“Thuật ngữ Glaucoma có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, có nghĩa là tông màu đám mây hoặc tông màu giữa xanh lá và xanh da trời, thường để mô tả một người bị phù giác mạc hoặc người bị đục thủy tinh thể tiến triển nhanh, mà nguyên nhân được gây ra bởi việc tăng áp suất trong mắt kéo dài.”
Nguyên văn là “The word glaucoma came from ancient Greek, meaning clouded or blue-green hue, most likely describing a person with a swollen cornea or who was rapidly developing a cataract, both of which may be caused by chronic (long-term) elevated pressure inside the eye.” (https://www.glaucoma.org.au/media/1281/history-of-the-word-glaucoma.pdf)
– Nếu các bạn nghĩ bệnh tăng áp lực trong mắt (tên chuyên môn là bệnh Glaucoma) ít gặp trong đời sống thường ngày thì bạn đã nhầm vì đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa vĩnh viễn trên thế giới, có những báo cáo cho thấy bệnh này chỉ đứng thứ 2 xếp sau bệnh đục thủy tinh thể. Trước đây, các chuyên gia hay gọi bệnh Glaucoma này là bệnh tăng nhãn áp nhưng thực tế cũng có nhiều người bị bệnh Glaucoma mà nhãn áp lại bình thường hoặc nhãn áp tăng nhưng không có biểu hiện đau nhức mắt. Chính vì lý do này, họ thường không biết mình bị cho đến khi bắt đầu xuất hiện tổn thương trên thị trường (hình ảnh bệnh nhân nhìn thấy bị thu hẹp dần hoặc khuyết góc) và tổn thương thần kinh thị giác. Sự tổn thương đó sẽ khiến bệnh nhân dần dần mất thị lực rồi cuối cùng là mù vĩnh viễn nên triết lý điều trị của các bác sỹ nhãn khoa luôn là “Giúp cho bệnh nhân không bị mù trước khi họ chết”.
– Việc đầu tiên cần làm là nếu gia đình bạn có ai có tiền sử bị bệnh Glaucoma thì bạn nên đến cơ sở khám chuyên khoa mắt để tầm soát xem mình có đang bị hay không. Tại viện ad, tỉ lệ người Nhật bị glaucoma chiếm khá cao trong số những người Nhật đến thăm khám. Không có cơ sở để nói người Nhật bị bệnh này nhiều hơn chúng ta mà ad chỉ thấy một điều là họ chịu khó đi tầm soát bệnh tốt hơn chúng ta, điều này có thể được lý giải bởi áp lực làm việc của họ (luôn hơn 10 tiếng/ngày) và thời lượng lớn làm việc vào ban đêm khiến họ có nguy cơ cao mắc phải bệnh này. Còn các bệnh nhân Việt Nam khi đến thì thường đã có nhiều tổn thương trên thị trường và thần kinh thị giác nên phải dùng kết hợp nhiều loại hạ nhãn áp cùng lúc, thậm chí phải can thiệp phẫu thuật thì mới hạ nhãn áp được.
– Cũng giống như bệnh tăng huyết áp (tăng áp lực trong máu), mục đích điều trị là phải đưa nhãn áp về giới hạn bình thường. Theo số liệu trung bình lấy từ các nghiên cứu lớn của bác sỹ Hoh Sek Tien người Singapore, cứ giảm được 1mmHg áp suất trong mắt (IOP-intra ocular pressure) đồng nghĩa với việc giảm được 12% nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn. Liệu pháp sử dụng thuốc nhỏ mắt để duy trì nhãn áp ổn định đủ trong 24 giờ đã được các bác sỹ quan tâm từ những năm 1870, nhưng phải đến năm 1996 họ mới tìm ra hoạt chất đầu tiên có khả năng đó. Hoạt chất đó có tên là Latanoprost, một dẫn chất của prostaglandin (tên chung chỉ một nhóm các chất trung gian hóa học gây ra phản ứng viêm có sẵn trong cơ thể), có ái lực cao với thụ thể prostaglandin FP, làm giảm áp suất nội nhãn bằng cách tăng thoát thủy dịch qua bồ đào củng mạc và bè củng mạc. Đến năm 2001, hai hoạt chất cùng nhóm là Bimatoprost và Travoprost được ra mắt, mãi đến năm 2014 mới có hoạt chất thứ 4 trong nhóm này là Tafluprost.
– Sử dụng nhóm prostagladin để điều trị bệnh Glaucoma góc mở được coi là sự lựa chọn đầu tay của nhiều Hiệp Hội Nhãn Khoa uy tín. Lý do được giải thích như sau:
+ Tác dụng hạ nhãn áp cao nhất trong tất cả các nhóm thuốc hạ nhãn áp: 25-35%, so với 20-25% của nhóm chẹn beta giao cảm, 21-25% của nhóm kích thích alpha 2 giao cảm, và 17-20% của nhóm ức chế kênh calci.
+ Tác dụng duy trì đủ cho 24 giờ khiến bệnh nhân tuân thủ điều trị, tránh việc quên dùng thuốc.
+ Nhãn áp có thể thay đổi khác nhau giữa ban ngày và ban đêm nên một số thuốc chỉ tác dụng vào những thời điểm nhất định trong khi nhóm prostaglandin có thể duy trì ổn định bất kể thời gian nào trong ngày.
+ Mức liều tối thiểu chỉ 1 lần/ngày giúp bệnh nhân hạn chế sự tích lũy chất bảo quản gây độc với bề mặt nhãn cầu.
– Một nghiên cứu phân tích cộng gộp Meta đăng trên tạp chí nhãn khoa năm 2016 cho thấy bimatoprost có tác dụng hạ nhãn áp cao nhất là giảm 5.61 mmHg. Nhưng một số nghiên cứu khác và tại các buổi hội thảo chuyên đề về Glaucoma, nhiều báo cáo viên cho rằng không có sự khác biệt về tác dụng hạ nhãn áp giữa các hoạt chất trong nhóm prostaglandin. (http://glaucomatoday.com/2010/10/no-difference-in-ocular-tolerability-among-bimatoprost-latanoprost-and-travoprost). Họ lý giải rằng nếu muốn so sánh tác dụng làm giảm nhãn áp thì phải lấy cùng một mức nhãn áp ban đầu trên cùng một bệnh nhân nhưng các nghiên cứu lại chọn các mức nhãn áp khác nhau và trên các đối tượng khác nhau. Một chuyên gia người Hungary mà ad từng được nghe chia sẻ: hãng Alcon cho rằng travoprost có thể giảm nhãn áp tới gần 40% tính từ mức 40mmHg còn 24mmHg, cao hơn so với mức khoảng 31% của hoạt chất tafluprost mà hãng Santen công bố nhưng mọi người lại không để ý là bên Santen lấy mức nhãn áp ban đầu là 35mmHg, vẫn giảm về cùng mức 24mmHg. Chính vì thế, việc đổi từ hoạt chất này sang hoạt chất khác trong cùng nhóm prostaglandin không mang lại lợi ích giảm nhãn áp hơn nữa, nếu cần tăng cường tác dụng thì nên phối hợp thêm với hoạt chất ở nhóm khác.
– Nếu không có tác dụng phụ thì đây có thể là sự lựa chọn đầu tay hoàn hảo mà không phải suy nghĩ nhiều nhưng thuốc càng “ngon” thì càng phải để ý tác dụng phụ. Ad đã từng liệt kê một số tác dụng phụ trong các bài viết về hoạt chất bimatoprost với tên thương mại nổi tiếng Lumigan®. Các tác dụng phụ chung của nhóm này bao gồm: thay đổi màu mống mắt, thâm quầng da mi, tăng phát triển lông mi, sụp mí, cảm giác kim châm, đỏ mắt và ngứa (https://www.glaucoma.org/gleams/glaucoma-medications-and-their-side-effects.php).
+ Tác dụng tăng phát triển lông mi (độ dầy, độ đậm, độ dài): bimatoprost có tác dụng mạnh nhất với mỹ phẩm được phê duyệt bởi cơ quan quản lý dược phẩm liên bang Mỹ – FDA là Latisse® của hãng Allergan, người ta cũng hay lấy lọ Lumigan® để bôi chân mi cho hiệu quả tương tự.
+ Tác dụng thay đổi màu mống mắt: có thể là thay đổi vĩnh viễn đối với tất cả hoạt chất trong nhóm này.
+ Tác dụng thâm quầng da mi: sẽ hết dần khi ngưng thuốc.
+ Tác dụng kích ứng gây đỏ mắt và ngứa: ít gặp phải nhất là tafluprost (2.3%), travoprost (22%), latanoprost (25.5%) và cao nhất là bimatoprost (25% với nồng độ 0.01% và tới 45% với nồng độ 0.03%). Chính tác dụng gây đỏ mắt này khiến hãng Allergan phải giảm nồng độ của biệt dược Lumigan từ 0.03% xuống 0.01%. Ngoài ra, việc gây kích ứng khó chịu cả về mặt thể chất lẫn thẩm mỹ này khiến bệnh nhân than phiền với các bác sỹ nhiều nhất.
– Bên cạnh những tác dụng phụ đó, việc lựa chọn nhóm prostaglandin này còn phải kiểm tra xem bệnh nhân đang có tổn thương viêm ở đâu đó bề mặt hay bên trong mắt không. Nếu đang có viêm thì đương nhiên sẽ là chống chỉ định vì bản chất gây ra phản ứng viêm của nhóm này có thể làm nặng hơn tình trạng của bệnh nhân. Một điều cần chú ý khác là nếu bệnh nhân đang dùng thuốc giảm đau chống viêm không corticoid (NSAID) như nepafenac, bromfenac, diclofenac hay indomethacin thì nên chuyển sang nhóm hạ nhãn áp có cơ chế khác như chẹn beta giao giảm, ức chế kênh calci … cho đến khi hết đợt dùng thuốc NSAID vì có thể nhóm NSAID ức chế hình thành prostaglandin để giảm viêm nên có khả năng làm giảm tác dụng của nhóm hạ nhãn áp prosglandin.
– Cuối cùng, dù bạn đang dùng thuốc hạ nhãn áp nào, việc tuân thủ điều trị và thăm khám thường xuyên để đo nhãn áp định kỳ sẽ giúp bạn duy trì thị lực ổn định tốt nhất, đồng thời làm chậm đến giai đoạn phải can thiệp phẫu thuật để điều chỉnh nhãn áp. Hãy chọn cho mình một bác sỹ chuyên khoa Glaucoma để theo dõi và điều trị, tránh mỗi lần khám lại một bác sỹ khác nhau thì nhiều khả năng họ sẽ kê cho bạn một hay nhiều loại thuốc khác nhau, vừa tốn thêm chi phí nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả và gây hoang mang cho bản thân nếu thuốc mới kê lại có tác dụng kém hơn.
Bài viết lấy một số thông tin dựa trên bài báo cáo của các chuyên gia đến từ Singapore, Hungary và Nhật do các hãng thuốc tổ chức, không có link nguồn.
Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán một số sản phẩm chứa hoạt chất prostaglandin dạng đơn độc hoặc phối hợp để hạ nhãn áp:
+ Lumigan® (Lọ 3ml chứa bimatoprost 0.01%) của hãng Allergan, sản xuất tại Ireland. Giá nhập (giá trúng thầu toàn quốc): 252.080đ. Giá bán: 265.000đ.
+ Travatan® (Lọ 2.5ml chứa travoprost 0.004%) của hãng Alcon-Novartis, sản xuất tại Bỉ. Giá nhập (giá trúng thầu toàn quốc): 252.300đ. Giá bán: 264.000đ.
+ Taflotan® (Lọ 2.5ml chứa tafluprost 0.0015%) của hãng Santen, sản xuất tại Nhật. Giá nhập (giá trúng thầu toàn quốc): 244.800đ. Giá bán: 257.000đ
+ Duotrav® (Lọ 2.5ml chứa travoprost 0.004% + timolol 0.5%) của hãng Alcon-Novartis, sản xuất tại Bỉ. Giá nhập (giá trúng thầu toàn quốc): 320.000đ. Giá bán: 336.000đ.
+ Taptiqom® (Hộp 30 ống 0.3ml chứa tafluprost 0.0015% + timolol 0.5%, không chứa chất bảo quản) của hãng Santen, sản xuất tại Pháp. Giá nhập (giá trúng thầu toàn quốc): 378.000đ. Giá bán: 405.000đ
Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.
Ths. Ds. Trần Hải Đông