnh nhân đeo khẩu trang trong khi tiêm nội nhãn có thể hướng sự phát tán vi khuẩn và dòng khí từ hơi thở về phía mắt – điều mà có thể làm tăng nguy cơ bị viêm nội nhãn sau tiêm. Một nghiên cứu hồi cứu mới đây của nhóm tác giả Samir N.Patel và cộng sự được đăng trên trang sciencedirect.com ngày 18 tháng 5 năm 2021 đã có kết quả như sau:
+ Trong số 505.968 mũi tiêm nội nhãn từ 110.547 mắt được chỉ định từ 1/10/2019 đến 31/7/2020 ở 12 trung tâm trên khắp nước Mỹ, có:
- 85 trong 294.514 (0.0289%; tương đương 1 trong 3464 mũi tiêm) trường hợp được cho là bị viêm nội nhãn ở nhóm “không đeo khẩu trang”
- 45 trong 211.454 (0.0213%; tương đương 1 trong 4.699 mũi tiêm) trường hợp được cho là bị viêm nội nhãn ở nhóm “có đeo khẩu trang”.
- (tuy có sự giảm tỉ lệ bị viêm nội nhãn ở nhóm “có đeo khẩu trang” nhưng sự khác biệt này là không có ý nghĩa thống kê)
- 27 ca (0.0092% tương đương 1 trong 10.908 mũi tiêm) được xác định viêm nội nhãn do vi khuẩn nuôi cấy được ở nhóm “không đeo khẩu trang” [3/27 ca nhiễm vi khuẩn nguồn gốc từ khoang miệng]
- 9 ca (0.004% tương đương 1 trong 23.494 mũi tiêm) được xác định viêm nội nhãn do vi khuẩn nuôi cấy được ở nhóm “có đeo khẩu trang”. [1/9 ca nhiễm vi khuẩn nguồn gốc từ khoang miệng]
- (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê)
– Kết luận của các tác giả cho rằng:
- Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu như các biện pháp khử khuẩn phòng vệ virus corona, loại khẩu trang được sử dụng khác nhau (vải, N95, y tế), có tiêm lặp lại cùng mắt hoặc cùng bệnh nhân hay không, cách đeo khẩu trang có bóp chặt phía sống mũi để ngăn dòng khí thở ra bay lên hay không…
- Việc có đeo khẩu trang hay không của cả nhân viên y tế và bệnh nhân không làm thay đổi đáng kể tỉ lệ viêm nội nhãn cấp tính do vi khuẩn, cũng như việc đeo khẩu trang của bệnh nhân không làm tăng tỉ lệ bị nhiễm khuẩn nội nhãn mặc dù có sự tăng dòng khí thở ra về phía mắt khi đeo khẩu trang.
- Và để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế trong thời gian đại dịch COVID-19, việc đeo khẩu trang đúng cách không bao giờ là thừa.
Tài liệu tham khảo: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0161642021003687
Một sản phẩm khẩu trang: https://nhathuocmathdhanoi.com/san-pham/vat-tu-y-te-chuyen-khoa-khac/
Biên dịch
Ths. Ds. Trần Hải Đông