Một số luận điểm từ hội thảo “Cập nhật về điều trị kiểm soát tăng độ cận thị trẻ em” tổ chức tại Viện Nghiên Cứu và Đào Tạo Thị Giác Hải Yến tháng 1 năm 2020.

(Do ad không có điều kiện tham dự trực tiếp nên thông tin về thuốc được tìm hiểu từ các bài báo cáo của các báo cáo viên. Nếu có điểm chưa chính xác với ý kiến của tác giả thì mọi người có thể góp ý để sửa đổi, bổ sung).

*** Dựa trên phác đồ kiểm soát cận thị trẻ em theo tiêu chuẩn của Viện Cận Thị Quốc Tế (International Myopia Institute), bốn phương pháp được đưa ra bao gồm: sử dụng các loại kính (kính gọng/kính áp tròng); dùng thuốc; kiểm soát thói quen sinh hoạt và can thiệp phẫu thuật.

  1. Về phương pháp dùng thuốc:

+ Nhỏ mắt hoạt chất Atropin sulfat được nghiên cứu hơn mười năm và chứng minh được hiệu quả nhưng nồng độ nào và tần suất sử dụng như nào để tối ưu hiệu quả thì đến nay vẫn chưa được thống nhất. Giáo sư Donald Tan năm 2015 đã nghiên cứu theo nhiều nồng độ và chỉ ra nồng độ 0.01% có thể coi là tối ưu nhất (hạn chế những bất tiện do tác dụng phụ như nhìn gần mờ, giảm hiện tượng bật lại sau khi ngừng thuốc, ít độc tính toàn thân nhất mà vẫn kiểm soát tốt mức độ tăng độ cận thị). Nhưng một số tác giả khác đã thử nghiệm với các nồng độ cao hơn một chút như 0.02%; 0.03%; 0.05% và cho thấy mức độ kiểm soát độ tăng cận thị và tác dụng phụ có vẻ như tuyến tính theo nồng độ.

+ Điểm đáng chú ý mà các tác giả này đưa ra để giải quyết vấn đề khó khăn khi nhìn gần do giãn đồng tử là sử dụng KÍNH GỌNG ĐA TIÊU CỰ (nhìn xa + gần hoặc nhìn xa + gần + trung gian) thay vì chỉ sử dụng kính gọng đơn tiệu cự (chỉ nhìn xa) cho trẻ. Nếu áp dụng đúng phương pháp này, việc sử dụng thuốc ở nồng độ cao hơn sẽ không gây ra bất tiện cho trẻ (dễ khiến việc điều trị thất bại do phải ngưng thuốc) mà lại tăng đáng kể mức độ kiểm soát được cận thị. Trước đây, người ta cho rằng trẻ không cần kính gọng đa tròng nhờ vào khả năng điều tiết cực lớn của trẻ, nhưng rõ ràng khi việc điều tiết bị giảm đi do tác dụng của thuốc thì việc dùng kính gọng hai tròng hoặc đa tròng sẽ trở nên hữu ích cho trẻ trong sinh hoạt và học tập.

+ Một lựa chọn khác về thuốc là bổ sung 7-methylxanthine đường uống nhưng phương pháp này kém hiệu quả và có ít cơ sở dữ liệu chứng minh (tài liệu chủ yếu được nghiên cứu ở Đan Mạch). Khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ trong tự nhiên của các dẫn chất xanthine như Astaxanthine, Zeaxanthine… không phải bàn cãi nhưng khi sử dụng trên người, có rất ít các nghiên cứu uy tín chứng minh được tác dụng trong việc làm chậm quá trình thoái hóa hoàng điểm cũng như các vấn đề liên quan đến mắt như cận thị, lão thị, mỏi điều tiết…

  1. Về phương pháp sử dụng các loại kính:

+ Kỉ nguyên công nghệ đã mở đường cho một loạt các thay đổi trong cách sản xuất kính gọng, kính áp tròng. Việc sử dụng kính gọng đa tròng (đa tiêu cự) thay đổi không chỉ dành cho đối tượng người trung tuổi (khả năng nhìn gần bị giảm) mà còn được khuyến cáo sử dụng ở trẻ bị tật khúc xạ đặc biệt là cận thị. Các nhà sản xuất mắt kính lớn như Carlzeiss – Đức , Hoya – Nhật, Bausch & Lomb – Mỹ… lý giải tác dụng giảm tăng độ cận thị khi sử dụng kính gọng đa tròng hay kính áp tròng đa tròng nhờ vào việc giảm tần suất hoạt động của thủy tinh thể khi trẻ điều tiết mắt để nhìn gần, giúp trẻ giảm nguy cơ bị mỏi mắt do điều tiết quá mức. Việc sử dụng loại kính này càng trở nên hợp lý hơn khi kết hợp nhỏ mắt thuốc atropine – một thuốc ức chế khả năng điều tiết.

+ Sử dụng kính áp tròng đeo ban đêm Ortho-K đến nay vẫn được chứng minh là có hiệu quả cao nhất để kiểm soát cận thị trẻ em. Vì các lý do như tăng nguy cơ viêm nhiễm bề mặt nhãn cầu nếu không vệ sinh kính cẩn thận; chi phí bỏ ra ban đầu lớn; phải sử dụng hàng ngày, việc sử dụng loại kính này ở nước ta khá kén chọn bệnh nhân. Mặc dù vậy, Viện Cận Thị Quốc Tế khuyến cáo hiệu quả kiểm soát cận thị sẽ tối đa nhất nếu kết hợp được phương pháp này với nhỏ mắt thuốc atropin.

  1. Về thói quen sinh hoạt:

+ Các tác giả đều đồng thuận rằng việc tăng thời gian sinh hoạt ngoài không gian rộng và sử dụng ánh sáng tự nhiên (ít nhất 80 -120 phút mỗi ngày) sẽ có hiệu quả tích cực trong giảm tỉ lệ việc phát sinh (tới 50%) các trường hợp bị cận thị mới nhưng đối với việc kiểm soát tăng độ cận thị thì có vẻ như không thực sự rõ ràng.

  1. Về can thiệp phẫu thuật:

+ Việc can thiệp phẫu thuật sớm ở trẻ nhỏ chủ yếu chỉ dành cho các đối tượng bị cận thị bệnh lý nên các phương pháp này có ít sự lựa chọn và không được sử dụng rộng rãi.

*** Cuối cùng là thông tin về thuốc atropin sulfat nhỏ mắt ở Việt Nam và các sản phẩm chứa dẫn chất xanthine.

– Tính đến thời điểm hiện tại, trên thị trường vẫn chỉ có duy nhất sản phẩm đăng ký dưới dạng vật tư y tế – Mytropine (chứa atropine 0.01%) của Indiana Ophthalmics- Ấn Độ được cấp phép lưu hành. Sản phẩm đăng ký dưới dạng thuốc – Atropine 0.01% dạng tép của AIM – Đài Loan thì đến nay vẫn chưa được cấp phép.

– Các sản phẩm có chứa dẫn chất xanthine có vô vàn, cả nhập khẩu và sản xuất trong nước, chủ yếu đăng ký dưới dạng thực phẩm chức năng. Do vậy khi lựa chọn sản phẩm, bạn nên nhìn kỹ nhãn mác xem có số đăng ký lưu hành ở Việt Nam hay không. Hàng xách tay cũng có rất nhiều sản phẩm tốt nhưng hãy cẩn thận vì không có ai chứng thực được nguồn gốc, thậm chí cả người bán cũng không biết chắc chắn có phải hàng xịn hay không vì có thể họ cũng nhập lại từ các trung gian khác.

Nhà Thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán sản phẩm chứa hoạt chất Atropin 0.01% và một số loại thực phẩm bổ sung dẫn chất xanthine.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

lovemama.vn/hoi-dap