Dạng bào chế đa liều không chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt – Từ công nghệ lọ PFMD® màng lọc đến công nghệ bơm COMOD®

– Nếu các bạn là “fan” của các dòng nước mắt nhân tạo thì việc sử dụng các dạng tép đơn liều không chất bảo quản có lẽ đã trở nên quá quen thuộc và trải nghiệm cả thuận lợi và bất tiện của dạng bào chế này. Điểm thuận lợi đầu tiên phải kể đến là có thể xác định được số lần sử dụng trong ngày dựa trên số lượng tép, thông thường là một tép/ngày, nghĩa là nếu bạn nhìn thấy thuốc vẫn còn nhiều trong tép thì khả năng cao là bạn đã quên mất việc nhỏ thuốc ở thời điểm nào đó. Thứ hai là, dạng tép được thiết kế nhỏ gọn, dễ cất vào ví, túi xách để thuận tiện cho việc mang theo người khi đi ra ngoài, và ý nghĩa hơn nếu bạn phải nhỏ nhiều loại thuốc mắt. Đối với dạng lọ có chất bảo quản, nếu bạn không sử dụng hết trong vòng 01 tháng thì nhà sản xuất khuyên bạn nên vứt bỏ phần thuốc còn lại, cho dù bạn chỉ nhỏ có vài lần nhưng với dạng tép, bạn sẽ chỉ cần sử dụng số tép thuốc theo số ngày sử dụng nên tổng thể sẽ tiết kiệm hơn về mặt kinh tế.

– Nhìn từ khía cạnh khác, thuận lợi cũng có thể trở thành bất tiện đối với một số nhóm bệnh nhân. Ví dụ như đối với người lớn tuổi, việc sử dụng dạng tép thường sẽ khó khăn do thị lực của họ kém hơn, khiến cho việc đóng, mở nắp cũng như tra thuốc trở nên khó “trúng mục tiêu”. Thiết kế nhỏ gọn cũng đồng nghĩa với việc dễ bị thất lạc, rơi mất khi lấy ra khỏi ví, túi xách. Một nhược điểm nữa là nhiều thuốc đóng dung tích lớn hơn số lần tra trong ngày, ví dụ như thuốc hạ nhãn Taptiqom® của hãng Santen chỉ cần tra liều 1 lần/ngày tương đương khoảng 0.05ml vào mắt bị tăng nhãn áp, trong khi dung tích đóng là 0.3ml (tương đương 2,5 đến 3 lần tra vào cả hai mắt). Tâm lý tiết kiệm sẽ khiến bệnh nhân để lại phần còn thừa thuốc sang ngày hôm sau (quá 24 tiếng) dễ dẫn đến việc thuốc dễ bị nhiễm vi sinh vật và có thể gây hại cho mắt.

– Chính vì những ưu – nhược điểm cơ bản ở trên hay gặp phải khi sử dụng, các nhà khoa học người Đức đã thiết kế nên một dạng bào chế khác, vừa đảm bảo không có chất bảo quản, vừa đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng. Đó chính là dạng bào chế đa liều không chất bảo quản. Cách đây hai tháng, tại hội nghị Ngành Nhãn Khoa 2019 ad đã được giới thiệu đến dạng lọ PFMD (Preservative-Free Multidose) thông qua sản phẩm Hydrelo Dual Action® của hãng Santen với cơ chế màng lọc vi khuẩn 0,22µm giúp sản phẩm chứa dung tích 10ml mà có thể sử dụng tới 03 tháng sau khi mở nắp. Điều thú vị nhất là giá thành của sản phẩm rẻ nhiều hơn so với dạng tép không chất bảo quản và chỉ cao hơn một chút so với dạng lọ có chất bảo quản khi cùng quy đổi ra đơn vị ml. Một ví dụ dễ hiểu hơn là sản phẩm Hydrelo Dual Action® 10ml (chứa natri hyaluronat 0.2% và ectoin 0.5%) có giá khoảng 200k sẽ rẻ hơn sản phẩm Avizor Ocu-Dry® (cùng chứa natri hyaluronat 0.2%) 20 ống x 0.4ml =8ml (giá trên Shopee là 225k/hộp).

– Và tới đầu tháng 12, hãng Ursapharm của Đức ra mắt thị trường Việt Nam sản phẩm có thiết kế bào chế còn hiện đại vượt hơn hẳn so với dạng lọ PFMD. Công nghệ đó được biết đến là hệ thống van bơm một chiều COMOD® (Continuous Mono Dose). Khi bạn bóp lọ thuốc thông thường để tạo áp lực để đẩy thuốc ra khỏi lọ, nếu áp lực không đủ thì phần thuốc lộ ra ngoài sẽ bị hút ngược lại vào trong lọ thuốc và quá trình đó kéo theo cả không khí cùng “những thứ khác”. Màng lọc của lọ PFMD có thể giúp ngăn cản quá trình này nhưng đó vẫn chưa phải là tối ưu vì đầu lọ thuốc vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi sinh vật nếu tiếp xúc phải. Hãng Ursapharm đã làm nghiên cứu so sánh khi ngâm đầu lọ thuốc PFMD và tép không chất bảo quản (nhóm 1) với lọ công nghệ COMOD (nhóm 2) ngày 3 lần vào môi trường chứa vi sinh vật trong hơn 4 ngày, có thực hiện việc bóp thuốc. Trong vòng 3 ngày đầu tiên, lọ công nghệ COMOD® (nhóm 2) 100% không phát hiện vi sinh vật (< 1 CFU – colony forming unit (đơn vị hình thành vi khuẩn lạc vào)/lọ), còn ở lọ thuốc PFMD (dùng màng lọc) và tép không chất bảo quản (nhóm 1) thì phát hiện có vi sinh vật ( > 1 triệu CFU/lọ) bên trong lọ.

– Sở dĩ dạng lọ COMOD® có ưu điểm như vậy nhờ hệ thống van bơm một chiều, giúp đẩy thuốc ra hoàn toàn nếu bấm nắp, và đầu ống thuốc được bao bọc bằng bạc giúp loại bỏ vi sinh vật ngay tại vị trí tiếp xúc. Sản phẩm HyloGel® của hãng Ursapharm chứa natri hyaluronat 0.2% có dung tích 10ml, không chất bảo quản và có thể dùng tới 06 tháng sau khi mở nắp (hơn 03 tháng so với dạng lọ PFMD dùng màng lọc). Tuy nhiên, mức giá thành tới tay bệnh nhân sẽ khoảng 270k/lọ thì sẽ có thể là một rào cản để sử dụng sản phẩm này vì mức giá đó tương đương với dạng tép không chất bảo quản.

Nếu các bạn để ý hơn thì có thể nhận thấy những công nghệ tiên tiến về dạng bào chế đều xuất phát từ nước Đức. Các dòng sản phẩm được thiết kế như Hydrelo® của hãng Santen và HyloGel® của hãng Ursapharm sẽ giúp cho nhiều đối tượng bệnh nhân có thể yên tâm lựa chọn dòng sản phẩm không chất bảo quản, phát huy tối đa tác dụng điều trị của hoạt chất.

Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội hiện chưa bán hai dòng sản phẩm này vì chưa có hàng.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.

Ths. Ds. Trần Hải Đông

lovemama.vn/hoi-dap