– Chữ “Các” trong tiêu đề của bài viết nên được hiểu là gồm cả những thuốc đã từng có mặt tại Việt Nam và tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn xót lại duy nhất một sản phẩm. Doanh số sản phẩm kém hay thuốc không hiệu quả, hoặc có thuốc mới thay thế đều không phải lý do cho sự thoái lui của các sản phẩm dạng gel này. Đơn giản vì chúng được xếp vào hàng biệt dược gốc và phải chịu chung số phận giống như Marcain® 0.5% (Bupivacain) từ chính sách của cơ quan quản lý.
– Khổ một điều, các thuốc tra mắt nói chung khi sử dụng thường an toàn cao, ít tác dụng phụ hơn và cũng vô cùng hiếm dẫn đến chết người so với các đường dùng khác như uống, tiêm. Do vậy, dù không có hàng thay thế, các thuốc tra mắt dạng gel được “tiễn” khỏi thị trường Việt Nam mà không bị ai kêu ca gì, mà “con không kêu, mẹ làm sao cho bú”. Nhiều người còn nghĩ đơn giản là “không có dạng dành riêng cho tra mắt thì ta lấy dạng bôi ngoài da tra vào, chắc cũng không ảnh hưởng gì”.
– Rõ ràng về mặt giải phẫu, bề mặt da và bề mặt nhãn cầu khác biệt nhau hoàn toàn dẫn đến những yêu cầu cho dạng bào chế tra mắt thường phải khắt khe và kỹ càng hơn. Một ví dụ điển hình là sản phẩm tra mắt CornereGel® của Bausch&Lomb (bị hết số lưu hành từ cách đây hơn một năm) – chứa dexpanthenol 5% – được coi là sự lựa chọn tối ưu cho các trường hợp bị bỏng giác mạc, giảm nhanh triệu chứng nóng rát nhờ vào tác dụng làm dịu và giữ nước. Sản phẩm này khi ra mắt thị trường không cần phải marketing gì đặc biệt vì hiệu quả điều trị của nó là không phải bàn cãi và cũng là sản phẩm độc nhất dành cho mắt. Nếu bạn thử google các sản phẩm chứa dexpanthenol thì sẽ thấy có vô vàn sản phẩm bôi da chứa hoạt chất này, nổi tiếng như kem chống hăm Bepanthen® của hãng Bayer hay trong dầu gội đầu… nhưng với ngành mắt thì khó tìm thấy loại nào khác. Một sản phẩm không hề có hàng thay thế nhưng vẫn không được cấp lại số đăng ký. Bệnh nhân hỏi: “thế giờ em phải tìm mua ở đâu?” và dược sỹ trả lời: “em chịu khó bay ra nước ngoài mua thôi.”
– Ở một khía cạnh khác, có hàng thay thế nhưng chất lượng không bằng. Genteal Eye Gel® của Novartis trước đây là một ví dụ. Sản phẩm chứa Hypromellose 0.3% với chất bảo quản natri perborat (hay còn gọi là GenAqua) có độ bám dính lâu, độ nhớt cao ,tan nhanh, và chất bảo quản khi tiếp xúc với nước sẽ bị phân huỷ thành dạng không độc tính (link về chất bảo quản: https://psnc.org.uk/nottinghamshire-lpc/wp-content/uploads/sites/21/2014/07/MM-PRESERVATIVES-AND-TOXICITY-HANDOUT-v1-20150319.pdf) . Giá thành hồi đó khoảng hơn 110k 1 tuýp 10g. Còn hiện giờ sản phẩm thay thế còn xót lại là Liposic Eye Gel® của Bausch&Lomb chứa Carbomer 0.2% cũng có tính chất lý hoá gần tương tự như vậy, giá chỉ bằng một nửa nhưng lại sử dụng chất bảo quản Cetrimid – cùng nhóm cấu trúc hoá học với Benzalkonium clorid nên nếu dùng càng lâu và liên tục thì có thể dẫn đến một nghịch lý là thuốc giảm khô mắt lại gây ra khô mắt nặng hơn theo thời gian. Ngay cả trong tờ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm Liposic Eye Gel® cũng đề cập thời gian sử dụng liên tục tối đa chỉ nên là 3 tháng rồi ngưng thuốc (có thể từ 2-4 tuần) để cơ thể đào thải bớt chất bảo quản và sau đó mới sử dụng tiếp trở lại.
– Hiện nay có một số sản phẩm bào chế ở dạng gel nhưng là gel lỏng như Refresh LiquiGel® của Allergan hay HyloGel® của Ursapharm để giảm độ nhớt và bám dính nhưng cũng vì vậy mà tác dụng cũng giảm đi và người sử dụng nhận thấy các sản phẩm đó giống như các dạng dung dịch khác chứ không phải là Gel.
– Một điều cuối là tại sao có tới hàng nghìn sản phẩm nước mắt nhân tạo dạng lỏng đăng ký dưới dạng thuốc hay vật tư y tế, đủ các thế hệ, công nghệ này nọ được các công ty dược ồ ạt nhập về nhưng loại dạng Gel tính đến 4 năm nay kể từ thời Genteal Gel (2015) vẫn chưa có thêm loại nào? Câu hỏi đó xin dành tặng cho các hãng dược.
Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội có bán:
+ Liposic Eye Gel 0.2% (1 tuýp 10g chứa 0.2% Carbomer) của hãng Bausch&Lomb, sản xuất tại Đức, với chỉ định giảm triệu chứng khô mắt mức độ trung bình và nặng. Giá bán: 60.000đ. Giá nhập (giá trúng thầu toàn quốc): 56.000đ.
Cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi người.
Ths. Ds. Trần Hải Đông