“Nếu đôi mắt của một người đàn ông bị ảnh hưởng bởi tình trạng khô rát, anh ta sẽ vò nát một củ hành, rồi uống nó với bia, sau đó bôi dầu vào mắt của anh ta. Hoặc người đàn ông này sẽ moi ruột của một con ếch vàng, vo ruột của nó thành cục rồi bôi vào mắt của anh ta.”
– Trích dẫn từ lịch sử nhãn khoa của người Assyro-Babylon (hay còn gọi là người Akkadi) miền Trung Đông đã nêu lên lịch sử khởi đầu của “nước mắt nhân tạo” cũng như sự khó chịu gây ra bởi tình trạng khô mắt đã được quan tâm từ rất xa xưa. Bài viết này sẽ dịch lại một phần từ bài tổng quan của Dr. Mark B. Abelson và cộng sự, năm 2014 chủ yếu đề cập đến các thế hệ của “nước mắt nhân tạo” hiện nay. Thông tin tham khảo: https://www.reviewofophthalmology.com/article/3500-years-of-artificial-tears?fbclid=IwAR2j5-Y1eYnmp_aY33oaoQqw15mxjTdsUFbOX8ZOf-TR6BnPegI_L3XSKGY
+ Thế hệ Thứ Nhất:
** Trải qua nhiều năm, chúng ta đã chứng kiến nhiều loại nước mắt nhân tạo “đến rồi ra đi” trên thị trường, mỗi sản phẩm ra đời đều tự coi mình là “thế hệ mới”. Lịch sử hiện đại của “nước mắt nhân tạo” có thể được tìm hiểu từ những ngày đầu tiên tại các buổi giới thiệu thuốc với sản phẩm có tên là Collyrium, được dịch từ tiếng Latin có nghĩa là “rửa mắt”. Lọ thủy tinh màu xanh cobalt trứ danh này với nắp hình cái cốc đã được thiết kế để người sử dụng cảm thấy “mắt ổn” bằng cách giảm sự mỏi mắt hoặc kích ứng bởi bụi bẩn hoặc gió. Đây là một cách thiết kế phổ biến thời đó để nhỏ các thuốc dạng lỏng vào mắt cho đến khi các dạng thiết kế hình xoắn ốc ở nắp truyền thống ngày nay xuất hiện.
** Những nỗ lực bước đầu để giảm tình trạng khô mắt này được bổ sung bởi thế hệ các dung dịch có bản chất là thành phần muối Natri Clorid trong nước mắt, đẳng trương hoặc nhược trương với chất bảo quản chủ yếu là Benzalkonium Clorid. Nhìn chung, các “nước mắt nhân tạo” này phủ bề mặt nhãn cầu rất kém và thời gian lưu lại ngắn dẫn đến chỉ có tác dụng giảm triệu chứng thoáng qua và cần phải nhỏ rất nhiều lần.
+ Thế hệ Thứ Hai:
** Mãi đến những năm 1980 mới bắt đầu có bước đột phá về cải tiến “nước mắt nhân tạo”. Thế hệ tiếp theo này kết hợp các polyme tự nhiên (ví dụ: các dẫn chất methylcellulose) và các polyme tổng hợp (ví dụ: polyethylene glycol, polyvinyl alcohol, povidone, carbopol, polyguar và HP guar) thành nhiều dạng bào chế khác nhau. Tất cả các polyme này có độ nhớt cao hơn nên thời gian lưu lại tốt hơn các dạng trước đó và vẫn còn đến ngay nay là các sản phẩm như Systane (Alcon) và Refresh Optive (Allergan). Nhược điểm của những lọ dạng gel này là sự cải thiện triệu chứng xảy ra cùng lúc với sự nhìn mờ thoáng qua. Các sản phẩm này cũng được đưa ra thị trường các phiên bản chứa chất bảo quản ít độc tính hơn hoặc thậm chí không chất bảo quản, giúp bệnh nhân nhạy cảm hoặc hay bị kích ứng có thêm lựa chọn.
+ Thế hệ Thứ Ba:
** Acid hyaluronic được xem là thế hệ thứ ba của “nước mắt nhân tạo” điều trị khô mắt. Acid này có bản chất là một polysaccharide ở cơ thể người. Bên cạnh việc phân bố chủ yếu ở mô liên kết, acid này cũng có nồng độ cao trong buồng dịch kích, và thủy dịch – phần bao phủ bề mặt biểu mô giác mạc. Các sản phẩm đầu tiên như Blink Tears (Abbott) có bao gồm thành phần acid hyaluronic. Độ nhớt-đàn hồi của polysaccharide đã giúp tăng tính ổn định của nước mắt, giảm sự đào thải của nước mắt, bảo vệ tế bào biểu mô giác mạc và do đó, giúp giảm rất nhiều triệu chứng của khô mắt.
** Tuy nhiên, độ nhớt – đàn hồi của các sản phẩm chứa acid hyaluronic rất khác nhau do trọng lượng phân tử và nồng độ của acid hyaluronic khác nhau. Acid hyaluronic mà được tổng hợp hóa học liên kết chéo cho độ nhớt – đàn hồi cao hơn với acid hyaluronic nguyên bản có trọng lượng phân tử lớn và nồng độ thấp. Một nghiên cứu đã chỉ ra acid hyaluronic “liên kết chéo” liều 3 lần/ngày cho khả năng bảo vệ bề mặt nhãn cầu tốt hơn với loại nguyên bản ở mắt chó được chẩn đoán khô mắt. Một nghiên cứu nữa so sánh hiệu quả của một vài loại chất bôi trơn trên thỏ và chuột bị khô mắt cho thấy natri hyaluronat 0.3% cho thời gian lưu lại mắt lâu hơn so với nhiều chất khác, trong đó có carboxymethylcellulose và hydroxypropyl methylcellulose.
+ Thế hệ Thứ Tư:
** Không có gì ngạc nhiên khi một trong các phàn nàn nhiều nhất của khách hàng là các nước mắt nhân tạo thường không có tác dụng kéo dài. Lợi ích chính của “nước mắt nhân tạo” thế hệ mới nhất giúp giải quyết vấn đề này. Gần đây nhất, chúng ta được thấy sự có mắt của nhũ tương lipid trong hàng ngũ “nước mắt nhân tạo”. Được coi là thế hệ thứ tư và có nhiều ưu điểm nhất, nhũ tương cấp độ nano dầu trong nước đã cho thấy thời gian lưu rất lâu ở màng phim nước mắt, giảm tỉ lệ bốc hơi nước mắt và có tác động tích cực lên lớp lipid của nước mắt. Nhũ tương công nghệ nano này cũng cải thiện sinh khả dụng của các thuốc có bản chất thân lipid hoặc tan kém trong nước.
** Nhìn chung, các nhũ tương này cần chất hoạt động bề mặt hay còn gọi là “chất diện hoạt” để ổn định chúng, giúp không bị phân lớp, cho nên chủ yếu được bào chế theo dạng tích điện Âm. Một vài sản phẩm có bản chất này đã có mặt trên thị trường như Soothe XP (Bausch&Lomb) và Systane Balance (Alcon). Tiếp đó, Retaine (Ocusoft) là dạng nước mắt nhân tạo không chất bảo quản có chứa nhũ tương nano dầu trong nước tích điện Dương đầu tiên với khả năng bám dính sinh học tối ưu. Sự tương tác điện tử giữa các hạt nano tích điện dương và bề mặt tích điện âm của tế bào biểu mô nhãn cầu làm tăng thời gian lưu thuốc tại mắt, nhờ vậy làm tăng sự bảo vệ và hồi phục của cấu trúc phim nước mắt và biểu mô giác mạc.
Trên đây là lịch sử của 4 thế hệ nước mắt nhân tạo và một số loại cũng đang có sẵn tại Việt Nam. Có thể nói dù được cải tiến qua từng thế hệ nhưng không có nghĩa là 100% loại sau sẽ “tốt hơn” loại trước vì mỗi bệnh nhân sẽ đáp ứng với một loại khác nhau. Ở các bài viết sau, ad sẽ đi vào phân tích chi tiết hơn từng loại để mọi người cùng bàn luận.
Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán đủ cả 4 thế hệ “nước mắt nhân tạo”.
Cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.
Ths. Ds. Trần Hải Đông